SharePoint
Liên kết web
 
 

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ 4 giải pháp phát triển bền vững du lịch biển, hải đảo

06/06/2019 15:18
(TTCNTT) - Đặt vấn đề Việt Nam đang có một tài nguyên rất lớn về biển và hải đảo, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP.Hà Nội) đã đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ thực trạng, định hướng chiến lược và các giải pháp để phát triển bền vững du lịch biển, đảo.

Du lịch biển, hải đảo là sản phẩm du lịch hàng đầu của du lịch Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện: "Có thể nói rằng đất nước ta là một đất nước biển, có chiều dài bờ biển hơn 3.400 cây số, gần 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, dọc biển có rất nhiều bãi biển đẹp. Xét lợi thế về biển, chúng ta đứng thứ 32/153 quốc gia có biển, có thể nói rằng Việt Nam chúng ta có lợi thế về biển để phát triển du lịch biển".

Nha Trang là một trong những thành phố phát triển mạnh về du lịch biển hiện nay.

Với lợi thế đó, Hội nghị Trung ương 8 vừa rồi với Nghị quyết số 36 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định du lịch là một trong sáu ngành kinh tế biển quan trọng, mục tiêu đến năm 2030 phát triển thành công, đột phá các ngành kinh tế biển, trong đó du lịch và dịch vụ biển giữ vị trí quan trọng số một.

Bộ trưởng khẳng định, hiện nay, du lịch biển là một sản phẩm du lịch hàng đầu của du lịch Việt Nam trong bốn sản phẩm du lịch của chúng ta. Số khách đến du lịch biển chiếm khoảng 70% và doanh thu là trên 60%, đây là ngành du lịch hàng đầu trong các loại hình du lịch của Việt Nam. Chính vì vậy, đây là một lợi thế của chúng ta và chúng ta phải tập trung để phát triển du lịch biển mạnh hơn nữa.

4 giải pháp phát triển bền vững du lịch biển, hải đảo

Về các giải pháp phát triển du bền vững du lịch biển đảo, "Tư lệnh" ngành VHTTDL cho rằng, kinh nghiệm là phải tiến hành quy hoạch thật tốt các khu du lịch biển. Nếu không chúng ta sẽ phá vỡ. Quy hoạch du lịch biển gắn với quy hoạch kinh tế - xã hội để không phá vỡ môi trường biển của chúng ta, đồng thời không làm tổn hại đến tài nguyên du lịch biển, như vừa rồi có rất nhiều bãi biển xảy ra hiện tượng này.

Thứ hai là phải đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ đối với du lịch biển. Như đường ven biển hiện nay đang triển khai, chúng tôi đề nghị phải triển khai đồng bộ vì chúng ta phải nghĩ đến tương lai lâu dài.

Vấn đề thứ ba đó phải chọn được tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn kinh doanh về du lịch vào để phát triển, đây là một kinh nghiệm trong phát triển du lịch thời gian vừa qua. Chúng ta có rất nhiều tập đoàn lớn trong chiến lược phát triển du lịch và nhờ những tập đoàn này mà ngành du lịch của chúng ta có những bước tăng trưởng như thời gian vừa qua.

Thứ tư đó là cần phải quan tâm đến phát triển bền vững và quan tâm đến sinh kế của người dân vùng ven biển. Đây là một vùng dân có thể nói rằng tỷ lệ hộ nghèo còn cao và dân trí có thể nói còn chưa bằng những nơi khác. Cho nên trong quá trình phát triển du lịch biển phải lưu ý đến vấn đề dân sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng bày tỏ tin tưởng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và nhân dân thì du lịch biển Việt Nam sẽ vươn lên thành vị trí hàng đầu. Đây là ngành sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho đất nước.

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây