SharePoint
Liên kết web
 
 

Bế mạc Liên hoan Chèo toàn quốc 2019: 5 Huy chương vàng cho vở diễn

30/09/2019 07:54
(TTCNTT) - Tối 28/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 đã khép lại với nhiều niềm vui, nụ cười của một mùa hội Chèo thành công hơn mong đợi.

Sau 14 ngày diễn ra sôi nổi, hơn 1000 nghệ sĩ, nhạc công của 16 đơn vị trên toàn quốc đã hội tụ, tranh tài và thăng hoa trong sự cổ vũ của lực lượng khán giả hùng hậu. Ban Tổ chức Liên hoan đã trao 05 Huy chương Vàng, 06 Huy chương Bạc cho các vở diễn, 01 giải xuất sắc về đề tài lịch sử, 01 giải xuất sắc về đề tài dân gian; 01 giải cho mỗi thành phần sáng tạo xuất sắc nhất: tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, dàn nhạc cùng 41 Huy chương Vàng, 61 Huy chương Bạc cho các cá nhân tham gia Liên hoan.

TS Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu bế mạc

Đến dự Lễ Bế mạc có: PGS.TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan; bà Hoàng Thị Hoa – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ông Lê Ánh Dương – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang- thành viên Ban Chỉ đạo; NSND Nguyễn Quang Vinh – Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan; NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam – thành viên Ban Chỉ đạo; ông Trần Minh Hà – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang – đồng Trưởng Ban Tổ chức; đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, các Sở, ban, ngành trong tỉnh; cùng đông đảo nghệ sĩ và bà con nhân dân tới tham dự.

PGS.TS Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng ông Lê Ánh Dương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trao Huy chương Vàng dành cho vở diễn

Phải nói rằng, sân khấu Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang suốt 14 ngày đêm qua luôn luôn trong tình trạng quá tải. Trước Liên hoan, vẫn còn rất nhiều trăn trở, băn khoăn khi những năm gần đây, hiện tượng khán giả quay lưng lại với sân khấu truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng là có thật. Nhưng, chính khán giả Bắc Giang đã cho câu trả lời hoàn toàn ngược lại, khi người dân nơi đây, trong mùa hội này, đang "ăn cùng chèo, ngủ cùng chèo, nói chuyện chèo". Nhiều nghệ sĩ đã phải thốt lên: Chèo đang quay trở lại thời kỳ vàng son như những năm 90 của thế kỷ trước khi mà người dân phải xếp hàng, thậm chí đi thật sớm may ra mới "chiếm" được 1 chỗ đứng để xem chèo!

Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật PGS. TS Trần Trí Trắc ghi nhận: "Thông qua 26 tác phẩm, tuy chủ yếu là đề tài quá khứ (24/26) và mỗi vở có chủ đề, phong cách, màu sắc khác nhau nhưng đều đề cập tới những nội dung có liên quan tới hiện thực, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay với bao tình cảm vui buồn nóng bỏng, nổi cộm, bức xúc của nghệ sĩ chúng ta trước những hành xử của cơ chế thị trường, như vấn đề: công danh với tình yêu, tình riêng với nghĩa nước, tình yêu với lời nguyền thù hận, tham vàng bỏ ngãi…tất cả đều hướng tới: ca ngợi tài năng, đức độ, liêm chính, trung thực của lẽ sống làm người; ca ngợi những phẩm chất cao đẹp, hi sinh hạnh phúc cá nhân cho non sông đất nước, đồng loại và phê phán những nhân cách nhỏ nhen, ích kỷ hại nước, hại dân của thói hư, tật xấu ở đời…

Vở Công lý không gục ngã – Nhà hát Chèo Quân đội đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan

Từ nội dung tư tưởng ấy các tác giả đã thể hiện nhiều hình thức phong phú, đa dạng theo thể tài chính kịch tâm lý xã hội, chính kịch sinh hoạt tả thực, chính kịch anh hùng ca và cả bi kịch, bi hài kịch lẫn luận đề trong kết cấu tự sự - kịch tính – trữ tình – có hậu của truyền thống với những lớp trò nối tiếp lớp trò bằng thủ pháp ước lệ - cách điệu - tượng trưng theo mô hình nhân vật thiện ác phân minh, nghĩa tình rành mạch, tính cách đặc định…

Tuy nhiên, không quá lạc quan với những gì đã đạt được, ông cũng đã chỉ rõ những điểm còn khuyết thiếu, hạn chế: "26 tác phẩm trên sân khấu liên hoan rất hiếm có "tích hay, trò lạ" làm say lòng, ngỡ ngàng khán giả mà hầu hết đều mang xu hướng "hoài cổ", đi tìm đề tài quá khứ và sử dụng những tác phẩm ở thời quá khứ. Đội ngũ tác giả trẻ đã xuất hiện nhưng chưa đông, chưa mạnh và bản lĩnh nghề nghiệp chưa cao ngang tầm đòi hỏi của khán giả.

Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao tặng Bằng khen cho các đơn vị, các nghệ sĩ có thành tích tại Liên hoan

Ban Tổ chức đã ghi nhận và trao tặng các giải thưởng tại Liên hoan, gồm: 05 Huy chương Vàng cho các vở diễn: Điều còn lại (Nhà hát Chèo Hà Nội), Công lý không gục ngã (Nhà hát Chèo Quân đội), Trọn nghĩa non sông (Nhà hát Chèo tỉnh Thái Bình), Chuyện tình Hàn Sĩ – Đào Nương (Nhà hát Chèo Hải Dương), Người con gái Kinh Bắc (Nhà hát Chèo tỉnh Bắc Giang) và 06 Huy chương Bạc cho các vở: Tình yêu và bóng tối (Nhà hát nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc), Rồng phượng (Nhà hát Chèo Việt Nam), Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư (Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh), Gò đống mối (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định), Đất thiêng nơi mả dấu (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam), Huyền thoại sông và núi (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên). Ban Tổ chức cũng trao 01 giải xuất sắc về đề tài lịch sử cho vở diễn Hào khí Bạch Đằng Giang (Đoàn Chèo Hải Phòng); 01 giải xuất sắc về đề tài dân gian cho vở diễn Phú ông làm quan (Nhà hát Chèo Ninh Bình); 01 giải về đề tài chống tiêu cực cho vở Hết quan hoàn dân (Nhà hát Chèo Hưng Yên); 01 giải về đề tài bảo vệ môi trường cho vở Vòng vây nghiệt ngã (Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa); 01 giải về đề tài truyền thuyết cho vở Vua Hùng kén rể (Đoàn Chèo Phú Thọ).

Tiết mục biểu diễn trong đêm Bế mạc

Ngoài ra Ban Tổ chức còn trao 01 giải cho mỗi thành phần sáng tạo xuất sắc nhất đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo mang lại hiệu quả cao cho vở diễn tham gia Liên hoan, đó là: Tác giả xuất sắc – TS. Nguyễn Đăng Chương, chuyển thể chèo: Nguyễn Sĩ Sang (vở Điều còn lại – Nhà hát Chèo Hà Nội); Đạo diễn xuất sắc - Lê Tuấn Cường (vở Chuyện tình Hàn Sĩ – Đào Nương – Nhà hát Chèo Hải Dương); Nhạc sĩ xuất sắc – Dương Thanh Nam (vở Gò đống mối – Nhà hát Chèo Nam Định); Họa sĩ xuất sắc - Nguyễn Đạt Tăng (vở Công lý không gục ngã – Nhà hát Chèo Quân đội); Dàn nhạc xuất sắc nhất Nhà hát Chèo Việt Nam; Tác giả triển vọng – Lê Thế Song, Trần Phương Hạnh.

Cùng trong dịp này, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng đã trao giải thưởng cho các đơn vị và cá nhân đạt những thành tích nổi bật tại Liên hoan

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây