(TTCNTT) - UBND tỉnh Điện Biên vừa có Tờ trình số 1942/TTr-UBND trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030.
Nội dung của Đề án tập trung nêu lên thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong đó có công tác quản lý Di tích; công tác bảo tồn, tôn tạo; công tác phát huy giá trị di tích.
Mục tiêu của Đề án Bảo tồn, tôn tạo, phục dựng gìn giữ lâu dài di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ nhằm tái hiện lại cơ bản cảnh quan lịch sử, hình ảnh chiến trường tại một số điểm di tích thành phần, tăng tính thuyết phục, hấp dẫn cho di tích, tạo nên một quần thể di tích tương xứng với tầm vóc vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ. Qua đó, tôn vinh ý nghĩa, giá trị và ảnh hưởng mang tầm quốc tế của chiến thắng Điện Biên Phủ; giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người dân đất Việt; thiết thực tri ân các anh hùng liệt sĩ. Tạo ra sản phẩm du lịch mang đậm đặc trưng lịch sử, văn hóa Quốc gia và vùng Tây Bắc, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao; từng bước đưa Điện Biên trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm về du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, tâm linh và nghỉ dưỡng của khu vực Trung du miền núi phía Bắc.
Di tích hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. (Nguồn: Báo Công lý)
Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030 được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đến năm 2020: Tổ chức công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát khoa học hoàn thiện hồ sơ khoa học các di tích thành phần còn thiếu; tổ chức sưu tầm hiện vật; định vị các công trình hay dấu vết chiến tranh tại toàn bộ 45 điểm di tích; tổ chức khoanh vùng cắm mốc, đặt bia, biển giới thiệu tại một số điểm di tích thành phần; đầu tư bổ sung các công trình tôn vinh chiến thắng và tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Giai đoạn 2020 – 2025: Tiếp tục lập hồ sơ khoa học, khoanh vùng cắm mốc, tăng dày mốc cho các điểm di tích; tôn tạo, phục dựng tương đối hoàn chỉnh 25 – 27 điểm di tích thành phần quan trọng (trong tổng số 45 điểm) theo lộ trình ưu tiên phê duyệt. Giai đoạn 2025 – 2030: Tiếp tục thực hiện công tác sưu tầm các tài liệu, hiện vật; hoàn thành việc phục hồi, tôn tạo các điểm di tích; đầu tư một số hạng mục công trình tôn vinh chiến thắng; đưa 100% số điểm di tích thành phần thành điểm tham quan, đủ điều kiện công nhận là điểm du lịch địa phương, tiến tới đề nghị Chính phủ công nhận là điểm du lịch cấp Quốc gia.
Để đạt được các mục tiêu của Đề án, 07 giải pháp chính được đưa ra, gồm: Giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo; giải pháp huy động nguồn lực; xác định nhiệm vụ ưu tiên, phân kỳ đầu tư; tổ chức bộ máy; tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức giá trị các di tích; giải pháp về khoa học, kỹ thuật; hợp tác, liên kết để phục vụ phát triển du lịch.
(Nguồn: toquoc.vn)