(TTCNTT) - Cùng với công tác văn hóa cơ sở, biểu diễn nghệ thuật, gia đình, thư viện..., trong những năm qua, tỉnh Quảng Bình cũng chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống.
Theo số liệu Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 di tích và dấu hiệu di tích. Tổng số di tích được xếp hạng là 121 di tích (trong đó 53 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, Quốc gia đặc biệt và 68 di tích xếp hạng cấp tỉnh).
Ảnh minh họa. Nguồn: SGGP
Thời gian qua, từ nguồn ngân sách của nhà nước và các nguồn xã hội hóa, một số di tích tiêu biểu như: Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Lệ Thủy), Khu Lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Quảng Trạch), khu di tích Hệ thống di tích đường Trường Sơn, Chùa Hoàng Phúc (Lệ Thủy), Lăng Mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, di tích Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, di tích Thành Đồng Hới, di tích Đình Kim Bảng, điểm các di tích trong di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng... đã được trùng tu, tôn tạo.
Công tác quản lý bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích thường xuyên được quan tâm. Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, tổ chức nghiên cứu bước đầu hơn 10 di sản văn hóa phi vật thể tiến tới làm hồ sơ đề nghị đưa vào danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đặc biệt, Ca trù của Người Việt, Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam ở Quảng Bình đã được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Hò khoan Lệ Thủy và Lễ hội Cầu ngư ở Quảng Bình được công nhận di sản phi vật thể cấp Quốc gia.
Việc phục dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống luôn được quan tâm nhằm giữ gìn nét đặc sắc của nhân dân Quảng Bình trong quá trình đổi mới, xây dựng quê hương. Việc tổ chức, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các địa phương, dân tộc trên địa bàn tỉnh như Hát Ca Trù, Nghệ thuật Bài chòi dân gian Trung bộ, Hò khoan Lệ Thủy và Dân ca Bình-Trị-Thiên, Lễ hội Đua bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, Hội Rằm Tháng ba Minh Hóa, Lễ hội Đập trống của đồng bào Ma Coong xã Thượng Trạch…và các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh đã được tổ chức chu đáo, an toàn, tiết kiệm, góp phần quảng bá, phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng luôn được quan tâm. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ít người bước đầu đã được tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ nhằm bảo tồn, phát huy và làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc. Các đề tài nghiên cứu về vốn âm nhạc dân gian, sưu tầm vốn văn học, nghệ thuật các tộc người Mày, Sách (thuộc dân tộc Chứt); nghiên cứu, định hướng bảo tồn lễ hội Rằm Tháng Ba (Minh Hóa); nghiên cứu, phục dựng lễ hội Đập trống của đồng bào Ma-Coong xã Thượng Trạch…đã được triển khai đạt kết quả tốt.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)