(TTCNTT) - Đó là một trong những nội dung được UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
Thông tin trên Cổng TTĐT Vĩnh Long cho biết, thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành quan tâm; lễ hội được tổ chức vui tươi, an toàn; tăng cường vận động xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di tích; thanh tra, kiểm tra các vấn đề liên quan đến di tích lịch sử - văn hóa… Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Hiện toàn tỉnh Vĩnh Long có 59 di tích xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa nhưng chỉ mới thành lập được 43 ban quản lý, còn lại 16 di tích chưa thành lập ban quản lý; hầu hết các địa phương đều thiếu cán bộ làm công tác quản lý di tích, thiếu lực lượng kế thừa, am hiểu kiến thức về di tích... Cùng với đó, còn trên 600 di tích phổ thông, việc nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng di tích còn nhiều khó khăn; tại một số địa phương vẫn còn tình trạng xâm phạm di tích...
Ảnh minh họa/wikipedia
Vì vậy, UBND tỉnh chỉ đạo Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh; tham mưu ban hành quy chế phối hợp, quy chế phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn; lập hồ sơ lễ hội Lăng Ông Tiền Quân Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp các ngành liên quan nghiên cứu biên soạn đưa vào chương trình giáo dục địa phương các nội dung về giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn; tổ chức cho các trường học tiến hành các hoạt động giáo dục gắn với từng di tích lịch sử; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với các hoạt động cụ thể; phát huy trách nhiệm của địa phương trong việc tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia quản lý, bảo tồn, trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
Ngoài ra, có biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch nhằm thông qua hoạt động du lịch vừa phát huy giá trị di tích, vừa phát triển kinh tế địa phương.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)