(TTCNTT) – UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn số 3365/UBND-KGVX gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan, xây dựng Dự thảo Đề án của UBND tỉnh cụ thể hóa các nội dung trong Chương trình hành động quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam gia đoạn 2018-2023, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Biểu diễn Bài Chòi. Ảnh: Báo Quảng Ngãi.
Trước đó, tại buổi lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Bình Định, Bộ VHTTDL đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam gia đoạn 2018-2023, với những nội dung sau: Tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam nhằm bảo vệ và phát huy các truyền thống văn hóa, giáo dục giá trị văn hóa, văn học và nghệ thuật của di sản.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam trong cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương; hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các bài bản cổ, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam trong cuộc sống đương đại.
Tôn vinh các cá nhân, câu lạc bộ, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; có chính sách, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ, trao truyền những giá trị văn hóa của di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam.
Ngoài ra, tăng cường các hình thức giáo dục phù hợp trong và ngoài trường học để truyền dạy và giáo dục thẩm mỹ, cảm thụ Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam cho thế hệ trẻ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam dưới nhiều hình thức tới công chúng trong và ngoài nước, gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững.
(Nguồn: toquoc.vn)