(TTCNTT) - Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 3080/QĐ-BVHTTDL về việc khai quật khảo cổ tại di tích chùa Ngọa Vân, tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, Bộ VHTTDL đồng ý cho phép Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh khai quật khảo cổ tại 03 địa điểm: Cửa Phủ, Đô Kiệu và Thông Đàn thuộc di tích chùa Ngọa Vân, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh trong thời gian từ ngày 25/8/2018 đến ngày 25/02/2019. Tổng diện tích khai quật là 900m2 (trong đó địa điểm Cửa Phủ: 100m2; địa điểm Đô Kiệu: 200m2; địa điểm Thông Đàn: 600m2). Chủ trì khai quật là ông Nguyễn Văn Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Khu di tích chùa Ngọa Vân. Nguồn: captreongoavan.com
Trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Sau khi kết thúc đợt khai quật, chậm nhất 03 (ba) tháng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh phải có báo cáo sơ bộ và sau 01 (một) năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa. Khi công bố kết quả của đợt khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần trao đổi với Cục Di sản văn hóa. Cục Di sản văn hóa có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra đợt khai quật nói trên đúng với nội dung Quyết định.
Chùa Ngọa Vân là một trong 14 điểm thuộc Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2014. Tại đây hiện còn hệ thống nhiều công trình chùa, tháp, bia đá
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)