(TTCNTT) - Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc miền núi Bình Định lần thứ 15 đã trở thành một sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Bana, Chăm, Hrê trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trong 03 ngày từ 19-21/4, tại Quảng trường trước Bảo tàng Quang Trung huyện Tây Sơn đã diễn ra Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc miền núi tỉnh Bình Định lần thứ 15 năm 2019. Đây là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" được tổ chức luân phiên hai năm một lần tại các huyện trung du và miền núi trong tỉnh gồm: Hoài Ân, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Phù Cát, An Lão.
Ảnh: Báo Tài Nguyên và Môi trường
Ngày hội diễn ra với các nội dung thi: Làng đẹp (cổng và không gian trưng bày, triển lãm các hiện vật, hình ảnh trong trại); biểu diễn nghệ thuật truyền thống; người đẹp; kể chuyện "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; trình diễn lễ hội dân gian, trò chơi dân gian và nghề truyền thống. Ngoài ra, còn có giao lưu văn hóa ẩm thực dân gian và trình diễn cồng chiêng.
Góp phần quan trọng tạo thêm sự sôi động, hào hứng, hấp dẫn cho Ngày hội là các nội dung thi đấu 7 môn thể thao: Bắn nỏ cá nhân và đồng đội (nam và nữ), bóng chuyền nam, đẩy gậy (nam, nữ), chạy việt dã (nam, nữ), phóng lao xa nam, bóng đá nam (7 người), kéo co (mỗi đội gồm 4 nam và 4 nữ).
Đặc biệt, nhiều lễ hội dân gian rộn ràng của đồng bào Bana, H're ở các huyện Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh đã được tái hiện. Các lễ hội được dàn dựng theo hướng giới thiệu những giá trị tích cực cần được bảo tồn, phát huy trong lễ hội dân gian, loại bỏ yếu tố tiêu cực, lạc hậu, không phù hợp trong xây dựng đời sống văn hóa hiện nay. Ngoài sự nhiệt tình của các già làng, nghệ nhân, những diễn viên trẻ lần đầu được trực tiếp tham gia trong lễ hội đã thêm hiểu biết, bồi đắp ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Qua 15 lần tổ chức, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc miền núi tỉnh Bình Định đã trở thành một sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Bana, Chăm, Hrê trên địa bàn tỉnh. Ngày hội không những mang lại hiệu quả trong việc giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các vùng miền núi trong tỉnh, mà còn góp phần bảo tồn, giới thiệu, phát huy vốn văn hóa đặc sắc, phong phú, độc đáo của các dân tộc anh em.
Đồng thời, Ngày hội cũng góp phần trong việc củng cố quốc phòng an ninh, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng nông thôn mới" trên địa bàn tỉnh.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)