Tại buổi Lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự, trao danh hiệu và chúc mừng các nghệ sĩ.
Cùng dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cấp Nhà nước Nguyễn Ngọc Thiện... cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương.
391 (trong đó có 84 NSND, 307 NSƯT) nghệ sĩ đã được Chủ tịch nước ký các Quyết định số 1358/QĐ-CTN, 1359/QĐ-CTN ngày 12/8/2019 chính thức truy tặng, phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Báo cáo về công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện- Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước cho biết: Trình tự, thủ tục, quy trình xét tặng được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Kế hoạch xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 do Bộ VHTTDL ban hành. Các hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được thực hiện qua 03 cấp Hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở; Hội đồng cấp Bộ, tỉnh; Hội đồng cấp Nhà nước. Hội đồng cấp Nhà nước được thực hiện qua 02 bước xét: Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và Hội đồng cấp Nhà nước.
Các nghệ sĩ nộp 01 bộ hồ sơ duy nhất từ Hội đồng cấp cơ sở, Hồ sơ gốc của nghệ sĩ được gửi lên Hội đồng cấp trên; việc sao lưu hồ sơ tại các cấp Hội đồng do các đơn vị thực hiện. Quy định này làm giảm thiểu phiền hà cho nghệ sĩ, đảm bảo thực hiện cải cách hành chính theo quy định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu NSND cho nghệ sĩ Minh Vương cùng nhiều nghệ sĩ khác
Hội đồng cấp Nhà nước nhận được 105 hồ sơ đề nghị xét danh hiệu NSND và 359 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT từ 48 Hội đồng cấp Bộ/ngành/tỉnh/TP trực thuộc trung ương.
Sau khi 05 Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước gồm Sân khấu, Âm nhạc, Múa, Điện ảnh, Phát thành- Truyền hình họp, xét, thảo luận hồ sơ theo từng chuyên ngành; 84 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 310 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước.
Ngày 6 và 7/12/2018, tại phiên họp Hội đồng cấp Nhà nước, Hội đồng đã thảo luận với tinh thần dân chủ, khách quan, trách nhiệm về các hồ sơ được trình lên Hội đồng. Hội đồng cấp Nhà nước đã bỏ phiếu kín về từng hồ sơ và nhất trí trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước ra Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND cho 84 nghệ sĩ và danh hiệu NSƯT cho 309 nghệ sĩ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chúc mừng tới toàn thể các nghệ sĩ được vinh danh trong dịp này.
Thủ tướng nêu rõ: Danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" là phần thưởng cao quý nhất mà Nhà nước dành tặng cho đại diện tiêu biểu của đội ngũ văn nghệ sĩ trong cả nước. Đây là những nghệ sĩ đã luôn nỗ lực rèn luyện, trưởng thành và không ngừng sáng tạo trong sự nghiệp nghệ thuật, được đồng nghiệp và nhân dân tin yêu. Các đồng chí là lực lượng tin cậy, trung thành của Đảng và Nhân dân, có lòng yêu nước nồng nàn, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tinh thần cống hiến, và tâm huyết với nghề nghiệp. Các nghệ sỹ thực sự là những ngôi sao chiếu sáng bầu trời nghệ thuật của Việt Nam.
Nghệ thuật, văn hóa là giá trị tâm hồn của một dân tộc. Trong nhiều năm qua, anh chị em văn nghệ sĩ bỏ ra nhiều trí tuệ, mồ hôi và cả máu xương để xây dựng các giá trị tinh thần của Việt Nam, từ đó góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước và Nhân dân trân trọng, ghi nhận và đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ - những người đã góp phần củng cố, chấn hưng và làm vinh quang nền nghệ thuật nước nhà thời gian qua.
Thủ tướng đánh giá cao sự chuyên nghiệp, nghiêm túc, minh bạch trong việc lựa chọn, xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần này, trong đó đáng ghi nhận một số nội dung: Độ tuổi nghệ sĩ đa dạng, từ 30 đến 92 tuổi; Các nghệ sĩ được trao danh hiệu đến từ khắp vùng miền của cả nước, từ nhiều dân tộc anh em như Kinh, Thái, Mường, Tày, Nùng, H'Mông, Ê Đê, đến Jơ Rai, Khmer; Các nghệ sĩ được trao danh hiệu là đại diện tiêu biểu của nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, từ âm nhạc, điện ảnh, phát thanh-truyền hình, sân khấu (cải lương, chèo, tuồng, dân ca kịch, kịch nói, múa rối, xiếc, thiết kế sân khấu), múa… đây là những lĩnh vực nghệ thuật chủ đạo, vừa hiện đại, vừa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Thủ tướng cũng cho rằng, bên cạnh những niềm vui, cũng là dịp chúng ta cùng suy nghĩ về việc thông qua nghệ thuật để xây dựng một tâm hồn có chiều sâu, có vẻ đẹp cho dân tộc. Sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, nghệ thuật nói riêng của đất nước ta trong thời gian qua đã có nhiều bước tiến quan trọng, nhưng cũng còn có không ít khó khăn, thách thức và cả những hạn chế mà chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận và sớm có các giải pháp kịp thời.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, văn nghệ rất đặc biệt và không chỉ chúng ta, mà ngay cả bạn bè quốc tế, cũng coi đây là một di sản phi vật thể quý giá. Lúc sinh thời, Bác Hồ đã từng nói: "Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận, anh chị em là những chiến sĩ trên mặt trận ấy". Câu nói ấy giản dị, mà rất đúng khi đó, và vẫn đúng đến ngày hôm nay nhất là trong dịp này chúng ta đang kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Bác, một nhà lãnh đạo kiệt suất, nhưng cũng là một danh nhân văn hóa sâu sắc mà bình dị.
Ngày nay, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế, bùng nổ của các phương tiện truyền bá sản phẩm nghệ thuật, công nghệ giải trí, đang làm thay đổi phương cách truyền tải nghệ thuật và văn hóa cảm thụ, hiện tượng suy thoái văn hóa của một bộ phận xã hội cũng như cán bộ; chạy theo thương mại, giật gân, thậm chí bóp méo lịch sử trong sáng tác và biểu diễn, đặt ra cho cộng đồng văn nghệ sĩ Việt Nam một câu hỏi lớn là: Qua nghệ thuật của mình, chúng ta có thể làm gì để cho tâm hồn văn hóa dân tộc ngày càng đẹp, càng sáng hơn?
"Nghệ sĩ có ảnh hưởng lên giá trị của xã hội thông qua các tác phẩm của mình. Vì xã hội tin yêu các nghệ sỹ. Nhưng khả năng ảnh hưởng ấy cũng đi đôi với trách nhiệm xã hội lớn lao. Các tác phẩm của chúng ta có thể nâng cao giá trị, chuẩn mực xã hội lên, phê phán cái xấu, tôn vinh cái đẹp, góp phần xây dựng một Việt Nam ngày càng nhân văn hơn"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tưởng cho rằng, để Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu thì chúng ta cần một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới, trong đó kỷ luật, trách nhiệm, tự trọng, chính trực, không ngừng sáng tạo phải là nét nhận dạng văn hóa chung của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là đối với các nghệ sỹ và từ đó là sợi chỉ vô hình gắn kết nét đẹp truyền thống lịch sử, bản sắc của 54 dân tộc anh em.
Cần phải xác định rõ các tiêu chuẩn cao về văn hóa và các giá trị đạo đức xã hội, lối sống cho người Việt Nam thông qua các tác phẩm văn hóa đặc sắc (phim ảnh, kịch nhạc, sách, truyện, viết lại truyện cổ tích, truyện dã sử) thể hiện giá trị chân thiện mỹ, lịch sử hào hùng, tự hào dân tộc. Phải được thẩm thấu và lan tỏa mỗi ngày để văn hóa được ngấm vào tâm hồn và tạo ra khí phách Việt Nam.
Rõ ràng bối cảnh và tình hình đất nước thời gian tới đây đặt ra nhiệm vụ rất quan trọng cho nghệ thuật Việt Nam, và đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng chính là lực lượng tiên phong.
Thủ tướng cho rằng, để xây dựng và phát triển tốt văn hóa và con người Việt Nam thì cần nhất là hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn. Từ đó văn hóa mới trở thành nền tảng đích thực cho hội tụ - kết nối tinh hoa khoa học kỹ thuật, tạo sức hút đối với quốc tế, và nền tảng cho phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp văn hóa và ngành du lịch, để tạo ra sự khác biệt, một thương hiệu cho Việt Nam. Văn hóa chính là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đặc biệt, chúng ta đang tiến hành tổng kết, xây dựng các văn kiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó xác định phát huy giá trị văn hóa, con người, khơi dậy khát vọng dân tộc trở thành một trong những đột phá chiến lược.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có vai trò đặc biệt quan trọng, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" và "Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020".
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát các quy định pháp luật có liên quan về xét tặng đối với 2 danh hiệu nêu trên; sớm nghiên cứu, đề xuất, trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng phù hợp với thực tiễn; điều kiện, quy trình xét duyệt bảo đảm minh bạch, công bằng, nhanh chóng và thuận lợi cho các nghệ sĩ; chế độ chính sách và ưu đãi cho các nghệ sĩ được tốt hơn.
Thủ tướng đề nghị các nghệ sĩ tiếp tục tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trí tuệ, bản lĩnh, kế thừa và phát huy truyền thống vinh quang của Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng; luôn sáng tạo nghệ thuật mang tầm thời đại, xây dựng nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)