Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội nhằm vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, sáng tạo. Đây là dịp để các nhà làm phim tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển điện ảnh; Đồng thời giới thiệu đến công chúng những tác phẩm điện ảnh đặc sắc của các nền điện ảnh trên thế giới.
Đã trải qua 4 kỳ tổ chức, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội luôn là tâm điểm điện ảnh thu hút sự quan tâm của công chúng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới.
Với khẩu hiện "Điện ảnh – Hội nhập và phát triển bền vững", bên cạnh các hoạt động tuyển chọn phim, Liên hoan Phim sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc khác như: Trại sáng tác HANIFF và Chợ Dự án làm Phim; Hội thảo "Tiêu điểm điện ảnh Ba Lan", Hội thảo "Kinh nghiệm thành công quốc tế của Điện ảnh Iran"; Triển lãm "Bối cảnh quay phim đặc sắc tại Việt Nam"; Chương trình chiếu phim ngoài trời, giao lưu/biểu diễn thời trang", Chương trình tham quan một số địa danh nổi tiếng trong nước;…dự kiến với 1.200 đại biểu và khách mời tham dự trong đó có nhiều đại diện điện ảnh và nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế.
Đã trải qua 4 kỳ tổ chức, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội luôn là tâm điểm điện ảnh thu hút sự quan tâm của công chúng. Nguồn ảnh: dantri.com.vn
Nhân dịp này, Bản tin tham khảo Văn hóa, Thể thao và Du lịch quốc tế đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Phương Lan –Cục trưởng Cục Điện ảnh, Giám đốc Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V 2018
Thưa bà, xin bà cho biết những nỗ lực của Ban Tổ chức để đưa những tác phẩm kinh điển đến với Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V 2018?
Bắt đầu từ Liên hoan lần đầu tiên đến nay cũng gần 10 năm (từ 2010 – 2018), Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội đã dần dần được công chúng biết đến, được khẳng định. Nếu trước đây tìm 1, 2 bộ phim được giải thưởng lớn trên thế giới trình chiếu tại Liên hoan phim là không đơn giản, thì bây giờ, với uy tín ngày càng cao của Liên hoan Phim, chúng tôi cũng liên hệ với nhiều đại lý, nhiều liên hoan phim Quốc tế, thậm chí là trực tiếp với các nhà làm phim, các tác giả, từ đó lấy được các tác phẩm được xem là mới nhất, là hàng đầu trong năm 2018, 2017. Ví dụ như phim giành giải thưởng Cành cọ vàng năm 2018 (được trao vào tháng 5 tại Liên hoan phim Cannes) hay phim Giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất 2018 cho một bộ phim của Chile, Phim đạt giải Gấu vàng năm 2017…
Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Giám đốc Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V 2018
Mặt khác, năm nay Ban tổ chức cũng chọn được hai tiêu điểm phim gồm tiêu điểm điện ảnh Ba Lan và tiêu điểm điện ảnh Iran. Đây là hai nền điện ảnh có rất nhiều thành công quốc tế, dù không phải là nền điện ảnh lớn trên thế giới nhưng lại có những tác phẩm xuất sắc. Hai nền điện ảnh cũng mang đến cho khán giả những bộ phim rất xuất sắc và khó có cơ hội được xem nếu chúng ta không tổ chức những chương trình phim kinh điển như thế.
Nỗ lực rất lớn của Ban tổ chức là làm sao có kinh phí mua bản quyền chiếu phim. Vì vậy, năm nay chúng tôi cố gắng giành kinh phí xứng đáng để mang lại cho khán giả những bộ phim chất lượng, và đặc biệt cố gắng huy động từ những nguồn xã hội hóa.
Xin bà chia sẻ rõ hơn về sự phát triển của Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội qua từng thời kỳ?
Số lượng phim tham gia tại liên hoan cũng ngày càng thể hiện sự phát triển của Liên hoan phim. Nếu bắt đầu chí có khoảng 50-60 phim được trình chiếu thì nay đã có hơn 100 phim được trình chiếu tại mỗi kỳ liên hoan. Đây là con số rất lớn và các phim cũng được tuyển chọn cũng khá kỹ lưỡng.
Ban tổ chức cũng lập ra hai nấc để tuyển chọn phim. Đầu tiên là hội đồng sơ tuyển phải xem hết hơn 500 bộ phim và loại luôn những phim không đạt tiêu chuẩn. Sau đó là hội đồng trung tuyển để chọn phim vào các hạng mục. Tất cả các hạng mục đều được làm liền mạch và có quy định rõ ràng về tiêu chí bỏ phiếu rất đúng cách thức và minh bạch, phù hợp với tiêu chí của Liên hoan phim như tính nhân văn, sáng tạo, hay có những tìm tòi thể nghiệm
Để ngày càng khẳng định thương hiệu của Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội, Ban tổ chức đã thực hiện những hoạt động như thế nào?
Trên thế giới có thể tính đến hàng trăm, hàng nghìn liên hoan phim Quốc tế, chính vì thế muốn giữ một Liên hoan Phim Quốc tế tại Việt Nam thì trước tiên liên hoan phải đạt chuẩn quốc tế và luôn luôn có sự đổi mới, sự sáng tạo trong mỗi kỳ liên hoan.
Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội về quy mô có thể nhận thấy ngay sự đổi mới qua mỗi kỳ liên hoan. Nếu lần đầu tiên trình chiếu gần 60 phim, tổ chức vẫn chưa có nhiều hoạt động ngoài trình chiếu phim hoạt cảnh panorama và phim sử thi thì lần tiếp theo đã mở ra được trại sáng tác dành cho các tài năng và mời các chuyên gia nước ngoài, các nhà hoạt động, các nhà làm phim nổi tiếng, những bậc thầy trong lĩnh vực của Đức, Mỹ, Anh, Hàn Quốc hướng dẫn những khóa học của lớp sáng tác. Cũng rất mừng khi trại sáng tác thành công ngay từ lần đầu tiên tổ chức. Một nét mới ở kỳ thứ 3 là sự ra đời của chợ dự án làm phim, nơi các nhà làm phim trẻ với những dự án phim ngắn có môi trường để giới thiệu những dự án của mình và thuyết phục những nhà sản xuất. Chúng tôi cũng mời những nhà sản xuất, những Quỹ điện ảnh trên thế giới đến để xem và chọn phim. Đây là điều rất phù hợp bởi một bên muốn giới thiệu dự án của mình, một bên đang tìm những dự án để tiếp tục phát triển. Tại kỳ thứ 4 thì Trại sáng tác và Chợ dự án dù là hai hoạt động riêng biệt nhưng có sự liên thông với nhau và có những buổi trao đổi nghề nghiệp rất chuyên sâu. Đây cũng là điểm rất thú vị.
Bên cạnh đó, mỗi kỳ liên hoan phim đều có chủ đề hội thảo tương xứng. Như ở Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 2 xoay vào chủ đề điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới. Hay năm 2016 thì hội thảo tập trung về 2 nền điện ảnh lớn là điện ảnh Italy và điện ảnh Ấn Độ.
Từ kỳ thứ 4 cũng bắt đầu có chương trình chiếu phim ngoài trời, chương trình giao lưu giữa khán giả với các đoàn làm phim, giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam qua tà áo dài… mỗi lần tổ chức liên hoan đều có những nét mới thỏa mãn sự trông đợi của khán giả. Tất nhiên điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng của những bộ phim được trình chiếu.
Thưa bà, rõ ràng ở thành phố Hồ Chí Minh thị trường điện ảnh phát triển sôi nổi hơn ở Hà Nội, vậy vì sao Ban tổ chức lại lựa chọn Hà Nội là nơi tổ chức LHP Quốc tế
Ở Pháp, họ chọn Cannes một thành phố ven biển là nơi tổ chức liên hoan phim đã hơn 70 năm, ở Italy người ta lại chọn Venice. Từ thương hiệu Liên hoan phim đã đẩy thương hiệu các thành phố đó lên. Nếu như không có Liên hoan phim người ta chắc cũng sẽ không nhớ đến Cannes như thế.
Ở Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng phim ảnh là một phần quan trọng của văn hóa, vì vậy, chọn Hà Nội là nơi tổ chức Liên hoan phim Quốc tế một mặt là cơ hội để giới thiệu với bạn bè về những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam, mặt khác, có lẽ hiện nay chỉ có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là nơi đủ điều kiện để tổ chức liên hoan phim quốc tế. Hà Nội cũng có nhiều địa điểm lớn để tổ chức các hội nghị quốc tế có sức chứa hàng nghìn người, đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện điện ảnh chuyên nghiệp.
Thời gian qua rất nhiều những bộ phim của Việt Nam đã tham gia và bước đầu đạt được thành công tại các liên hoan phim Quốc tế. Với vai trò là Cục trưởng Cục Điện ảnh, xin bà đánh giá về sự phát triển của điện ảnh Việt Nam thời gian qua?
Thực ra sự phát triển của điện ảnh Việt Nam trong thời gian qua cơ bản khẳng định được xu thế, chủ trương xã hội hóa hoạt động điện ảnh của nhà nước khá thành công. Những năm vừa qua, nếu không có xã hội hóa, điện ảnh của chúng ta không thể phát triển như thế. Cho đến ngày hôm nay, thực tế cho thấy sự phát triển mạnh nhất của điện ảnh Việt Nam là ở thị trường điện ảnh tăng không ngừng, mỗi năm tăng khoảng 20%.
Đương nhiên việc một số bộ phim Việt được đưa ra nước ngoài ở một số liên hoan phim quốc tế, hay tại những sự kiện điện ảnh do Cục Điện ảnh tổ chức như Liên hoan phim Cannes, ở các tuần phim, các tuần văn hóa cũng rất quan trọng. Nhưng có lẽ là vẫn cần sự quan tâm lớn hơn bởi vì văn hóa hay du lịch có thể làm được rất nhiều điều thông qua điện ảnh. Rất đáng tiếc, trong thời gian vừa qua, sự đầu tư của nhà nước cho điện ảnh cũng rất hạn chế vì còn nhiều khó khăn. Do đó, có những tác phẩm điện ảnh được đến với bạn bè quốc tế thực sự là nỗ lực rất lớn của những hãng phim, đặc biệt là các hãng phim tư nhân bên cạnh giúp đỡ của Cục Điện ảnh.
Điện ảnh Việt trên các Liên hoan phim quốc tế dù là do các hãng phim tư nhân sản xuất, hay là từ xã hội hóa mà có nhưng mặt bằng chung về chất lượng tăng lên rõ rệt. Cái quan trọng là các nhà làm phim không chỉ chạy theo lợi nhuận mà còn cố gắng đạt đến những giá trị văn hóa.
Tuy nhiên điều tồn tại là điện ảnh Việt vẫn còn thiếu các bộ phim lớn, những bộ phim "đỉnh cao". Hoạt động điện ảnh đã từng bước được chuyên nghiệp hóa, nhưng việc phát lộ những tài năng vẫn là vấn đề khó, không có những tài năng lớn sẽ rất khó có những tác phẩm lớn.
Nhìn lại hành trình Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội từ 2010 đến nay đãcó quy mô hơn, năng lực vị thế không được nâng cao. Dấu ấn của người đứng đầu liên hoan phim rất quan trọng, với tư cách cá nhân cảm xúc của bà như thế nào?
Nhìn chung làm liên hoan phim là vô cùng vất vả, đôi khi "chết đi sống lại", có lúc đã an bài rồi lại trục trặc, đặc biệt là khi làm việc với các nhân vật nổi tiếng thế giới. Đó là thử thách nhưng cũng mang lại hào hứng cho chúng tôi bởi từ các tác phẩm điện ảnh chúng tôi bồi bổ thêm kiến thức, nhưng quan trọng nhất là đưa được hàng chục bộ phim xuất sắc của thế giới tới với khán giả và đồng nghiệp trong thời gian ngắn.
Như đã chia sẻ, liên hoan phim không phải là át chủ bài để làm điện ảnh phát triển vì điện ảnh là một ngành tổng hợp và đòi hỏi nhiều yếu tố, nhưng liên hoan phim được ví như chất xúc tác, như một cú huých để dòng chảy điện ảnh ngày một chuyên nghiệp. Nó cũng là cái đích để người làm điện ảnh hướng đến.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của Bà! Chúc Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V thành công rực rỡ.
(Nguồn: toquoc.vn)