(TTCNTT)- Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán và Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế đã phối hợp tổ chức triển lãm “Di sản tượng thờ Phật giáo trong quá trình tiếp biến văn hóa ở miền Trung”.
Như chúng ta đã biết, tiếp biến văn hóa là một hiện tượng mang tính phổ quát và đặc thù, đã góp phần tạo nên những dấu ấn lịch sử và chân dung văn hóa của dải đất miền Trung, từ chiều sâu quá khứ cho đến hiện tại. Đối với đạo Phật, khi du nhập vào các nước đã hòa nhập với tôn giáo, tín ngưỡng bản địa để hình thành nên đặc trưng văn hóa Phật giáo mang sắc thái riêng của mỗi vùng, miền, được cụ thể hóa thông qua các công trình kiến trúc tôn giáo và nghệ thuật điêu khắc tượng thờ. Ngoài những đặc trưng chính nêu trên, di sản văn hóa Phật giáo còn để lại nhiều hiện vật liên quan đến lễ nghi thờ cúng như: tượng phật, pháp khí và pháp phục...
Một số hình ảnh trưng bày tại triển lãm. Nguồn: phatgiaohue.vn
Với 54 hình ảnh, hiện vật được trưng bày, triển lãm nhằm mang đến một cái nhìn cụ thể và sinh động về quá trình tiếp biến văn hóa giữa cộng đồng di cư và người tiền trú, giữa người Việt và Chăm, giữa dân gian và cung đình, giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, giữa Ấn Độ và Trung Hoa… Qua đó tạo điều kiện giúp cộng đồng tiếp cận, tìm hiểu giá trị các loại hình di sản Văn hóa Phật giáo. Đồng thời gợi mở, khảo sát lại các vấn đề nghiên cứu các di sản văn hóa truyền thống nói chung và di sản văn hóa Phật giáo nói riêng, đặt cơ sở cho công tác tuyên truyền, nhân rộng ý thức và trách nhiệm đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện nay.
(Nguồn: toquoc.vn)