Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị. Hội nghị có sự tham gia của đông đảo đại diện các Sở VHTT, Sở VHTTDL, Ban Quản lý di tích… các địa phương.
Báo cáo tại Hội nghị, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, năm 2018, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Phần lớn các lễ hội đều được diễn ra trong không khí trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội; tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị
Trong công tác quản lý nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác tham mưu, xây dựng và ban hành văn bản đã đáp ứng kịp thời công tác quản lý và tổ chức lễ hội; nội dung các văn bản đã điều chỉnh các vấn đề hạn chế từ mùa lễ hội năm 2017 như: công tác an ninh trật tự; các hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội; đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định, khấn thuê, chèo kéo khách, rút quẻ thẻ... tăng cường công tác thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội.
Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng được quan tâm.Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Văn hóa cơ sở thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 đảm bảo cho các lễ hội được diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh; giám sát, nhắc nhở và yêu cầu các địa phương, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội chấn chỉnh các biểu hiện phản cảm, vi phạm nếp sống văn minh trong lễ hội.
Đối với một số lễ hội còn để xảy ra các hiện tượng chen lấn, xô đẩy, vi phạm thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị chức năng đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập tục, chủ động làm việc với cơ sở và có những chỉ đạo kịp thời để điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Công tác phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các ban, bộ, ngành Trung ương cũng được chú trọng triển khai và có hiệu quả.
Hội nghị Công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018, phương hướng nhiệm vụ năm 2019 diễn ra chiều 18/1
Ở địa phương, thực hiện tinh thần quán triệt sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nâng cao vai trò quản lý nhà nước về hoạt động tổ chức lễ hội, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức lễ hội, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý, tổ chức lễ hội tại địa phương.
Trong công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp; các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ.
Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức thực hiện nếp sống văn minh của người dân khi tham gia lễ hội; công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; Việc quản lý thu, chi tiền công đức; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo mùa lễ hội 2018 an toàn, lành mạnh.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cũng nêu một số hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 như vẫn còn xảy ra những hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội; Đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn; Khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích; Một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính; Hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội như: Đền Sóc, Chùa Hương (thành phố Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)...
Tại Hội nghị, đại diện Sở VHTT, Sở VHTTDL các địa phương đã báo cáo về công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn trong năm 2018. Các đại biểu cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương, đồng thời kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong năm 2019.
Hội nghị có sự tham gia của đông đảo đại diện các Sở VHTTDL, Sở VHTT các địa phương
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, 14 ý kiến phát biểu của đại diện các địa phương tại Hội nghị thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội.
Thứ trưởng cũng khẳng định, công tác quản lý, tổ chức lễ hội 2018 đã có bước tiến quan trọng, tốt hơn nhiều so với các mùa lễ hội trước. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, để có được sự tiến triển như vậy là nhờ có sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương…; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an trong chỉ đạo ngành dọc đảm bảo an ninh trật tự, Bộ Giao thông Vận tải trong đảm bảo an toàn giao thông thông suốt; Ngân hàng Nhà nước đã không phát hành tiền lẻ để hạn chế nạn rải tiền….
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng đánh giá cao sự vào cuộc rất trách nhiệm của các địa phương. Sở VHTTDL, Sở VHTT các địa phương, các cơ quan của Bộ có sự phối hợp chặt chẽ, hạn chế được nhiều bất cập, kịp thời xử lý những vấn đề còn tồn đọng.
Thứ trưởng cũng khẳng định, ý thức tham gia lễ hội của người dân đã tốt hơn nhiều. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đã ngày càng tốt hơn…
Thứ trưởng yêu cầu, trong năm 2019, các địa phương, với vai trò và trách nhiệm phải nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Thứ trưởng đề nghị các địa phương quán triệt chỉ đạo của Ban Tuyên giáo TƯ theo tinh thần của văn bản 5709-CV/BTGTW ngày 25/12/2018 về việc chỉ đạo hoạt động văn hóa - văn nghệ Xuân Kỷ Hợi 2019; Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc Tăng cường các biện pháp bảo đảm đón tết nguyên đán kỷ hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệmđể quản lý lễ hội trên địa bàn.
Thứ trưởng yêu cầu các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền. " Đây là việc hết sức quan trọng, để người dân có ứng xử văn hóa, văn minh về lễ hội"- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương cần chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của nhân dân tham gia lễ hội.
Thứ trưởng cho rằng, năm đầu tiên Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội có hiệu lực, trong đó quy định rất rõ về chức năng, nhiệm vụ của các địa phương. Vì vậy, các địa phương cần nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý, không đùn đẩy, né tránh. Tăng cường phối hợp liên ngành. Có phân công trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị tham gia. Tăng cường kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội.
Thứ trưởng cũng giao trách nhiệm cho Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa, Thanh tra Bộ, trong năm 2019, thành lập các đoàn kiểm tra đến các địa phương, giúp các địa phương nâng cao trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Để mùa lễ hội 2019 thực sự đảm bảo an toàn vui tươi, tạo không khí phấn khởi, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, không gian thực hành tín ngưỡng của nhân dân.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)