(TTCNTT) - Bộ TT&TT vừa đăng tải dự thảo 4 Thông tư hướng dẫn thực hiện các quy định trong Nghị định 73 ngày 5/9/2019 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên website của Bộ để lấy ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, 4 dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện các quy định trong Nghị định 73 ngày 5/9/2019 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đang được Bộ TT&TT triển khai lấy ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp gồm có: Thông tư quy định về lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng CNTT; Thông tư quy định về lập đề cương và dự toán chi tiết đối với hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định chi phí thuê dịch vụ CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; và Thông tư hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư ứng dụng CNTT.
Cả 4 dự thảo Thông tư nêu trên đều có thời hạn lấy ý kiến kéo dài đến ngày 16/12/2019. Người dân, doanh nghiệp hiện có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT để xem toàn văn các dự thảo Thông tư và đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện những văn bản quy phạm pháp luật này.
Nghị định 73 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được ban hành ngày 5/9/2019 và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020.
Là Nghị định thay thế cho Nghị định 102 ngày 6/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Quyết định 80 ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước, Nghị định 73 có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vướng mắc cho hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT, thuê dịch vụ CNTT; đảm bảo phù hợp và đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan; đồng thời bãi bỏ, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đầu tư ứng dụng CNTT, thuê dịch vụ CNTT, từ đó thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử.
Cụ thể, theo Bộ TT&TT, Nghị định 73 được Chính phủ ban hành đã tháo gỡ những khó khăn, bất cập của Nghị định 102 và Quyết định 80 như: bỏ các quy định không phù hợp đối với dự án đầu tư ứng dụng CNTT; quy định quản lý chi phí, quản lý chất lượng dự án CNTT, thuê dịch vụ CNTT phù hợp với đặc thù của ngành CNTT; bãi bỏ các điều kiện, rút gọn các quy trình, thủ tục đầu tư không cần thiết (rút ngắn từ 30 – 50% quy trình đầu tư). Đồng thời, quy định một cách đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.
Nghị định 73 cũng quy định rõ việc triển khai thuê dịch vụ CNTT phù hợp với nguồn vốn sử dụng (vốn đầu tư công, vốn chi thường xuyên) về quy trình, thủ tục, thẩm quyền; quy định quy trình thuê dịch vụ CNTT phù hợp với tính chất của hoạt động thuê (thuê dịch vụ sẵn có thì thực hiện đơn giản; thuê dịch vụ chưa sẵn có thì lập Kế hoạch thuê, xây dựng dịch vụ, kiểm thử hoặc vận hành thử và đưa vào cho thuê).
Bên cạnh đó, Nghị định mới còn bổ sung nhiều phương pháp xác định chi phí thuê dịch vụ CNTT; bổ sung quy định đối với sản phẩm, dịch vụ CNTT chưa có sẵn trên thị trường khó xác định đầu bài ngay từ ban đầu, được lựa chọn các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất giải pháp, phương án kỹ thuật, công nghệ; xây dựng, thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ. Sau khi thử nghiệm thành công, xác định được bài toán thì tiến hành các thủ tục đầu tư, thuê dịch vụ CNTT theo quy định.
“Quy định này giúp tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay khi cần thiết phải đầu tư, thuê các ứng dụng và giải pháp công nghệ mới”, Bộ TT&TT lý giải.
Liên quan đến thực tế vướng mắc trong đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước tại địa phương, trong trao đổi tại phiên tọa đàm cấp cao của sự kiện Industry 4.0 Summit 2019 được tổ chức vào đầu tháng 10, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã cho biết, xu hướng chung của các địa phương là thuê dịch vụ CNTT, song thời gian qua việc tổ chức, triển khai thuê dịch vụ CNTT còn gặp khó khăn. Trong đó, khó khăn, vướng mắc nhất chính là xác định giá thuê dịch vụ CNTT. Nếu dịch vụ CNTT đã có giá trên thị trường, doanh nghiệp đã sản xuất thì thông báo giá rất dễ; nhưng những dịch vụ CNTT phải xây dựng mới phần mềm, sau đó các doanh nghiệp cho cơ quan, đơn vị nhà nước thuê thì hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể với nội dung này.
“Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước có hiệu lực từ 1/1/2020 thay cho Nghị định 102 và Quyết định 80, Hà Nội mong muốn Bộ TT&TT phối hợp với các bộ, ngành liên quan để sớm có hướng dẫn những nội dung liên quan đến thuê dịch vụ CNTT để các địa phương thực hiện được thuận lợi”, ông Ngô Văn Quý đề nghị.
(Nguồn: ictnews.vn)