SharePoint
Liên kết web
 
 

Hội nghị giao ban với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương quý I/2022

26/04/2022 16:41
Sáng 25/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị giao ban với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương quý I/2022.

Dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam Vương Duy Biên; Vụ trưởng Vụ Văn hóa- Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương; lãnh đạo các Cục, vụ của Bộ VHTTDL.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam Vương Duy Biên;
Vụ trưởng Vụ Văn hóa- Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt chủ trì Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt cho biết: trong quý I/2022, nhiều chương trình, sự kiện, chính sách mới về văn hóa, văn học nghệ thuật, chăm lo đời sống cho văn nghệ sĩ đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để triển khai. Đại bộ phận văn nghệ sĩ tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới và những quyết sách của Đảng; kiên trì, tâm huyết với công việc sáng tạo, gắn bó với các giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng, khẳng định các giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ có nhiều chuyển động mới, đời sống văn học nghệ thuật được duy trì phong phú, đa dạng; truyền hình, không gian mạng được sử dụng hiệu quả, phát huy tốt vai trò là kênh thông tin tuyên truyền chủ đạo, vừa tạo thành các sân khấu, sân chơi, diễn đàn văn học, nghệ thuật, khích lệ, cổ vũ tinh thần nhân dân, tạo không khí lạc quan, lan tỏa các thông điệp tích cực.

Trong quý II, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ văn nghệ sĩ, tăng cường tiếng nói phản biện xã hội của các hội, tham gia tích cực cùng các bộ, ngành liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển; đầu tư chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm cho hoạt động tuyên truyền, công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.

Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Phạm Thị Kim Oanh đã báo cáo chuyên đề "Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số và hội nhập quốc tế". Theo đó, quyền tác giả và các quyền liên quan đóng vai trò quan trọng trong góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời là một trong những điều kiện để hội nhập vào hệ thống kinh tế, thương mại quốc tế. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng đã có những bước tiến quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Công nghệ số đã cho phép và khuyến khích nhiều tác phẩm được hoàn thiện hơn dưới dạng các sản phẩm kỹ thuật số và được phân phối thông qua mạng truyền thông ảo trên internet, tạo nên làn sóng trong thế giới kỹ thuật số để phân phối nội dung đến người nghe, người xem. Những công nghệ này đã làm thay đổi đáng kể cấu trúc và tính kinh tế của các mô hình kinh doanh mà theo đó các tác phẩm có bản quyền được xuất bản và phân phối tới công chúng. Một thị trường ảo dành cho các sản phẩm âm nhạc, phim ảnh và giải trí hiện đang tồn tại trên không gian mạng, không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia, thách thức các quy tắc bảo vệ pháp lý truyền thống như luật bản quyền quốc gia thường có bản chất lãnh thổ.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt báo cáo tại Hội nghị

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được chú trọng triển khai. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức, cá nhân có bước chuyển biến rõ rệt, thể hiện qua thái độ ứng xử văn minh, tôn trọng đối với một loại tài sản đặc biệt của nhân loại là tài sản trí tuệ. Các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được hình thành từ Trung ương đến địa phương có hoạt động đạt kết quả khích lệ, từng bước đưa pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được thi hành trong đời sống.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang chủ động trong hội nhập quốc tế, tham gia 7 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trên phạm vi quốc tế, thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản, giáo dục... Từ đó, khuyến khích các cá nhân, các công ty sáng tạo và phổ biến tác phẩm, đặc biệt là trên môi trường kỹ thuật số; làm phong phú khả năng phục vụ đời sống tinh thần của công chúng; tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, giới thiệu văn hóa, điện ảnh, mỹ thuật Việt Nam ra nước ngoài và tinh hoa văn hóa nhân loại tại Việt Nam trong môi trường kỹ thuật số.

Báo cáo cũng chỉ ra thực trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp; thậm chí, những người sáng tạo vi phạm bản quyền của nhau… đồng thời đề xuất để thúc đẩy bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam trong môi trường kỹ thuật số và hội nhập quốc tế, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số, hướng tới xây dựng Luật Bản quyền tác giả độc lập.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành cũng báo cáo tình hình hoạt động trong quý I/2022 và những khó khăn, giải pháp nhằm triển khai hoạt động trong thời gian tới. Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng giải đáp một số vướng mắc về cơ chế, chính sách của đại diện các Hội.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành nhiều sự quan tâm đến hoạt động văn học, nghệ thuật nói chung và hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương nói riêng. Thứ trưởng mong muốn, trong thời gian tới, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ngành đồng thời yêu cầu các Hội thực hiện nghiêm túc 6 nhiệm vụ của quý II/2022 gồm:

Một là: Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và các cơ quan có liên quan cần tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ; các ý kiến kết luận, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; trọng tâm là bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị; các nội dung Kết luận, Quy định tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).

Hai là: Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu để Đề án hỗ trợ sáng tạo VHNT giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành, sớm giải ngân được kinh phí; đôn đốc, chỉ đạo, tổ chức, triển khai xây dựng và cải tạo Trụ sở làm việc của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tại 51 Trần Hưng Đạo (giai đoạn 1) theo đúng tiến độ.

Ba là: Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương tiếp tục rà soát lại nội dung hoạt động, bổ sung, hoàn thiện chương trình công tác, kiện toàn tổ chức, nhân sự các đơn vị trực thuộc; xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc, quy chế phối hợp trong hoạt động, quan tâm công tác bồi dưỡng cán bộ, có đề án cụ thể để chuẩn bị tốt công tác quy hoạch cán bộ chủ chốt của hội (giai đoạn 2025-2030), từng bước đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của các hội, khơi dậy mọi tiềm năng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Bốn là: Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ văn nghệ sĩ, tăng cường tiếng nói phản biện xã hội của các hội, tham gia tích cực cùng các Bộ, ngành liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển. Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương cần quan tâm, đầu tư chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm cho hoạt động tuyên truyền, cho công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.

Năm là: Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và điều kiện thực tiễn, Liên hiệp và các hội tập trung xây dựng kế hoạch vận động hội viên hưởng ứng, tham gia tích cực cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm về đề tài thông tin đối ngoại, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng, tuyên truyền các ngày lễ lớn của đất nước, trước mắt là kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022) và Quốc tế lao động 1/5, 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022), chào mừng SEA Game 31 tổ chức tại Việt Nam...

Sáu là: Trên cơ sở kiến nghị của các đại biểu tại Hội nghị giao ban lần trước, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch 131-KH/BTGTW ngày 30/3/2022 để tăng cường và từng bước đổi mới công tác giao ban, bổ sung các nội dung chuyên môn để báo cáo, cung cấp thông tin tại Hội nghị. Đối với một số kiến nghị của các hội về: cải tiến quy trình, thủ tục xin cấp kinh phí hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội VHNT địa phương; xem xét giải thưởng chuyên ngành như một căn cứ để xét giải thưởng Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú...đề nghị Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam có báo cáo và ý kiến chính thức, trên cơ sở đó Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan xem xét trả lời với tinh thần tháo gỡ, tạo điều kiện tối đa để Liên hiệp và các Hội chủ động trong hoạt động./.

(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây