(TTCNTT) - Sáng 15/5, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch tổ chức Tọa đàm Tăng cường thu hút khách Nhật Bản. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương chủ trì tọa đàm.
Tọa đàm còn có sự tham dự của đại diện Vụ thị trường, các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước.
Nhật Bản luôn được coi là một trong những thị trường khách du lịch quốc tế quan trọng nhất của du lịch Việt Nam. Lượng khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam liên tục tăng sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Năm 2018, Việt Nam đón được 826.674 khách, tăng 3,6% so với năm 2017. Bốn tháng đầu năm 2019, khách Nhật Bản đến Việt Nam đạt 302.804 khách, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Tọa đàm Tăng cường thu hút khách Nhật Bản ngày 15/5 tại Hà Nội. Ảnh: Đình Đạt
Theo các chuyên gia đánh giá, tuy tốc độ tăng trưởng không cao nhưng khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam có sự tăng trưởng ổn định. Một số điểm du lịch của Việt Nam thu hút khách Nhật Bản là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, cụm các điểm Huế - Đà Nẵng – Hội An, Nha Trang, đồng bằng sông Cửu Long… với các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa, di sản thế giới và nghỉ dưỡng biển.
Tuy nhiên, hiện nay một số vấn đề và hạn chế trong việc thu hút khách du lịch Nhật Bản đó là: Các kênh, công cụ xúc tiến du lịch chủ yếu vẫn là kênh truyền thống như Hội chợ, giới thiệu điểm đến… còn các hoạt động e-marketing hầu như chưa được triển khai; Số lượng khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam ngày càng tăng nhưng số lượng và chất lượng hướng dẫn viên tiếng Nhật cũng như nguồn nhân lực phục vụ khách Nhật Bản của Việt Nam còn yếu và thiếu; Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đồng đều giữa các điểm đến, còn thiếu các sản phẩm hấp dẫn khách du lịch Nhật Bản; Các vấn đề khác như nhà vệ sinh công cộng, biển chỉ dẫn tiếng Nhật… vẫn còn một số hạn chế.
Để tăng cường thu hút khách Nhật Bản đến Việt Nam trong thời gian tới, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai phân khúc thị trường với việc thu hút phân khúc khách cao tuổi, có điều kiện đi du lịch, có khả năng chi trả cao, phân khúc khách nữ và phân khúc về du lịch học đường.
Về sản phẩm du lịch, đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng biển, di sản và du lịch thành phố với các điểm đến được khách Nhật yêu thích, điều kiện tiếp cận thuận lợi và chất lượng du lịch đảm bảo như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, Huế, Phú Quốc….
Về các kênh xúc tiến, quảng bá du lịch, ngoài các kênh truyền thống, đẩy mạnh các hoạt động e-marketing thông qua mạng xã hội bằng tiếng Nhật và các chiến dịch quảng bá trực tuyến.
Bên cạnh đó cần có nghiên cứu mô hình thuê đại diện marketing du lịch tại thị trường này hoặc tăng cường xã hội hóa trong các hoạt động quảng bá trực tiếp tại thị trường, tiếp tục hợp tác với các hãng hàng không tổ chức các chương trình giới thiệu điểm đến tại các thành phố lớn của Nhật Bản. Ngành du lịch dự kiến đến năm 2020 Việt Nam sẽ đón 1 triệu khách du lịch Nhật Bản.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)