6 tháng đầu năm 2018, công tác quản lý nhà nước về thư viện đã có nhiều tín hiệu tốt. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thư viện đã được Quốc hội thông qua, đưa Luật thư viện vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội, việc kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện theo tinh thần và yêu cầu của Nghị quyết 19-NQ/TW đã được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo kịp thời. Nhờ đó, hoạt động sự nghiệp của thư viện đã có những bước chuyển biến lớn, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân tại địa phương, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Điểm sáng của hệ thống thư viện công cộng
Hệ thống thư viện công cộng trong thời gian qua đã triển khai có hiệu quả những chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước trong hoạt động thư viện, tích cực chủ động, sáng tạo triển khai các dịch vụ mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa thư viện.
Nhiều đơn vị, tỉnh/thành trên cả nước đã áp dụng và triển khai các mô hình thư viện, dự án thư viện tiện ích, sáng tạo. Trong đó, nhiều mô hình đã thu hút sự quan tâm rất lớn của bạn đọc ở mọi lứa tuổi, góp phần làm cầu nối tri thức, giúp mọi người dân nâng cao hiểu biết, phục vụ cho cuộc sống thường ngày.
Các thư viện đã tích cực chủ động, sáng tạo triển khai các dịch vụ mới trong thư viện. (Ảnh: Vụ Thư viện cung cấp)
60/63 tỉnh/thành phố và 05 Bộ đã xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Nhiều chương trình, dự án được triển khai hiệu quả như: đổi mới hoạt động cung cấp dịch vụ thư viện đẩy mạnh phục vụ lưu động và luân chuyển sách, báo, đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ thư viện; tăng cường phục vụ thiếu nhi trong dịp hè với những chủ đề như: "Hè vui cùng thư viện 2018”, "cùng đọc sách hay", hè vui khám phá, "thắp sáng ước mơ" cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác.
Bên cạnh đó, các thư viện đã tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị của địa phương nhân các ngày lễ lớn của dân tộc, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền cho văn hóa đọc, khuyến đọc thông qua việc tổ chức các sự kiện văn hóa trong thư viện nhằm hưởng ứng 05 năm Ngày Sách Việt Nam (21/4) và Ngày sách và Bản quyền thế giới (23/4).
Nhờ việc đổi mới trong công tác phục vụ, hoạt động của nhiều thư viện đã có khởi sắc, 6 tháng đầu năm, một số thư viện đã đạt được các chỉ tiêu về lượt bạn đọc của năm đề ra như: Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh... một số thư viện đã có những bước chuyển biến tích cực trong công tác phục vụ bạn đọc với việc tăng cường phục vụ lưu động và luân chuyển sách, báo như: Sơn La, Cà Mau, Hòa Bình, Lạng Sơn...
Tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thư viện
6 tháng vừa qua, ngành thư viện đã tích cực đẩy mạnh triển khai xã hội hóa. Nhiều nguồn lực đến từ sự ủng hộ, quyên góp của các cá nhân, tổ chức được huy động, góp phần hỗ trợ đáng kể về cả vật chất lẫn tinh thần cho ngành.
Hàng năm Thư viện Quốc gia và 63 thư viện tỉnh/thành đã nhận được hàng chục nghìn bản sách do Quỹ Châu Á trao tặng cùng sự tài trợ, giúp đỡ về sách báo của các cơ quan Trung ương như: Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), các nhà xuất bản;…
Mô hình xe thư viện lưu động.
Đặc biệt, vào tháng 4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tập đoàn Vingroup triển khai Dự án “Xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện-ánh sáng tri thức” lần II năm 2018; tổ chức Lễ trao tặng xe ô tô thư viện đa phương tiện và tổ chức tập huấn kỹ năng vận hành và triển khai các dịch vụ phục vụ lưu động cho nhân viên thư viện các tỉnh được tiếp nhận cho 08 thư viện tỉnh: Điện Biên, Lạng Sơn, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Bình, Lâm Đồng, Cà Mau.
Bên cạnh đó, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã phối hợp với Trung Nguyên trao tặng 18.000 bản sách cho các thư viện công cộng trong cả nước (16 thư viện cấp tỉnh và 02 thư viện cấp huyện); Vận động các tổ chức cá nhân tài trợ tặng sách, tư liệu cho các thư viện, xây dựng các Tủ sách cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, như tặng sách cho các trường mang tên Tây Tiến, một số trường ở Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La, Tủ sách tại đền thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Đà Nẵng, 10 thư viện/tủ sách cơ sở khu vực đồng bằng sông Hồng xây dựng 02 phòng đọc, thư viện cho 02 trường liên cấp tại xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình; liên hệ tặng sách của PGS. TS Phạm Tú Châu cho thư viện tỉnh Nam Định,...Ở tại địa phương, các mô hình thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ xuất hiện ngày càng nhiều,…góp phần bổ sung một khối lượng sách/báo, tài liệu đáng kể phục vụ nhu cầu đọc của người dân.
Các hoạt động xã hội hóa được đẩy mạnh tích cực trong 6 tháng vừa qua.
Những kết quả trên có được nhờ vào sự quan tâm của lãnh đạo các cấp cùng sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành. Với những khởi đầu diễn ra rất thuận lợi cùng hiệu quả mà các hoạt động mang lại, chắc chắn rằng, sách/báo và tri thức sẽ từng bước, từng bước phủ sóng ở mỗi địa phương, ngọn lửa văn hóa đọc sẽ ngày càng bùng cháy và tỏa sáng trên khắp mọi miền Tổ quốc.
(Nguồn: cinet.vn)