Hội nghị nhận được hơn 40 bài tham luận đầy tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cán bộ khoa học của Khu di tích và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Các tham luận đã đề cập tới nhiều vấn đề sâu sắc, giàu tính gợi mở, tập trung vào những vấn đề: Thành tựu nổi bật sau 50 năm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh ở Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp trong công tác kiểm kê, sưu tầm tài liệu, hiện vật ở Khu di tích; Thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền giáo dục tại Khu di tích; Những giải pháp mang tính định hướng để bảo tồn lâu dài và phát huy giá trị Khu di tích trong thời kỳ mới…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Khu di tích là di tích quốc gia đặc biệt, nơi Bác đã sống, làm việc, dưỡng bệnh và trút hơi thở cuối cùng (1954-1969). Nơi đây có các di tích bất động sản, tài liệu, hiện vật gốc và môi trường cảnh quan Di tích. Sau khi Bác qua đời, Ðảng, Nhà nước ta quyết định bảo quản và gìn giữ lâu dài, nguyên vẹn nơi ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch để mở cửa đón khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, học tập về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người.
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Nguyễn Văn Công cho biết, ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là Di tích quốc gia đặc biệt. Nhiều năm qua, Khu di tích đã triển khai thực hiện các hoạt động như thuyết minh, hướng dẫn, giới thiệu cho hàng chục triệu lượt khách tham quan trong nước và quốc tế; tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học; nói chuyện chuyên đề, giao lưu triển lãm. Các hoạt động không chỉ được mở rộng ở trong nước mà ra cả nước ngoài như ở Nga, Pháp, Xri Lanca, Singgapore; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, website, xuất bản sách, ảnh...
50 năm qua, đã có hơn 80 triệu lượt người đến tham quan Khu di tích, trong đó có khách nước ngoài đến từ hơn 170 quốc gia. Mỗi năm, Khu di tích đón hơn hai triệu lượt khách. Trung bình mỗi năm có hơn 3.000 đoàn với hơn 100.000 lượt người được nghe thuyết minh, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ. Khách tham quan dù là nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao, các chính khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới hay là những người nông dân, công nhân bình dị, những học sinh, sinh viên..., khi đến đây đều có một điểm chung là bày tỏ tấm lòng kính yêu và ngưỡng mộ vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam; đứng trước mỗi kỷ vật giản dị mà thiêng liêng, cảm thấy như vẫn vẹn nguyên hơi ấm của Người.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội nghị
Cũng từng ấy năm, chưa một ngày Khu di tích quốc gia đặc biệt này không hoạt động. Có những khi đã quá giờ mở cửa nhưng cán bộ, viên chức và người lao động Khu di tích vẫn sẵn lòng tiếp đón những đoàn khách từ phương xa đến muộn. Các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động Khu di tích không quản ngại khó khăn, luôn tận tụy bảo quản, giữ gìn từng di tích về Bác; tận tình đón khách đủ 365 ngày trong năm, kể cả thời khắc Giao thừa, các ngày lễ, Tết... Nhiều người trong số họ không có khái niệm nghỉ ngày thứ 7, Chủ nhật; càng vào ngày cuối tuần, dịp lễ, Tết, số lượng cán bộ, viên chức, người lao động của Khu di tích càng phải đi làm đủ quân số, bất kể nắng mưa, gió bão. Dù đảm đương công việc rất thầm lặng nhưng không thể thiếu vắng họ một ngày, đó là đội ngũ những người lao động luôn có mặt ở Khu di tích từ 5 giờ sáng hằng ngày, để dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc vườn cây, ao cá, bảo đảm cảnh quan sạch đẹp trước giờ mở cửa đón khách tham quan. Ghi nhận thành tích trong suốt 50 năm qua, Ðảng và Nhà nước đã trao tặng Khu di tích Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Ðộc lập, Huân chương Lao động cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ tri ân các thế hệ cán bộ, công nhân viên Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã góp phần sưu tầm tài liệu, lan tỏa các giá trị, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong suốt 50 năm để Bác Hồ thực sự sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Họ làm bằng cả sự chuyên nghiệp, tấm lòng tôn kính nhất dành cho Bác Hồ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Lúc sinh thời, mong ước lớn nhất của Bác Hồ với dân tộc, đất nước là người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Ngày nay, đất nước đã phát triển, mọi người đã có cơm ăn, áo mặc và tiếp tục trên hành trình xây dựng để đất nước tiếp tục tiến lên, sánh vai cùng các cường quốc 5 châu như mong ước của Người.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm của nước ta còn thấp nên dù đã tăng trưởng nhanh liên tục trong hơn 20 năm qua nhưng thu nhập bình quân theo đầu người của nước ta vẫn chưa cao.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, muốn đất nước phát triển, thu hẹp khoảng cách với các nước trên thế giới, để sánh vai với các cường quốc thì các tầng lớp nhân dân phải nỗ lực hơn nữa, thể hiện trách nhiệm với đất nước, làm cho hình ảnh Việt Nam, hình ảnh Bác Hồ ngày càng rực sáng trong lòng người dân, để mỗi người dân thực sự tự hào về quá khứ hào hùng, kết quả đạt được ngày nay, tự hào với thế giới kết quả phát triển đất nước trong tương lai…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, trải qua 50 năm thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch luôn phát huy và giữ vững vai trò là di tích đứng đầu trong hệ thống các di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước. Những kết quả đạt được của Khu di tích luôn được Bộ VHTTDL đánh giá cao.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đánh giá cao vai trò lãnh đạo và sự nhiệt tình, tâm huyết của các thế hệ cán bộ của Khu di tích đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, đưa Khu di tích từng bước trưởng thành, đóng góp to lớn vào sự phát triển của ngành văn hóa và sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Trong quá trình phát triển của mình, Khu di tích đã tập hợp được đội ngũ cán bộ giỏi, có trình độ nghiên cứu, lý luận cao, có kinh nghiệm thực tế, trách nhiệm, nhiệt tình với công tác, góp phần tích cực trong việc nghiên cứu, tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến đông đảo nhân dân và bạn bè quốc tế.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị, trong thời gian tới, Khu di tích quan tâm đến việc tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm và gương mẫu đi đầu trong mọi nhiệm vụ được giao, gắn bó cùng với Khu di tích để truyền đạt, hướng dẫn cho cán bộ của Khu di tích vững về chuyên môn, đạo đức trong sáng; tiếp tục tập hợp lực lượng cán bộ có chuyên môn sâu, thông qua hoạt động của Khu di tích để nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện kỹ năng thực hiện nhiệm vụ chính trị, rèn luyện đạo đức của người làm công tác bảo quản và tuyên truyền tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ.
(Nguồn: bvhttld.gov.vn)