(TTCNTT) - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lich Quảng Nam vừa tổ chức Hội thảo "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển", với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, khảo cổ...
Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 20 năm UNESCO công nhận Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới.
Gần 100 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, tập trung đi sâu làm sáng tỏ nhiều khía cạnh trong bức tranh tổng thể của văn hóa Quảng Nam đã được gửi về Hội thảo. Tiêu biểu như các tham luận: Những giá trị văn hóa về vùng đất và con người xứ Quảng; Văn hóa truyền thống của cộng đồng người Hoa ở Hội An trong giao lưu văn hóa, hội nhập và phát triển; Biến đổi văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam hiện nay; Tín ngưỡng tiền hiền và văn hóa dòng họ Quảng Nam; Phát huy bền vững giá trị tài nguyên Di sản khảo cổ học Tiền sơ sử lưu vực sông Thu Bồn; Sự ra đời của chữ Quốc ngữ - Dấu ấn hội nhập văn hóa của vùng đất Quảng Nam; Phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn lễ hội dân gian ở ven biển tỉnh Quảng Nam…
Hội An, Quảng Nam. Ảnh: vnexpress.net
Tại hội thảo, nhiều vấn đề về các giá trị văn hóa đặc trưng của Quảng Nam được nhận diện, từ mối liên kết hình thành từ quá khứ - hiện tại đến tương lai, kho tàng di sản văn hóa Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển, giá trị tài nguyên di sản khảo cổ cũng như các vốn liếng văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn Quảng Nam... Cùng với đó, các thách thức trong việc phát triển du lịch đe dọa đến giá trị văn hóa hay việc khôi phục các làng nghề xứ Quảng hiện nay theo hướng như thế nào cũng được hội thảo đặt ra.
Nhìn nhận lợi thế so sánh vượt trội so với các vùng lân cận về tài nguyên di sản văn hóa, Quảng Nam đã nhận thức rất sâu sắc về vai trò của di sản cũng như đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy di sản. Thời gian tới, xác định việc bảo tồn di sản gắn với việc đáp ứng các nhu cầu về tinh thần, vật chất của con người cũng như gắn việc bảo tồn di sản với cộng đồng địa phương, Quảng Nam sẽ có những giải pháp cụ thể để cộng đồng cùng chung tay bảo tồn di sản.
Hội thảo đã đưa ra những góc nhìn mới, cách tiếp cận mới, góp phần nhận diện rõ hơn về giá trị văn hóa Quảng Nam. Những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học tại hội thảo sẽ được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tiếp thu, góp phần vào quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của địa phương trong thời kỳ hội nhập.
Quảng Nam là một trong những địa phương có khối lượng di sản văn hóa phong phú, đa dạng nhất của cả nước với 4 di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có 2 di sản văn hóa thế giới; 62 di tích quốc gia và 340 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, địa phương còn có nhiều danh thắng, các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, các làng nghề truyền thống lâu đời cần được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)