Đó là những ý kiến được chia sẻ tại Hội thảo "Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình" do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 1/10.
Phát triển hệ thống dữ liệu số trong du lịch là nhiệm vụ quan trọng
Theo đại diện Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết: Thành phố Đà Nẵng đã ban hành Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, ngành du lịch thành phố đã xây dựng Kế hoạch và triển khai các mục tiêu, giải pháp thực hiện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Sở Du lịch đã xây dựng và trình UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Khung kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin ngành du lịch, đây được coi là nền tảng để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh và là định hướng kỹ thuật để phát triển các ứng dụng, cho phép tích hợp, chia sẻ và kết nối với các hệ thống thuộc thành phố thông minh.
Quang cảnh hội thảo
Bên cạnh đó, việc phát triển hệ thống dữ liệu số trong lĩnh vực du lịch được ngành du lịch Đà Nẵng đánh giá là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, là nền tảng để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Sở đã hoàn thành cơ bản cơ sở dữ liệu ngành du lịch, ban hành danh mục đặc tả dữ liệu ngành du lịch; đã sử dụng hiệu quả các hệ thống phần mềm như: Quản lý văn bản và điều hành giúp việc điều hành và xử lý công việc được thuận lợi, phần mềm rà soát công việc tổng hợp; hệ thống báo cáo kết quả kinh doanh du lịch trực tuyến...
Sở đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ AI thí điểm xây dựng hệ thống giám sát du lịch thông minh tại 3 khu điểm du lịch là: Bảo tàng Đà Nẵng, Chùa Linh ứng Sơn Trà và Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn… Hoàn thành Cổng thông tin và ứng dụng di động Danang Fantasticity theo hướng tất cả ứng dụng trong một ứng dụng, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ du khách trước, trong và sau khi đến thành phố Đà Nẵng.
Đồng thời, phát triển nguồn lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch cũng được chú trọng. Sở cũng đã số hóa toàn bộ thông tin, dữ liệu và chương trình đào tạo và đăng tải lên website daotaodulichdanang.com để tất cả người lao động, doanh nghiệp ngành du lịch có thể tiếp cận và tự đào tạo.
Cũng giống như thành phố Đà Nẵng, chuyển đổi số là nội dung quan trọng, là động lực cho sự phát triển bền vững của du lịch thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì thế, trong thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và phát triển kho dữ liệu du lịch tích hợp phục vụ cho mục đích của ngành du lịch.
Giám đốc sản phẩm lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tập đoàn VNPT) Lê Văn Anh chia sẻ tại hội thảo
Đại diện Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Kho dữ liệu này được thiết kế và xây dựng trên cơ sở tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau của thành phố như cơ sở dữ liệu về công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng, địa điểm du lịch, cơ sở mua sắm, sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao, du lịch, ... trên địa bàn thành phố. Kho dữ liệu du lịch tích hợp này sẽ là hạ tầng dữ liệu dùng chung cho hầu hết các ứng dụng, dịch vụ du lịch của thành phố và được thiết kế để phục vụ cả 04 đối tượng người sử dụng là: Khách du lịch, người dân, doanh nghiệp hoạt động du lịch và cơ quan quản lý du lịch.
Việc từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu ngành du lịch tích hợp có cấu trúc đa chiều, đa diện, linh hoạt, cho phép kiến tạo nên các tính năng thông minh, dịch vụ thông minh cho toàn ngành du lịch cần có những giải pháp đồng bộ, sự tham gia đồng hành và tích hợp từ nhiều nguồn, từ nhiều ban ngành và các chủ thể trong ngành du lịch như: Khai thác Kho dữ liệu dùng chung của thành phố; Công an thành phố phối hợp chia sẻ dữ liệu về khách du lịch quốc tế xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất và dữ liệu quản lý lưu trú trên địa bàn thành phố theo thời gian thực; Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp chia sẻ dữ liệu về khách du lịch quốc tế, công ty lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú đạt 4,5 sao, hướng dẫn viên, thuyết minh viên...
Cần ban hành, cơ chế chính sách hướng dẫn cụ thể
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại diện của các Sở Du lịch tại các đại phương cũng cho biết, công tác thu thập, xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác, quản lý dữ liệu của ngành du lịch còn gặp nhiều thách thức.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Đại diện Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết: Hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành vừa được hoàn chỉnh, vì vậy lượng dữ liệu còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa nhận thức được vai trò và lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, do đó chưa quyết liệt và có lộ trình cụ thể triển khai công tác chuyển đổi số. Hơn nữa, vẫn còn thiếu nhân lực chất lượng cao hoặc có chuyên môn cao về triển khai chuyển đổi số, phân tích dữ liệu (data analytics) tại các doanh nghiệp, đặc biệt tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Vì vậy để phát triển dữ liệu số tốt hơn nữa trong thời gian đến, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành du lịch với phương châm "đúng, đủ, sạch, sống" làm cơ sở để phối hợp, liên kết, hợp tác với các đơn vị đưa các ứng dụng, nền tảng vào hoạt động để hình thành hệ sinh thái số trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm dịch vụ để tạo giá trị tăng thêm cho sản phẩm, dịch vụ du lịch cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh. Ứng dụng công nghệ AI để thuyết minh, hướng dẫn và hỗ trợ xây dựng chương trình tour tham quan cho du khách đến du lịch tại thành phố Đà Nẵng…..
"Để đạt được các mục tiêu trên, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo và hỗ trợ hơn nữa của Bộ VHTTDL trong việc ban hành các cơ chế, chính sách hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong tạo lập, chia sẻ và hình thành các cơ sở dữ liệu lĩnh vực du lịch; làm việc với các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Tổng cục thống kê, Tổng cục thuế... để cho phép chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, đảm bảo dữ liệu thông suốt, góp phần quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch được tốt hơn" – Đại diện Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng nói.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Đồng quan điểm trên, Giám đốc sản phẩm lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tập đoàn VNPT) Lê Văn Anh cho biết: "Để đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cho ngành du lịch, cần phải xây dựng luật và quy định cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực Du lịch; Sớm ban hành quy chế về quản lý, kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ; Hỗ trợ tài chính và đầu tư; thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ; môi trường kinh doanh minh bạch, uy tín cho du khách hàng.
Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm; Xây dựng, tạo điều kiện thúc đẩy môi trường du lịch thân thiện, sáng tạo; Thúc đẩy phát triển các hệ sinh thái, nền tảng phát triển du lịch số; Tăng cường công tác giám sát, đánh giá hiệu quả; Sử dụng công nghệ phân tích hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định chính sách phù hợp..."./.