Tràng Định là một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lạng Sơn, là mảnh đất đa sắc màu văn hóa với 7 dân tộc anh em và bề dày truyền thống lịch sử. Xác định việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của địa phương, vừa là một mũi nhọn để thúc đẩy du lịch phát triển song đồng thời cũng thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết TƯ5 khóa VIII về "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" nên trong những năm qua, huyện Tràng Định luôn chú trọng đầu tư trong việc khai thác các vốn quý dân gian và khôi phục lại những lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn của đất và người Tràng Định. Trong những hoạt động và đội ngũ thực hiện công tác ấy, CLB bảo tồn dân ca Cẩu Pung là một điểm sáng.
CLB Bảo tồn dân ca Cẩu Pung là tổ chức xã hội trực thuộc Trung tâm VH,TT&TT huyện Tràng Định, đóng quân trên địa bàn thị trấn Thất Khê. CLB được thành lập từ năm 2015, ban đầu chỉ có 24 thành viên và các thành viên đều chỉ chủ yếu tập trung ở thị trấn Thất Khê. Qua 04 năm hoạt động, số lượng hội viên của CLB mở rộng địa bàn hoạt động ra các xã Chí Minh, Chi Lăng, Hùng Sơn, Đại Đồng, Quốc Khánh và Hùng Việt với tổng số hội viên lên đến 105 người. Bên cạnh điểm nhóm chính hoạt động tại thị trấn Thất Khê thì CLB Cẩu Pung còn gây dựng được 02 chi CLB tại xã vùng cao Chí Minh và Hùng Việt.
Các hội viên của CLB đa dạng về độ tuổi, cao tuổi nhất là 80 và nhỏ tuổi nhất là 11 tuổi. Bên cạnh đó, các thành viên của CLB còn hội tụ rất nhiều các thành phần, có hội viên là giáo viên, hưu trí song cũng có hội viên là nông dân, doanh nghiệp. Do đặc thù công việc của các thành viên khác nhau nên việc tập hợp và thống nhất thời gian tập luyện thường gặp nhiều khó khăn song với tình yêu và lòng đam mê với văn hóa dân tộc nên các hội viên đều cố gắng sắp xếp công việc một cách hợp lý và đều đảm bảo quân số mỗi khi tập luyện hoặc biểu diễn. Có những hội viên như bà Đoàn Thị Chuyển, bà Hoàng Thị Nga mặc dù nhà cách thị trấn hơn 15 km nhưng đêm nào cũng bắt xe khách hoặc thậm chí là đi bộ để ra sinh hoạt cùng chị em trong CLB.
Tiết mục hát mo Nùng "Xỉnh Slay"
Với công tác truyền dạy, Ban chủ nhiệm CLB thường xuyên liên hệ với các giảng viên, các nghệ nhân, nghệ sỹ như nghệ sỹ Hồng Bách (giảng viên trường CĐ VHNT Việt Bắc), nghệ nhân Nguyễn Thị Bông (P. chủ nhiệm CLB), Hoàng Thị Thì, Chu Văn Sơn đến tham gia giảng dạy trong các chương trình học của CLB. Từ những lớp học này, rất nhiều chị em trong CLB ban đầu chưa biết đàn hát thì nay đã trở thành những người "chắc tay đàn, ngọt giọng hát", phục vụ rất hiệu quả cho hoạt động văn hóa văn nghệ tại cơ sở. Đặc biệt thành viên của các lớp học này còn đem tình yêu với dân ca về cho bản làng, gia đình. Rất nhiều gia đình như cả đại gia đình bà Đoàn Thị Đan, bà Trần Thị Thúy, từ ông bà, con trai, con dâu và các cháu đều tham gia CLB. Một số thành viên như bà Chu Thị Mưởi, ông Bế Trung Kiên còn đem vốn hiểu biết của mình để truyền dạy cho nhân dân trong bản làng, khu phố khiến cho phong trào được khơi dậy hơn bao giờ hết. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự lan tỏa và vai trò của CLB trong công tác bảo tồn dân ca.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Bông và các học trò
Song song với việc tổ chức giảng dạy, Ban chủ nhiệm CLB còn thường xuyên mời các giảng viên cùng với một số thành viên CLB đến gặp các nghệ nhân để sưu tầm, nghiên cứu và chỉnh biên dân ca, dân vũ thành các tiết mục biểu diễn trên sân khấu. Trong những năm qua, CLB đã nghiên cứu, sưu tầm được một số trích đoạn then, mo, tào, lượn nàng hai, hèo phưn rất có giá trị và được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Đặc biệt, những làn điệu dân ca do CLB sưu tầm được đều là những làn điệu cổ và chưa từng xuất hiện trên sân khấu biểu diễn. Nhiều thành viên CLB rất nhiệt tình trong việc nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu dân ca cổ như bà Thanh, bà Nguyễn Thị Bông. Một số tiết mục do CLB sưu tầm đã đạt giải cao trong các kỳ liên hoan như: Tiết mục hát mo "Xỉnh slay", huy chương bạc liên hoan tiếng hát người cao tuổi tỉnh Lạng Sơn năm 2016; Tiết mục hát tào cổ "Ú phang tâng", Huy chương vàng liên hoan tiếng hát người cao tuổi tỉnh Lạng Sơn năm 2018; Tiết mục hát hèo phưn "Ơn Đảng, Bác". Huy chương vàng liên hoan tiếng hát người cao tuổi tỉnh Lạng Sơn năm 2018; Tiết mục then cổ "Slặp tưởng". Huy chương bạc liên hoan tiếng hát người cao tuổi tỉnh Lạng Sơn năm 2018.
Ngoài ra, các hội viên của CLB còn tích cực tham gia đặt lời và lồng điệu thành tiết mục hát dân ca phục vụ các nhiệm vụ chính trị. Trong đó, bà Đoàn Bích Khê là thành viên đi đầu trong sáng tác thơ ca bằng tiếng dân tộc phục vụ phong trào. Nhiều tác phẩm của bà được các cấp lãnh đạo và quần chúng nhân dân đánh giá cao, thường xuyên được sử dụng trong các chương trình nghệ thuật của huyện, tỉnh như "Tràng Định quê em", "Tràng Định biên cương", "Công mẹ liệng lục" (công mẹ nuôi con),… Tác phẩm "Tràng Định quê em" do bà đặt lời đã được huy chương bạc tại Liên hoan tiếng hát người cao tuổi tỉnh Lạng Sơn năm 2018.
Bên cạnh các lớp truyền dạy cho hội viên, CLB còn cử thành viên đến các trường học trên địa bàn huyện để giảng dạy hát then cho các cháu học sinh. Đây là hoạt động rất thiết thực nhằm truyền lại ngọn lửa truyền thống văn hóa cho thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Trong năm 2015, CLB đã cử Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Bông đi giảng dạy cho các em học sinh trường THPT huyện Tràng Định. Tiết mục do NNUT Nguyễn Thị Bông hướng dẫn luyện tập đã được giải Nhất tại Liên hoan tiếng hát HSSV tỉnh Lạng Sơn năm 2015.
Trong 04 năm hoạt động, dấu chân của các thành viên CLB bảo tồn dân ca Cẩu Pung đã in dấu trên khắp mảnh đất biên cương Tràng Định. Đi đến bản làng, đơn vị nào, CLB cũng đều được nhân dân chào đón và trông ngóng. Trong đợt lưu diễn tại xã vùng cao biên giới Quốc Khánh tết Kỷ Hợi vừa qua, rất nhiều các cụ già đã vượt gần chục km và mưa rét ra trung tâm xã ngồi đợi cả ngày chỉ để chờ CLB biểu diễn. Năm 2017, CLB đã kết hợp với đài truyền hình Lạng Sơn ghi hình chương trình "Câu then hội xuân" phát trên đài phát thanh, truyền hình Lạng Sơn và VTV5 để phục vụ khán thính giả mọi miền tổ quốc.
Ghi nhận những đóng góp của CLB bảo tồn dân ca Cẩu Pung đã được UBND huyện Tràng Định, Ban đại diện người cao tuổi tặng nhiều giấy khen các năm 2016, 2017; Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn tặng giấy khen do có thành tích xuất sắc năm 2018. Cũng trong tháng 8 năm 2018, CLB đã được ban văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam (VOV3) lựa chọn để thực hiện loạt ký sự "Địa chí các vùng dân ca". Đặc biệt, CLB còn vinh dự có 03 nghệ nhân là bà Phan Thị Điệu, bà Đường Thị Nhâm và bà Nguyễn Thị Bông đã được chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý "Nghệ nhân ưu tú" năm 2019.
Bà Đoàn Bích Khê (người thứ 4 từ trái sang) – Chủ nhiệm và là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng CLB bảo tồn dân ca Cẩu Pung.
Có sự thành công này, bên cạnh sự tạo điều kiện giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là sự hướng dẫn chuyên môn, tổ chức của Trung tâm VH,TT&TT huyện Tràng Định thì còn là sự hy sinh rất lớn của các thành viên CLB. Hiện nay, tất cả các kinh phí hoạt động của CLB đều bắt nguồn từ xã hội hóa. Từ chi phí nghiên cứu, sưu tầm, mở các lớp học, thu thanh, thu hình cho đến trang phục, đạo cụ biểu diễn và bộ phấn trang điểm đều do các thành viên của CLB tự đóng góp. Đối với những người nông dân ở miền núi vốn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thì việc tự bỏ kinh phí để xây dựng CLB theo tinh thần xã hội hóa một cách nhiệt tình và trách nhiệm như vậy quả thực là một sự hy sinh rất đáng quý. Do chưa có trụ sở cố định và cũng chưa có nơi tổ chức các lớp học nên bà Đoàn Bích Khê đã tự bỏ kinh phí cải tạo căn gác trên tầng 3 của gia đình trở thành lớp học với đầy đủ các phương tiện thiết bị như âm thanh, ánh sáng, quạt, bàn ghế, bảng đen và bảng trưng bày ảnh hoạt động của CLB.
Bà Đoàn Bích Khê – chủ nhiệm và cũng là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng CLB – chia sẻ với chúng tôi: "CLB Cẩu Pung chúng tôi được xây dựng trên nền tảng của sự đoàn kết và tình yêu mãnh liệt của tất cả các thành viên với dân ca quê nhà. Từ khi thành lập cho đến nay, vượt qua rất nhiều gian nan và thiếu thốn, CLB đã trưởng thành và luôn hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ cấp trên giao phó. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ mong các cấp lãnh đạo tạo điều kiện hơn nữa để CLB có một không gian đàng hoàng, cố định để sinh hoạt thuận tiện và lâu dài, lớp học trên tầng 3 của gia đình tôi tuy nay cũng tạm đủ để phục vụ hoạt động nhưng đó chưa phải là phương án lâu dài".
Như vậy ta có thể thấy, việc xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ tại cơ sở cũng như bảo tồn di sản văn hóa dân tộc không phải đơn thuần chỉ là tác động từ phía nhà nước mà còn rất cần đến sự chung tay của cộng đồng. Khi cả nước và cộng đồng cùng chung tay thì di sản sẽ mãi được gìn giữ lâu bền. CLB Bảo tồn dân ca Cẩu Pung huyện Tràng Định chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự chung tay này, và đây cũng là một điểm sáng trong công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và xã hội hóa các hoạt động văn hóa rất cần nhân rộng.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)