Chủ trì buổi làm việc có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng BCĐ; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó BCĐ. Về phía Bộ VHTTDL có Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, các Thứ trưởng Lê Quang Tùng, Trịnh Thị Thủy.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Bộ VHTTDL đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện Nghị quyết 33
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, thực hiện Hướng dẫn số 84-HD/BTGTW về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33- NQ/TW, trong thời gian qua Bộ VHTTDL đã tích cực chuẩn bị các nội dung liên quan theo yêu cầu của đoàn kiểm tra. Bộ đã dự thảo hai báo cáo về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 và sơ kết thực hiện Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết số 33.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng cho biết, sau buổi làm việc, tiếp thu ý kiến của các thành viên BCĐ, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, nội dung có liên quan đến công tác sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ VHTTDL.
Thay mặt Bộ trưởng báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, công tác quán triệt Nghị quyết, truyên truyền thực hiện Nghị quyết đã được Bộ VHTTDL triển khai quyết liệt dưới nhiều hình thức. Đặc biệt, cấp ủy các cấp phối hợp với Thủ trưởng cơ quan thông qua các nhiệm vụ chuyên môn, chức năng của đơn vị thực hiện các hoạt động tuyên truyền với nội dung phong phú đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng nhân dân về các nhiệm vụ trong Nghị quyết 33- NQ/TW.
Về nhiệm vụ trọng tâm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, Thứ trưởng nhấn mạnh, 5 năm qua, Bộ đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành 2 dự thảo Luật, 16 Nghị định, 06 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 02 đề án về giáo dục, đào tạo; hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đặt hàng 300 chỉ tiêu các ngành hiếm, ngành khó tuyển sinh, ngành truyền thống, dân tộc và đặc thù lĩnh vực VHNT đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ.
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học như "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trước tác động của phương tiện truyền thông mới", "Phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng đạo đức, lối sống trong giai đoạn hiện nay", thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia "Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Triển khai thực hiện đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 gắn với cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại".
Nhiều hoạt động quan trọng đã được Bộ triển khai nhằm thực hiện các mục tiêu quan trọng trong Nghị quyết 33 như xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lương, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đo đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Báo cáo của Bộ cũng nhấn mạnh các nội dung về thực hiện 4 giải pháp nêu trong Nghị quyết gồm: đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa; Tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu rõ, nhìn tổng thể, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tư tưởng, đạo đức, lối sống- lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có nhiều chuyển biến. Phong trào TDĐKXDĐSVH đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực.
Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục phát triển rộng rãi, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, hình thành và bồi dưỡng các phẩm chất, nhân cách con người. VHNT đã cố gắng phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, lên án cái xấu, cái ác, sự thoái hóa, biến chất về nhân cách, đời sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội. Hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc đạt nhiều kết quả tích cực...
Báo cáo cũng phân tích, nêu rõ những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 33 trong thời gian tới. Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu gồm: Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững; đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người; hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo vai trò kiến tạo phát triển văn hóa, xây dựng con người, tăng cường hiệu quả các hệ thống thiết chế văn hóa.
Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước; Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, có khả năng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế.
Tập trung nguồn lực Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người, ưu tiên nguồn lực cho vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS, đối tượng hưởng chính sách xã hội, đối tượng chịu thiệt thòi, cho một số loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại cần bảo tồn, phát triển.
Những người làm văn hóa cần phải chủ động nắm bắt tâm tư, đời sống của giới trẻ hiện nay
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có vai trò lớn trong việc tham mưu, thực hiện Nghị quyết 33. Báo cáo này sẽ góp phần rất quan trọng trong việc hoàn thiện báo cáo của Ban Chỉ đạo, báo cáo của việc thực hiện của Chính phủ do Bộ VHTTDL là chủ trì làm. Trong đó phải đánh giá làm sao để toát lên được tình hình, thực trạng văn hóa con người Việt Nam. Đặc biệt là phải đánh giá được sự tiến bộ qua 5 năm thực hiện, và những thách thức để có giải pháp trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, ngành văn hóa rất khó để lượng hóa. Tuy nhiên, trong báo cáo cũng cần phải đưa ra một số liệu, chỉ tiêu để cụ thể hóa hơn. Qua quá trình đi kiểm tra, Phó Thủ tướng cũng cho biết có một số chỉ tiêu có thể lượng hóa được. Ví dụ như số lượng người sáng tác, tác phẩm văn hóa nghệ thuật…
Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Văn hóa cần nêu ra được những việc làm cụ thể trong công tác chỉ đạo, điều hành. Ví dụ như, vấn đề âm thanh di động hiện nay qua khảo sát tại nhiều địa phương đều có phản ánh giống nhau. Đây là vấn đề phức tạp nên ngay sau đó, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các bộ ngành liên quan để vào cuộc xử lý ngay.
Đồng tình với ý kiến từ đại diện Trung ương Đoàn, Phó Thủ tướng cho rằng hiện nay có rất nhiều trào lưu văn hóa mới mà nghe qua nếu không cẩn thận dễ bị bài xích ngay. Theo đó, những người làm văn hóa cần phải chủ động nắm bắt tâm tư, đời sống của giới trẻ hiện nay để có giải pháp định hướng về lối sống của nhiều bộ phận thanh thiếu niên.
Cùng với đó, hiện nay một số phong trào văn hóa sau một thời gian trở thành hình thức, mang tính hô khẩu hiệu. Nhiều tiêu chuẩn hướng dẫn từ trên xuống mang tính cào bằng và không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Chính vì vậy, đây là những vấn đề mà chúng ta cần đề ra trong báo cáo sắp tới để có thể nhận diện, chỉ đạo thực hiện đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới.
Xây dựng văn hóa tức là tạo ra sức mạnh nội sinh để đất nước phát triển
Hoan nghênh và đánh giá cao Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL đã chuẩn bị tốt báo cáo, văn bản cho cuộc họp, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, các ý kiến tại buổi làm việc đã đưa ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, qua đó góp phần cho Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tốt trình Ban Bí thư tại Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận buổi làm việc.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, xây dựng văn hóa con người Việt Nam có ý nghĩa và vị trí rất quan trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước cũng xác định văn hóa là tinh thần, xây dựng văn hóa tức là tạo ra sức mạnh nội sinh để đất nước phát triển.
"Bộ VHTTDL có vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 33 và Nghị quyết 102 về chương trình hành động. Vì vậy, buổi làm việc, khảo sát có ý nghĩa quan trọng, qua đó lắng nghe công tác quán triệt, lãnh đạo chỉ đạo thực hiện Nhị quyết trong các lĩnh vực Bộ phụ trách trong 5 năm qua". – ông Thưởng nói.
Vì vậy, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý Bộ VHTTDL cần cố gắng hơn nữa trong một số lĩnh vực, như nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động văn hóa, văn nghệ. Một số vấn đề cần có sự đánh giá, nghiên cứu sâu hơn như hoạt động lễ hội truyền thống; tình trạng xâm hại di sản văn hóa; xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)