Quy chế gồm 6 Chương, 28 Điều quy định hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên trong danh mục kiểm kê di tích thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh Quảng Nam; trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương, chủ sở hữu di tích và Nhân dân trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Di sản Văn hóa Thế giới Khu đền tháp Chăm Mỹ Sơn thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: QueQuangNam.com
Quy chế áp dụng đối với Sở, Ban, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn; tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa, các quy định pháp luật hiện hành có liên quan và các quy định của Quy chế này; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong quá trình quản lý theo ngành, lĩnh vực và theo địa bàn.
Trong đó, theo Quy chế, các di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phải được kiểm kê, lập hồ sơ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức thực hiện kiểm kê di tích trên địa bàn, trình UBND tỉnh phê duyệt, công bố hoặc điều chỉnh, bổ sung danh mục kiểm kê di tích.
Định kỳ 05 năm một lần, Sở VHTTDL phối hợp với UBND cấp huyện thực hiện rà soát, kiểm kê và trình UBND tỉnh đưa ra khỏi danh mục kiểm kê các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên… không đủ tiêu chuẩn.
Quy chế cũng quy định điều kiện xếp hạng di tích: Đối với di tích đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia lấy cơ sở từ di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh; Đối với di tích đề nghị xếp hạng cấp tỉnh lấy cơ sở từ danh mục kiểm kê di tích được UBND tỉnh phê duyệt, công bố.
Ngoài ra, quy định quản lý hoạt động phát huy giá trị di tích như sau: Lễ hội tổ chức tại di tích phải tuân thủ các quy định của Luật Di sản Văn hóa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2015 của Bộ VHTTDL quy định về tổ chức lễ hội và các văn bản quy định khác có liên quan của Trung ương và của tỉnh. Việc tổ chức lễ hội phải phù hợp với tính chất, đặc điểm lịch sử của di tích, thuần phong mỹ tục và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương nơi có di tích. Nội dung hoạt động lễ hội và các dịch vụ liên quan đến di tích phải được đăng ký với cơ quan trực tiếp quản lý di tích.
Hoạt động tại di tích là cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng và các quy định pháp luật khác có liên quan. Nghiêm cấm các hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng, xuyên tạc các giá trị di tích.
Hoạt động dịch vụ tại di tích phải được bố trí ở vị trí thích hợp, đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến yêu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan môi trường của di tích, an ninh và các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo gắn với di tích.
Tập thể, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, ngăn ngừa các hành vi làm xâm hại đến di tích, di vật; giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường di tích xanh – sạch – đẹp; đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh tại di tích; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích...
Quyết định này thay thế Quyết định số 28/2010/QĐ-UBND ngày 26/11/2010 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2019.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)