Hội thảo do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức.
Thời đại có thành tựu kinh tế, xã hội rực rỡ
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, đã có 4 cuộc Hội nghị khoa học cấp quốc gia đã được tổ chức vào các năm 1968, 1969, 1971 và 1972 về triều đại Hùng Vương ở nước ta. Với cách tiếp cận đa bộ môn và phương pháp nghiên cứu liên ngành, cùng với quá trình khai quật nhiều di chỉ khảo cổ học thuộc các văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun, Phùng Nguyên và đặc biệt là văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc bản địa, các nhà khoa học đã đi đến kết luận: Thời kỳ Hùng Vương là có thật trong lịch sử Việt Nam, niên đại sớm nhất là thế kỷ VIII trước Công nguyên và muộn nhất là thế kỷ II trước Công nguyên. Với tầm quan trọng và những thành tựu đạt được của nhà nước Văn Lang trong thời kỳ này trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và tầm bao quát của nhà nước ấy trên lãnh thổ quốc gia Việt Nam thời kỳ dựng nước, đã có thể định danh một thời đại trong lịch sử Việt Nam: thời đại Hùng Vương.
Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo nhà khoa học, nhà nghiên cứu
PGS.TS Trần Đức Cường cho rằng, gần 50 năm trôi qua kể từ khi đề tài nghiên cứu về "Thời kỳ Hùng Vương" kết thúc với những thành tựu quan trọng đã công bố, giới nghiên cứu trong và ngoài nước đã có thêm những nghiên cứu mới với nhiều kết quả khả quan. Hội thảo "Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam" là cần thiết nhằm tập hợp, đánh giá những kết quả nghiên cứu mới trong gần 50 năm qua và đưa ra những đề xuất cho các bước phát triển tiếp theo nghiên cứu sâu sắc hơn, toàn diện hơn về thời đại Hùng Vương.
Hội thảo tập hợp 69 báo cáo khoa học của 77 tác giả ở 12 tỉnh, thành phố trên cả nước với 3 nội dung: Thời đại Hùng Vương qua tư liệu lịch sử và văn hóa dân gian; Thời đại Hùng Vương qua tư liệu khảo cổ học; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời đại Hùng Vương.
Từ năm 1971 tới nay, các nhà khảo cổ học đã có điều kiện để khai quật thêm nhiều di chỉ thuộc văn hóa Đông Sơn hoặc văn hóa Phùng Nguyên có mối quan hệ chặt chẽ với sự hình thành và phát triển của Nhà nước Văn Lang thời đại Hùng Vương. Từ các kết quả nghiên cứu, một số nhà khoa học khẳng định, về kinh tế, sự ra đời và phát triển của nền nông nghiệp lúa nước dùng các công cụ như cày, bừa, dùng trâu bò làm sức kéo có thể coi là một cuộc cách mạng trong nông nghiệp ở nước ta thời dựng nước. Bên cạnh việc trồng lúa và hoa màu, nghề chăn nuôi, nghề làm đồ gốm, luyện kim (đúc đồng, luyện sắt) có vai trò to lớn thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện được dấu vết của một số trung tâm đúc đồng và lò luyện quặng để lấy sắt…
PGS.TS Hoàng Văn Khoán, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, từ việc dùng gậy chọc lỗ, dùng cuốc tiến lên nông nghiệp dùng cày, có lưỡi bằng kim loại, có sức kéo bằng động vật là cuộc cách mạng trong nông nghiệp thời dựng nước. Khảo cổ học đã phát hiện 4 loại lưỡi cày đồng mà hình dáng của nó tương ứng với 4 vùng đất khác nhau, đất nào cày ấy. Ở vùng trung du là lưỡi cày hình tam giác, lưỡi cày hình thoi ở lưu vực sông Hồng, lưỡi hình chân vịt ở lưu vực sông Mã, lưỡi cày vai ngang ở lưu vực sông Cả. Nghề luyện kim, đúc đồng và luyện sắt cũng phát triển ở thời đại Hùng Vương. Có 4 trung tâm đúc đồng lớn dưới thời này được phát hiện gồm: xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội); Trung tâm Đình Tràng (xã Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội); Trung tâm Luy Lâu (xã Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh) và Trung tâm Thành Dền (xã Tự Lập, Mê Linh, Vĩnh Phúc).
Theo PGS.TS Phạm Minh Huyền, sự hình thành của văn hóa Đông Sơn là một quá trình phát triển và thống nhất của các nền văn hóa tiền Đông Sơn ở các vùng Sông Hồng, Sông Mã, Sông Cả. Quá trình này cũng là quá trình hình thành, phát triển, thống nhất của Nhà nước Văn Lang. Thế kỷ III, II và I trước Công nguyên là thời kỳ văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ nhất. "Kinh tế ngày càng phát triển, nghề nông được hỗ trợ bởi bộ nông cụ đã làm tăng sản lượng lúa gạo, đảm bảo nuôi một lực lượng lao động để làm những ngành nghề khác, đặc biệt là nghề đúc đồng. Trống Đông Sơn ra đời trong thời kỳ này và các đồ trang sức với mức độ tinh mỹ, phong phú hoa văn trang trí… là minh chứng rõ nét về sự phát triển của Nhà nước Văn Lang"- PGS.TS Phạm Minh Huyền khẳng định.
Ngoài ra, đồ gốm cũng rất phát triển trong thời đại Hùng Vương. TS Trần Anh Dũng- Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, ở giai đoạn này, khảo cổ học đã phát hiện được 9 khu lò sản xuất gốm, tập trung ở 4 tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thanh Hóa và Quảng Ninh.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo
Phát huy truyền thống con cháu Vua Hùng
Thời đại Hùng Vương, Giỗ tổ Hùng Vương luôn có vị trí quan trọng trong tâm thức mỗi người dân nước Việt. Điều này khẳng định, người dân Việt Nam có chung một nguồn cội.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt được Đảng, Nhà nước và xã hội coi trọng, thể hiện qua việc lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là ngày Quốc lễ. Liên hợp quốc cũng đánh giá cao tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam khi UNESCO ghi danh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại điện của nhân loại.
TS Đỗ Quang Tuấn cho rằng, hiếm có dân tộc nào trên thế giới có Quốc Tổ chung như dân tộc Việt Nam. "Ý thức dân tộc, tình yêu nước Việt Nam không trừu tượng mà rất cụ thể, có giá trị cao hơn hết mà có nhà nghiên cứu đã gọi là "Tổ quốc luận". Nó biểu hiện thành một thứ sức mạnh để đoàn kết dân tộc cả trong dựng nước và giữ nước mà người ta vẫn gọi là sức mạnh Việt Nam hay văn hóa Việt Nam"- ông Tuấn nói.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, truyền thống dân tộc rất đáng giá và phong phú, trong đó trước hết là truyền thống đấu tranh giữ nước, truyền thống lao động sản xuất để tạo nên những văn minh Việt cổ.
Đề cập đến việc nghiên cứu về lịch sử, ông Thắng cho rằng phải nuôi dưỡng được niềm say mê rồi mới có được nhiệt huyết trong nghiên cứu để liên tục làm sâu sắc hơn, vững chãi hơn nền tảng của lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, nhiệt huyết xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)