SharePoint
Liên kết web
 
 

Ngành VHTTDL Thái Nguyên với công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số

17/09/2019 07:27
(TTCNTT) - Thái Nguyên là nơi hội tụ những nét văn hóa đặc sắc với hàng nghìn di sản văn hóa. Nhằm thống nhất quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng, trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thường xuyên tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ.

Thái Nguyên là tỉnh trung du miền núi phía Bắc Tổ quốc - vùng đất được hình thành từ lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Đặc biệt, tỉnh còn là nơi hội tụ những nét văn hóa đặc sắc với hàng nghìn di sản văn hóa, bao gồm cả di tích và di sản văn hóa phi vật thể của 46 thành phần dân tộc, trong đó, 8 dân tộc có dân số từ 2.000 người trở lên, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Sán Chay, Sán Dìu, Dao, Mông, Hoa. Những di sản đó gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, làm giàu thêm kho tàng văn hóa của Việt Nam và nhân loại.

Trong xu thế hội nhập như hiện nay, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trở thành vấn đề cấp thiết.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, chuyển đổi cơ cấu xã hội, cùng với xu thế hội nhập về văn hóa, ngôn ngữ, ứng dụng công nghệ 4.0 trên tất cả các lĩnh vực, nhiều luồng văn hóa ngoại lai du nhập vào nước ta, làm tăng nguy cơ mai một, thậm chí làm biến mất bản sắc truyền thống của đồng bào các dân tộc. Song song với đó, những nghệ nhân am hiểu và thực hành thành thục, tâm huyết với di sản ngày càng ít đi. Nhận thức của một số cấp, ngành về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số còn chưa toàn diện khiến việc bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, như: Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống… đang đứng trước nhiều thách thức và nguy cơ.

Nhằm thống nhất quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng, trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thường xuyên tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ. Trong đó, một số nhiệm vụ lớn, mang tính chiến lược, tạo tiền đề cơ sở cho việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng văn hóa, như: Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2016; xây dựng và triển khai thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020". Qua triển khai thực hiện, nhiều kết quả đạt được vô cùng ý nghĩa đối với công tác bảo tồn và phát triển giá trị di sản văn hóa, như: 550 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn được lập danh mục là nguồn tài liệu quý giá, làm cơ sở quan trọng nhằm nhận diện, xác định sức sống của từng di sản, là cơ sở tiền đề cho việc xây dựng cơ chế, giải pháp phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Song song với công tác kiểm kê, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nghiên cứu và xây dựng hồ sơ khoa học đối với các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đặc sắc riêng có của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh để báo cáo UBND tỉnh, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2013, múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay, huyện Phú Lương là di sản đầu tiên của tỉnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh, quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh đã có 19 di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học và đưa vào Danh mục Quốc gia. Đồng thời, với việc xây dựng hồ sơ Quốc gia, năm 2016, Sở đã phối hợp với Viện Âm nhạc xây dựng hồ sơ Quốc gia Then Tày - Nùng - Thái đệ trình Unesco đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhằm tuyên truyền, quảng bá giá trị của các di sản đã được đưa vào Danh mục Quốc gia, năm 2017, Sở đã thực hiện biên soạn và xuất bản cuốn sách ảnh "Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Thái Nguyên" - Tập 1 dưới hình thức song ngữ tiếng Việt - tiếng Anh, cuốn sách ra đời phục vụ tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa đặc sắc trên địa bàn tỉnh đến đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu thực hiện các đề tài, đề án, dự án khoa học liên quan đến văn hóa các dân tộc thiểu số cũng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm thực hiện. Từ năm 2014 đến nay, Sở đã triển khai thực hiện 2 dự án thành phần thuộc đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020" với 8 hợp phần theo quyết định của UBND tỉnh đạt hiệu quả, chất lượng; hoàn thành 4 đề tài khoa học cấp tỉnh; 3 dự án phục dựng di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Hằng năm, Sở thành lập đoàn tham gia chương trình Ngày hội văn hóa các dân tộc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, cử các đoàn diễn viên, nghệ nhân tham gia các hoạt động văn hóa trong và ngoài tỉnh giới thiệu, trình diễn các loại hình văn hóa dân tộc đặc sắc được đông đảo nhân dân trong và ngoài nước đón nhận.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể, Sở đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị định, đồng thời hỗ trợ nghệ nhân xây dựng hồ sơ trình các cấp Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú. Sau 2 lần xét tặng, tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu cho 1 Nghệ nhân Nhân dân, 10 Nghệ nhân Ưu tú và quyết định truy tặng cho 1 Nghệ nhân Ưu tú. Trong 11 nghệ nhân được phong tặng có 10 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số. Trung tuần tháng 9-2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu cao quý này cho 1 Nghệ nhân Nhân dân, 3 Nghệ nhân Ưu tú vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng ở kỳ phong tặng lần thứ hai, năm 2018. Trong khuôn khổ chương trình này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Chương trình thưởng trà và giao lưu di sản văn hóa phi vật thể do các nghệ nhân địa phương biểu diễn nhằm tạo cơ hội giao lưu, học hỏi cho các nghệ nhân và tiếp tục giới thiệu, quảng bá giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số lan tỏa đến với đông đảo nhân dân, cũng như đại biểu, du khách trong và ngoài tỉnh. Đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước nói chung, lãnh đạo tỉnh nói riêng, nhằm tri ân các nghệ nhân đã hết lòng cống hiến vì mục tiêu cao cả bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cho muôn đời sau.

Phát huy kết quả đã đạt được thời gian qua, trong thời gian tới, Sở Văn hóa thể, thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất và quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng, như: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 5; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XI trong cán bộ và nhân dân toàn tỉnh. Thực hiện hoàn thành, đạt hiệu quả 2 dự án thành phần thuộc Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020". Chủ động nghiên cứu xây dựng, đề xuất các đề tài, dự án trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp gắn việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với quảng bá, phát triển du lịch nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Đề xuất với UBND tỉnh tổ chức các hoạt động ngày hội văn hóa các dân tộc thường niên ở các địa phương nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số để tạo môi trường cho nhân dân được giao lưu, trao đổi và thưởng thức các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó làm giàu thêm nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Song song với đó là việc tiếp tục quan tâm đến các nghệ nhân - lực lượng trực tiếp bảo vệ, thực hành và sáng tạo văn hóa, thực hiện tốt công tác đề xuất vinh danh, ghi nhận công lao đóng góp của các nghệ nhân hoạt động trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên (baothainguyen.org.vn)

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây