SharePoint
Liên kết web
 
 

Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc

21/09/2019 12:38
(TTCNTT) - Chiều 20/9, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo "Các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc", với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ thư viện, xuất bản ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Trong những năm qua, với việc đẩy mạnh xã hội hóa, văn hóa đọc nói chung và ngành thư viện Việt Nam đã được hỗ trợ nhiều mặt như phát triển vốn tài liệu, nguồn lực thông tin, tăng cường cơ sở vật chất và công nghệ, nâng cao trình độ đội ngũ người làm công tác thư viện và hình thành mạng lưới thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trong cả nước. Ngành thư viện đã xúc tiến một số dự án như trang bị xe ô tô lưu động đa phương tiện cho các địa phương để mang sách đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Dự án mới triển khai nhưng số lượng người được thụ hưởng tăng rất nhanh. Dự án nâng cao việc sử dụng máy tính công cộng, trang bị sách cho trường học, thư viện cộng đồng... giúp người dân có thêm nguồn tài liệu phong phú.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện Báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo

Để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, tạo môi trường cho người dân học tập suốt đời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết chương trình phối hợp công tác với Bộ Thông tin truyền thông về tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013-2020; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện.

Bên cạnh đó, Vụ Thư viện còn phối hợp với các cơ quan tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tăng cường hợp tác, đẩy mạnh xã hội hóa thúc đẩy văn hóa đọc; vận động, quyên góp và nhận tài trợ hàng ngàn cuốn sách có giá trị, trang thiết bị thư viện từ các tổ chức, cơ quan, cá nhân...  Vụ Thư viện làm đầu mối nhận và trao tặng lại các nguồn tài trợ từ các cá nhân, tổ chức để hỗ trợ các thư viện, tủ sách ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Nhờ sự tài trợ từ các nguồn xã hội hóa, bộ mặt thư viện Việt Nam đã có sự thay đổi, cơ sở vật chất và việc triển khai công nghệ mới được tăng cường.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Phát biểu tại Hội thảo, Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết: Ngày 15/3/2017, Thủ tướng đã có Quyết định 329/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Trong Đề án này đã xác định đẩy mạnh xã hội hóa là một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để phát triển văn hóa đọc. Với mong muốn tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý, cũng như những người làm công tác xuất bản, thư viện, cùng nhau trao đổi tìm ra những giải pháp thích hợp thúc đẩy xã hội hóa nhằm phát triển Văn hóa đọc ở Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo này.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu đã khẳng định: Xã hội hóa là một xu hướng và là một nguyên tắc quan trọng để phát triển văn hóa, giáo dục nói chung và thư viện nói riêng. Việc thu hút các cá nhân, tổ chức tham gia xây dựng phát triển văn hóa đọc và sự nghiệp thư viện góp phần huy động đóng góp của xã hội vào việc phát triển sự nghiệp thư viện. Các đại biểu cũng đánh giá thực trạng và thành tựu trong việc thực hiện xã hội hóa văn hóa đọc ở các địa phương, các ngành, lĩnh vực; hiệu quả cũng như bất cập trong quy định về quy đinh xã hội hóa hiện hành trong việc đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc. Đồng thời, chia sẻ bài học kinh nghiệm của các địa phương, các nước trên thế giới trong xã hội hóa phát triển văn hóa đọc; bàn các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam...

Quang cảnh Hội thảo.

Có thể thấy, trong những năm gần đây, chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa nói chung và hoạt động thư viện nói riêng của Đảng và Nhà nước đã, đang tác động tích cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Trong Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", việc đẩy mạnh xã hội hóa được xác định là một trong những nhiệm vụ giải pháp quan trọng.

(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây