SharePoint
Liên kết web
 
 

Trình Bộ VHTTDL thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Linh Ứng

01/09/2019 07:57
(TTCNTT) - UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Tờ trình số 308/TTr-UBND trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Linh Ứng (xã Đông Gia, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Chùa Linh Ứng xưa thuộc thôn Ngọc Khám, tổng Tam Á, huyện Siêu Loại, phủ Thuận thành (nay thuộc khu phố Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Chùa được xây từ triều Trần (theo văn bia "Trùng tu Linh Ứng tự các chung bi ký" dựng năm 1613 do tiến sỹ Đỗ Quốc Dương soạn) là một trong những danh lam cổ Tự với quy mô lớn trong vùng Dâu-Luy Lâu, có giá trị lớn trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân tỉnh Bắc Ninh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Với những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, Chùa Linh Ứng đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia tại Quyết định số 10-VHTT/QĐ ngày 09/02/1981; đến cuối năm 2013, Ba pho tượng đá Tam Thế được Thủ tướng chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia.

Ba pho tượng đá Tam Thế chùa Linh Ứng được Thủ tướng chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. (Nguồn: kienthuc)

Từ khi xây dựng tới nay, chùa đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Tuy nhiên, trải qua thăng trầm lịch sử, tác động của thời tiết, khí hậu, hiện nay kiến trúc chùa Linh Ứng đang bị xuống cấp. Để khắc phục triệt để sự xuống cấp của di tích đồng thời đảm bảo không gian sinh hoạt văn hóa tôn nghiêm, an toàn cho nhân dân địa phương và du khách thập phương tham quan, UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất Bộ VHTTDL các hạng mục bảo quản, tu bổ, phục hồi và xây mới như sau:

Tu bổ, tôn tạo tổng thể toàn bộ di tích với ngôi tam bảo hình chữ Đinh ở phía trước nối Hậu đường ở phía sau thành chữ Công, hai bên là nhà mẫu - nhà khách, phía sau là nhà Tổ... tạo thành 1 không gian liên hoàn, khép kín. Hình thức kiến trúc chung của toàn bộ các hạng mục di tích sẽ mang đường nét hoa văn tiêu biểu của thời Lê.

Tổng thể sân vườn, hạ tầng kỹ thuật: Lát lại nền sân bằng gạch bát, mạch lát hình chữ công; Bổ sung hệ thống chiếu sáng tổng thể sân vườn và chiếu sáng trang trí điểm nhấn cho các hạng mục công trình; Bổ sung hoàn thiện hệ thống thoát nước tổng thể.

Tam quan xây dựng lại hình thức kiến trúc 1 cửa chính 2 cửa phụ, chồng diêm 2 tầng mái gian giữa, hai cột đồng trụ hiên, đầu hồi bít đốc, cao 5,655m. Kết cấu bằng gỗ Lim Lào, mái lợp ngói mũi hài, trang trí mái đầu đao, kìm nóc.

Tam bảo với diện tích 267,5m2, với 5 gian 1 tầng. Gian trước là Tiền đường, nối với Hậu đường phía sau, gian giữa có 2 lối ra vào. Phần mái, sử dụng hoành, rui bằng gỗ lim Lào; Mái lợp 3 lớp ngói, 2 lớp ngói chiếu, 1 lớp ngói mũi hài (loại không tráng men); Bờ nóc, bờ chảy xây gạch trang trí gạch gốm hoa văn; Đỉnh mái và 4 góc mái đao trang trí hoa văn đắp bằng vữa truyền thống. Phần kết cấu gỗ: Kết cấu kiến trúc sử dụng vì kèo gỗ Lim Lào; Các bộ vì có hình thức chồng rường; câu đầu, xà nách kê trên đấu đỉnh các cột, cốn đỡ giá chiêng; Hệ thống cột gỗ bao gồm 16 cột cái, 28 cột quân và 4 cột trốn. Phần móng sử dụng móng đơn xây gạch bê tông có giằng BTCT khóa, vị trí tường bao che xây móng băng bằng gạch. Phần hoàn thiện, Bao che công trình xây bằng gạch chỉ trát vữa hai mặt, quét sơn màu ghi sẫm. Cửa đi cánh thượng song hạ bản. Các hoa văn, nề ngõa ở đầu kìm, đầu đao... quét sơn màu ghi sẫm và màu trắng. Bó thềm, bậc cấp, chân tảng... bằng đá xanh. Toàn bộ nền lát gạch bát (300x300x50) mm, mạch lát hình chữ Công. Phần nội thất, thờ 3 bức tượng Bảo vật quốc gia tại Hậu Cung. Bổ sung các đồ thờ khác khung xương gỗ lim Lào, phần hoa văn đục chạm gỗ mít, vẽ mặt sơn son, thếp vàng, thếp bạc, phủ hoàn kim. Hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thống nhất: điện, chống mối mọt, chống rêu mốc, phòng cháy chữa cháy.

Nhà tổ với mặt bằng có diện tích 146,8m2, 3 gian. Hình thức kiến trúc theo kiểu nhà 2 tầng có lối lên xuống, mái đao góc. Tầng 1 là trai đường bếp, kết cấu BTCT. Tầng 2 là nơi thờ Tổ nhà ni, kết cấu bằng gỗ lim Lào: Phần mái (Mái lợp 3 lớp ngói, 2 lớp ngói chiếu, 1 lớp ngói mũi hài); Bờ nóc, bờ chảy xây gạch trang trí gạch gốm hoa văn; Đỉnh mái và 4 góc mái đao trang trí hoa văn đắp bằng vữa truyền thống; Phần kết cấu (tầng 1 kết cấu BTCT,  Tầng 2 kết cấu bằng gỗ lim Lào); Phần móng Sử dụng móng đơn xây gạch bê tông có giằng BTCT, vị trí tường bao che xây móng băng bằng gạch; Phần hoàn thiện (Bao che công trình xây bằng gạch chỉ trát vữa hai mặt, quét sơn màu ghi sẫm; Nền lát gạch bát (300x300x50) mm, mạch hình chữ Công; Hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (Điện, chống mối mọt, chống rêu mốc, phòng cháy chữa cháy)

Nhà mẫu với kiến trúc 5 gian 1 tầng, diện tích 55,8m2, bằng gỗ lim Lào, mái lợp ngói mũi hài, bờ chảy đắp vữa. Hệ cửa, vách đố lụa bằng gỗ lim Lào. Nền lát gạch bát (300x300x40) mm, mạch lát hình chữ Công. Chân tảng, bậc cấp làm bằng đá xanh. Hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thống nhất (điện, chống mối mọt, chống rêu mốc, phòng cháy chữa cháy).

Nhà khách, kiến trúc 3 gian 1 tầng, bằng gỗ lim Lào, mái lợp ngói mũi hài, bờ chảy đắp vữa. Hệ cửa, vách đố lụa bằng gỗ lim Lào. Nền lát gạch bát (300x300x40) mm, mạch lát hình chữ Công. Chân tảng, bậc cấp làm bằng đá xanh. Hạ tầng kỹ thuật đồng bộ: Điện, chống mối mọt, chống rêu mốc, phòng cháy chữa cháy...

Nhà bia được tôn tạo theo hình thức kiến trúc truyền thống, mặt bằng bốn mái đao cong, bốn lối lên xuống với diện tích khoảng 13,7m2. Kết cấu chịu lực chính sử dụng khung vì bằng gỗ lim Lào đã qua xử lý chống mối mọt đảm bảo tiêu chuẩn. Cột gỗ có đường kính D330. Phần mái sử dụng hoành, rui, ván bịt bằng gỗ lim Lào, lợp ngói mũi hài. Bờ nóc, bờ chảy xây gạch chỉ, quét màu ghi sáng. Nền lát gạch bát (300x300x50) mm, mạch chữ công; Bó thềm, bậc cấp bằng đá xanh. Hạ tầng kỹ thuật đồng bộ: Điện, chống mối mọt, chống rêu mốc, phòng cháy chữa cháy...

Dự án tu bổ, tôn tạo Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Linh Ứng (xã Đông Gia, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được triển khai thực hiện trong hai năm 2019 – 2020 dựa trên nguyên tắc: Tiến hành tu bổ những hạng mục công trình theo hướng loại bỏ những thể xây mới được làm gần đây, loại bỏ các thành phần cấu kiện làm bằng gỗ tạp là giảm tuổi thọ công trình. Kết hợp công tác bảo tồn với công tác tôn tạo di tích nhằm nâng cao giá trị thẩm mỹ, tính biểu cảm cho di tích đồng thời việc xây dựng tôn tạo di tích cần đảm bảo phù hợp, hài hòa với cảnh quan xung quanh cả về môi trường, điều kiện kinh tế xã hội, kỹ thuật hạ tầng.

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây