Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng, dàn trải
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, thông qua việc giao lưu văn hóa từ các vùng miền, các dân tộc là tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số học hỏi, tăng cường hiểu biết, phát huy truyền thống tốt đẹp và gắn kết cộng đồng.
Tuy nhiên, hiện nay việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được chặn đứng. Một phần do đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải. Mặt khác chúng ta chưa có cơ chế phát huy toàn xã hội đầu tư cho văn hóa, nhất là trong việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Minh Khánh
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, thời gian tới Chính phủ cần tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách đối với các dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân gian, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số phù hợp.
Đặc biệt chú ý địa bàn, các dân tộc có nguy cơ biến dạng văn hóa, nhất là các dân tộc còn rất ít người, khu vực biên giới, hải đảo, khu tái định cư do di dân. Tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, khích lệ sáng tạo giá trị văn hóa mới, tiến bộ, bỏ những hủ tục lạc hậu.
Bất cập về văn hóa thường phải mất chục, trăm năm để khắc phục
Phát biểu tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng lĩnh vực văn hóa nói chung, hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nói riêng, có những đặc thù, khó khăn do nguồn lực hiện nay thường được ưu tiên hơn cho các vấn đề cấp bách về phát triển kinh tế, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng.
Trong khi các vấn đề, bất cập về văn hóa xuất hiện thường chưa thể khắc phục được ngay mà mất nhiều thời gian, tâm sức, thậm chí nhiều chục năm, trăm năm, để khắc phục. Cùng với đó, nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa chưa coi trọng đúng mức các ý kiến chuyên gia.
Theo Phó Thủ tướng, để hình thành nên bản sắc văn hóa mỗi cộng đồng, dân tộc phải cần thời gian hàng nghìn năm. Vì vậy, công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa cần lắng nghe chuyên gia, có tầm nhìn chiến lược và sự kiên trì từng việc cụ thể, theo lộ trình.
"Nhà nước không chỉ đào tạo nhân lực, hỗ trợ hoạt động bảo tồn di sản văn hóa mà còn tạo ra môi trường, mối liên kết, kết nối để từng người dân, từng cộng đồng và toàn xã hội có thể tham gia công tác bảo tồn di sản văn hoá, đặc biệt dựa trên sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, kết nối mạng di động, cá nhân hoá" - Phó Thủ tướng nói.
Nguy cơ mai một giá trị văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số
Tại Hội thảo này, nhiều ý kiến cho rằng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách. Đặc biệt, sự du nhập văn hóa nước ngoài và quá trình đô thị hóa nhanh chóng hiện nay dẫn đến nguy cơ làm mai một, biến đổi của không ít giá trị văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số.
Điển hình như việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh đang gặp phải tình trạng "ngoài lề hoá", "sân khấu, làm mới và thương mại hóa di sản", cùng với những bất cập trong thực hành, truyền dạy và công tác nghệ nhân.
Theo GS Tô Ngọc Thanh, cấu trúc văn hóa truyền thống đang có những biến đổi trong quá trình tái cấu trúc, xây dựng nền văn hóa đương đại và đặt ra những vấn đề cấp bách đối với chính sách văn hóa hiện nay.
Qua phân tích một số đề án cụ thể hỗ trợ các dân tộc thiểu số rất ít người, PGS.TS Nguyễn Văn Chính (ĐHQG Hà Nội) đánh giá chưa có chính sách nào tập trung vào bảo tồn ngôn ngữ và sự đa dạng văn hóa mà mới chỉ đặt ra các mục tiêu ngắn hạn nhằm cải thiện đời sống, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của người dân.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)