SharePoint
Liên kết web
 
 

Long An: Ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy phát triển du lịch

05/01/2024 14:14
CĐS- Phát triển du lịch thông minh (DLTM) là xu hướng tất yếu của tương lai, nâng cao năng lực quản lý, giải quyết và đáp ứng các nhu cầu của khách du lịch, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch hiện nay. Hòa vào xu hướng đó, tỉnh đang từng bước ứng dụng công nghệ số vào du lịch.

Long An: Ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy phát triển du lịch - Ảnh 1.Công trình Số hóa Công viên tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” được Tỉnh Đoàn triển khai năm 2022 (Ảnh: Ngươn Kiết)

Hệ thống du lịch thông minh - “cầu nối” 3 bên

Tháng 8/2023 vừa qua, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm Cổng thông tin và ứng dụng di động DLTM (hệ thống DLTM) tỉnh. Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa chỉ đạo tập trung triển khai chính thức hệ thống DLTM, song song đó là nâng cao chất lượng phục vụ thông tin, bảo đảm sự hấp dẫn, mới mẻ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dùng. Tỉnh cũng hướng tới các mục tiêu cao hơn trong phát triển DLTM: Chuẩn hóa nội dung về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch; phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động DLTM; ứng dụng công nghệ thực tế ảo và các công nghệ tiên tiến khác nhằm tăng giá trị và sức hấp dẫn của điểm đến, các sản phẩm du lịch của tỉnh.

Các định hướng trên nhanh chóng được triển khai, thực hiện thông qua nỗ lực thúc đẩy việc đưa hệ thống DLTM vào vận hành chính thức và xây dựng Kế hoạch phát triển hệ thống DLTM tỉnh Long An đến năm 2025.

Được xây dựng với nền tảng dữ liệu trực tuyến, trên cơ sở số hóa dữ liệu du lịch, hệ thống DLTM tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin, cập nhật, chia sẻ dữ liệu, góp phần hình thành hệ sinh thái DLTM, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, phù hợp với xu thế phát triển du lịch trong thời đại công nghệ số. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh - Nguyễn Văn Hiển nhận định: “Hệ thống DLTM tập hợp đầy đủ thông tin về hoạt động du lịch, vui chơi, ăn uống, mua sắm,... góp phần quảng bá hình ảnh con người, văn hóa, tài nguyên của Long An, góp phần phát triển ngành Du lịch và KT-XH tỉnh nhà”.

Long An: Ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy phát triển du lịch - Ảnh 2.Số hóa di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh là hoạt động góp phần tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa tại các “địa chỉ đỏ”, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh

Hiện nay, khách du lịch đa phần sử dụng Internet, thiết bị thông minh để tìm kiếm thông tin du lịch, tham khảo điểm đến, so sánh và lựa chọn các dịch vụ du lịch hợp lý; thực hiện các giao dịch mua tour, đặt phòng, thanh toán trực tuyến;... Việc vận hành chính thức hệ thống DLTM là xu hướng tất yếu và bước tiến lớn của ngành Du lịch tỉnh. Hiện tại, hệ thống DLTM của tỉnh cung cấp thông tin về các công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn, địa điểm du lịch, sự kiện văn hóa, du lịch,... trên địa bàn tỉnh. Các thông tin đó luôn được cập nhật, chỉnh lý nội dung thường xuyên, liên tục nhằm bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, giúp du khách xây dựng được các tour du lịch đến Long An một cách dễ dàng, thuận tiện. Ngoài ra, các tour du lịch được doanh nghiệp thiết kế sẵn và đang chào bán cũng có mặt trên hệ thống.

Thông tin từ Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh, ngoài các thông tin sẵn có, hệ thống DLTM sẽ xây dựng hệ thống tham quan thực tế ảo (3D), cho phép du khách tham quan các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh thông qua công nghệ thực tế ảo, làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách đối với du lịch của tỉnh Long An.

Phát huy hiệu quả từ cơ sở

Không chỉ có hệ thống DLTM, việc ứng dụng công nghệ số được các địa phương, doanh nghiệp triển khai đồng loạt với nhiều hoạt động khác nhau nhằm quảng bá hình ảnh, thu hút du khách.

Các khu du lịch nổi bật trên địa bàn tỉnh: Cánh Đồng Bất Tận, Làng nổi Tân Lập, Chavi Garden, Vườn thú Mỹ Quỳnh ngoài trang web chính thức còn có các tài khoản mạng xã hội với hình ảnh, thông tin phong phú, giúp du khách dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu. Sống và làm việc tại TP.HCM, chị Phan Thị Lệ chia sẻ, chị biết đến Vườn thú Mỹ Quỳnh thông qua Facebook. Các hình ảnh trên fanpage khiến chị thích thú và quyết định cùng bạn bè chọn Vườn thú Mỹ Quỳnh là điểm đến trong dịp Noel. “Xem các hình ảnh về khu vực “nhốt người thả thú” tôi cảm thấy thú vị và muốn trải nghiệm. Fanpage của Vườn thú cung cấp đầy đủ thông tin, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, thông tin đường đi nên tôi tìm đến cũng khá dễ dàng” - chị Lệ nói.

Long An: Ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy phát triển du lịch - Ảnh 3.Số hóa di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh là hoạt động góp phần tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa tại các “địa chỉ đỏ”, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh

Bên cạnh đó, việc số hóa di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng. Bằng cách triển khai đồng bộ và giao chỉ tiêu cho các cơ sở Đoàn, năm 2023, Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh thực hiện số hóa 71 công trình. Trong đó, có 6 công trình sử dụng công nghệ VR 360: Công viên tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, chùa Tôn Thạnh, Vàm Nhựt Tảo, Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, Khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chùa Phước Lâm.

Với công nghệ VR 360, du khách không chỉ nắm được thông tin cần thiết khi quét mã QR được lắp đặt tại khu di tích mà còn được xem hình ảnh thực tế ảo, nghe thuyết minh tự động về không gian tại khu di tích. Công nghệ VR 360 cho phép du khách trải nghiệm những góc nhìn khác nhau theo không gian 3 chiều mà dữ liệu hình ảnh, video không thể thực hiện được, tạo ra sự mới lạ, thu hút.

Long An: Ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy phát triển du lịch - Ảnh 4.Công trình Số hóa Công viên tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” là 1 trong 6 công trình ứng dụng công nghệ VR 360. (ảnh chụp màn hình)

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn - Lê Thị Hồng Kết cho biết: “Công trình số hóa các di tích là hoạt động góp phần tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa tại các “địa chỉ đỏ”, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa - du lịch; đồng thời, thể hiện vai trò tiên phong, đổi mới, sáng tạo của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số, vận dụng, ứng dụng công nghệ số trong thực tiễn”. Việc số hóa các di tích là nỗ lực giúp đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi nói riêng và người dân nói chung dễ dàng tìm hiểu về các di tích lịch sử - văn hóa cũng như có trải nghiệm tốt hơn về du lịch Long An.

Việc sử dụng công nghệ VR 360 vào số hóa di tích lịch sử - văn hóa là nền tảng để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thực tế ảo và các công nghệ tiên tiến khác nhằm tăng giá trị và sức hấp dẫn của điểm đến, các sản phẩm du lịch của tỉnh trong tương lai. Giai đoạn hiện nay, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển du lịch là vô cùng cần thiết nhằm góp phần quảng bá du lịch tỉnh nhà và mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho du khách./.

(Nguồn: Báo Long An)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây