SharePoint
Liên kết web
 
 

Văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và xã hội: Thực trạng và những vấn đề đặt ra

29/04/2021 16:57
(TTCNTT) - Nhằm tuyên truyền về nét đẹp nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa; tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng nếp sống văn hóa, lối sống và ứng xử văn minh trong mỗi gia đình, đời sống cộng đồng và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội…, Bộ VHTTDL mới đây đã ban hành kế hoạch tuyên truyền nét đẹp văn hóa ứng xử trong đời sống sinh hoạt gia đình, dòng họ, khu dân cư và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội năm 2021.

Đánh giá thực trạng và nhìn nhận những vấn đề đặt ra, nội dung tuyên truyền của Bộ VHTTDL nhằm phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng và xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách; ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội.

Gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống

Với vai trò là những tế bào xã hội, gia đình chính là môi trường văn hóa đầu tiên mà mỗi cá nhân được tiếp nhận trong quá trình trưởng thành, định hình nhân cách, lối sống và văn hóa ứng xử. TS Nguyễn Thị Phượng (Viện VHNT Quốc gia Việt Nam) đã dẫn lời tác giả Mai Huy Bích, tất cả các hoạt động sinh hoạt trong gia đình, sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ ân cần chỉ bảo của cha mẹ đã ảnh hưởng khá nhiều đến thói quen, nề nếp, tác phong sinh hoạt của con cái. Bên cạnh những yếu tố đạo đức, những ứng xử trong giao tiếp thì các tác phong sinh hoạt, thói quen trong hoạt động lao động sản xuất cũng đều trở thành những chuẩn mực mà gia đình tạo cho con cái họ từ nhỏ cho đến khi trưởng thành.

Cũng theo TS Nguyễn Thị Phượng, cũng như nhiều giá trị văn hóa khác, hệ giá trị văn hóa gia đình cũng luôn vận động, phát triển không ngừng để thích nghi với sự biến đổi của xã hội. Hệ giá trị gia đình Việt Nam ngày nay đang trong quá trình chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại với một số giá trị, chuẩn mực bị mất đi, một số giá trị tuy giữ nguyên tên gọi nhưng nội hàm của giá trị cũng đã bị biến đổi. “Chẳng hạn, trong giáo dục con cái, bên cạnh việc giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các gia đình còn chú ý đến giáo dục các giá trị về tri thức, kinh nghiệm và ý thức cộng đồng cho con trẻ nhằm đáp ứng được những đòi hỏi về phẩm chất, năng lực, kiến thức mà mỗi đứa trẻ cần được trang bị để thích ứng với xã hội hiện đại và nền kinh tế thị trường.

Đáng chú ý, nhân tố quan trọng trong đời sống mỗi gia đình, có ý nghĩa tác động đến xây dựng môi trường văn hóa nói chung của cộng đồng và xã hội chính là những quan hệ ứng xử trong gia đình. Theo các chuyên gia, khuôn mẫu cơ bản trong ứng xử gia đình cần luôn luôn gìn giữ, đó là dù gia đình hiện đại hay gia đình truyền thống thì điều bất biến luôn là sự yêu thương, chia sẻ, hòa hợp, chung thủy, đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình. Những khuôn mẫu ứng xử quan trọng này nếu bị xô lệch sẽ là nguyên nhân dẫn đến nhiều đổ vỡ, xáo trộn đời sống của mỗi gia đình, rộng hơn là của cộng đồng và xã hội.

Bởi thế, mỗi cách ứng xử văn hóa trong gia đình đều chính là môi trường văn hóa cụ thể tác động trực tiếp đến lối sống, suy nghĩ của các thành viên, đặc biệt là những đứa trẻ. TS Nguyễn Thị Phượng nhấn mạnh, từ cách ứng xử của cha mẹ, các giá trị văn hóa được hình thành và thẩm thấu đến tất cả các thành viên trong gia đình, đó là sự hiếu kính tổ tiên, kính trọng ông bà, cha mẹ; là sự hòa thuận, chung thủy trong quan hệ vợ chồng; sự bình đẳng, tôn trọng, yêu thương giữa cha mẹ với con cái; sự hòa thuận hiếu đễ của con cái đối với ông bà, cha mẹ… Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng môi trường văn hóa gia đình.

Lan tỏa nét đẹp văn hóa ứng xử trong đời sống (ảnh minh họa)

Đẩy lùi những hiện tượng phản cảm

Theo các chuyên gia văn hóa, xây dựng và lan tỏa nét đẹp truyền thống trong mỗi “tế bào của xã hội” có ý nghĩa thiết thực đối với việc nuôi dưỡng, phát huy những nét đẹp đó trong đời sống, góp phần đẩy lùi những hiện tượng phản cảm, tiêu cực. Trong bối cảnh đô thị hóa, guồng quay CNH-HĐH đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, càng đặt ra những vấn đề cấp thiết đối với việc xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình và đời sống cộng đồng.

Thực trạng phổ biến được nhìn thấy hiện nay là bên cạnh những nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng vẫn được chú trọng gìn giữ, lan tỏa thì còn có không ít mặt trái cần báo động. TS Vũ Tú Quyên, Viện VHNT Quốc gia Việt Nam lưu ý, trong bối cảnh giao lưu, hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, đạo đức, nhân cách và văn hóa con người Việt Nam đang có những biểu hiện xuống cấp, xuất hiện những vấn đề tiêu cực. Bên cạnh những nét đẹp trong văn hóa ứng xử biểu hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói là sự xuất hiện những hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp hằng ngày. Việc nhận diện những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử là việc làm cần thiết để có biện pháp điều chỉnh nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước hiện nay.

TS Vũ Tú Quyên cũng “liệt kê” một số hành vi được gọi là lệch chuẩn này. Điển hình tại các bến xe, nhà ga, sân bay… những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, phản cảm của hành khách đã gây nên làn sóng phẫn nộ, lên án gay gắt từ cộng đồng. Tình trạng chen chúc, xô đẩy khiến cho không gian công cộng ở nhiều nơi trở nên xô bồ, nhộn nhạo. Hay việc xâm phạm các công trình văn hóa, thẩm mỹ nơi công cộng diễn ra trong thời gian qua cũng là biểu hiện của những mặt trái về văn hóa ứng xử trong đời sống cộng đồng và xã hội. Những “nét bút hỏng” trong bức tranh xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng, theo các chuyên gia, cần nhanh chóng có giải pháp chấn chỉnh.

“Cách ứng xử của mỗi cá nhân, cộng đồng sẽ phản ánh văn hóa cao hay thấp của cá nhân, cộng đồng đó. Ở nước ta hiện nay, trong bối cảnh chuyển đổi của nền kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội có những chuyển biến mạnh mẽ với sự giao tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại nên bên cạnh những điều tốt đẹp, tích cực, tiến bộ là sự nảy sinh những thói quen xấu. Điều này cần phải được nhận diện để loại trừ nhằm hướng đến sự văn minh, tích cực”, chuyên gia Vũ Tú Quyên cho biết.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong đời sống gia đình, cộng đồng và xã hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam khẳng định, trong xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, phải chú trọng vai trò của mỗi gia đình và cộng đồng; phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa và cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa, con người trong phát triển kinh tế.

Hà Nội đẩy mạnh thực hiện quy tắc ứng xử

Trong thời gian qua, TP Hà Nội đã tổ chức in ấn hơn 40.000 sổ tay quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức và quy tắc ứng xử nơi công cộng, triển khai tới các cơ quan thuộc thành phố và các quận, huyện, xã phường, thôn, làng, tổ dân phố. Hàng chục cụm pa-nô tuyên truyền về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trên các tuyến phố, khu vực nội đô và vùng ngoại thành được xây dựng; cùng với nhiều hoạt động tuyên truyền khác để đưa hai bộ quy tắc vào cuộc sống.

Tuy nhiên, trên thực tế, ý thức của một số người dân còn kém, chưa thực hiện các quy tắc tại nơi công cộng. Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện hai quy tắc ứng xử bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Trong đó, tập trung tuyên truyền tại nơi tập trung đông dân cư.

MAI PHƯƠNG

Theo Báo Văn hóa

(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây