(TTCNTT) - Thực hiện Phong trào thi đua chuyên đề tạo dựng hình ảnh địa phương gắn với Đề án phát triển du lịch, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm hình ảnh, các bộ sưu tập cổ vật, bảo vật quốc gia cả ở trong và ngoài nước nhằm góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất Sen hồng đến với du khách trong nước và quốc tế.
Theo ông Nguyễn Minh Phước - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp, để thu hút khách du lịch, công tác quảng bá hình ảnh, hiện vật tại Bảo tàng đã được thực hiện thường xuyên. Bảo tàng đã thường xuyên mở cửa trưng bày phục vụ đón tiếp khách tham quan; tổ chức thuyết minh tuyên truyền về các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống kết hợp với nhiều chương trình hoạt động phù hợp với yêu cầu của từng đoàn khách; tích cực quảng bá hình ảnh và các hoạt động của Bảo tàng qua trang website và trang facebook Bảo tàng Đồng Tháp. Bảo tàng đã phối hợp với Cục Di sản văn hóa và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Cộng hòa Liên bang Đức đưa 7 cổ vật Văn hóa Óc Eo Đồng Tháp trưng bày chuyên đề "Báu vật khảo cổ học.
Du khách nước CHLB Đức tham quan Nhà trưng bày Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo
Việt Nam" tại nước Đức. Sau khi hết thời gian triển lãm tại Đức, tiếp tục trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.
Theo thống kê, trưng bày chuyên đề "Báu vật khảo cổ học Việt Nam" ở Thủ đô Hà Nội đã phục vụ khoảng 130.000 lượt người tham quan, nghiên cứu. Thông qua triển lãm không chỉ quảng bá nền văn hóa di sản độc đáo của Việt Nam, mà hình ảnh đất Sen hồng hiền hòa, mến khách với hệ thống di sản phong phú độc đáo với điểm nhấn về nền văn hóa Óc eo đã đến với du khách trong nước và nước ngoài.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động gắn với phát triển du lịch
Không chỉ đưa các cổ vật văn hóa Óc Eo Đồng Tháp đến với du khách, Bảo tàng còn phối hợp với BQL Văn hóa Óc Eo An Giang trưng bày 88 hiện vật với chủ đề "Gốm Văn hóa Óc Eo Nam bộ lần thứ nhất tại An Giang"; phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và nghệ nhân Dệt choàng tham gia Chương trình "Sắc màu Văn hóa Đồng Tháp" tại Hà Nội; phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Hồ Chí Minh trưng bày 21 hiện vật với chủ đề "Nghệ thuật kim hoàn và trang sức văn hóa Óc Eo" tại TP. Hồ Chí Minh; tham gia triển lãm 03 bảo vật quốc gia, 43 cổ vật văn hóa Óc Eo tại "Không gian di sản văn hóa Việt Nam 2018… Những buổi triển lãm, trưng bày này đã tạo được ấn tượng tốt của công chúng trong và ngoài nước tìm hiểu, thưởng lãm, góp phần giao lưu, quảng bá, giới thiệu sự đa dạng những di sản văn hóa vốn có của Đồng Tháp. Ông Nguyễn Minh Phước cho rằng, đây là kênh quang trọng trong việc quảng bá tạo dựng hình ảnh địa phương với các tỉnh thành trong cả nước và bạn bè quốc tế, thu hút du khách đến với Đồng Tháp khám phá vẻ đẹp vùng Đất Sen hồng.
Triển lãm không gian di sản văn hóa Đồng Tháp tại Hà Nội
Không chỉ phối hợp quảng bá trưng bày, triển lãm hình ảnh, các bộ sưu tập cổ vật, bảo vật quốc gia trong và ngoài nước, Bảo tàng cũng chú trọng phối hợp với BQL các di tích lịch sử văn hóa, các khu, điểm du lịch và các địa phương thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nhằm đưa hình ảnh và danh thắng Đồng Tháp đến với nhiều đối tượng khách khác nhau. Bảo tàng đã lập 84 hồ sơ khoa học trình các cấp thẩm quyền xếp hạng, trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 15 di tích quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh; thực hiện 4 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 01 di sản văn hóa đại diện của nhân loại, 3 di sản cấp quốc gia…
Ông Nguyễn Minh Phước cho biết, trong thời gian tới, Bảo tàng Đồng Tháp sẽ tiếp tục đổi mới trưng bày theo hướng tăng cường các hiện vật gốc, ứng dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại để làm phong phú và hấp dẫn nội dung trưng bày; đổi mới phương pháp tiếp cận và phục vụ công chúng thông qua việc đa dạng các hình thức giáo dục tại Bảo tàng, cùng với đó đẩy mạnh gắn kết hoạt động của Bảo tàng với các tổ chức, doanh nghiệp du lịch nhằm mở rộng khả năng quảng bá hình ảnh của địa phương vùng đất Sen hồng tới du khách.
Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp được xây dựng vào ngày 15/5/1978, là nơi trưng bày gần 30.000 hiện vật, trong đó có 3 bảo vật quốc gia, nhiều bộ sưu tập quý hiếm như sưu tập đèn, tượng Phật, sưu tập gốm, đồng, trang phục, sưu tập nghe nhìn, bàn ghế cổ, súng bộ binh, đặc biệt bộ sưu tập Vàng văn hóa Óc Eo được công nhận kỷ lục quốc gia.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)