SharePoint
Liên kết web
 
 

Chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội chọi trâu

23/05/2018 17:31
(TTCNTT)- Từ đầu mùa lễ hội 2018 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội trên địa các tỉnh/thành phố. Trong đó có Hội chọi trâu xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Nhiều văn bản được ban hành

Ngày từ đầu mùa lễ hội 2018, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 87/VHCS-QLHĐLH ngày 13/2 gửi Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ yêu cầu tăng cường giám sát công tác quản lý và tổ chức đối với các lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với Hội chọi trâu xã Phù Ninh, cần tiến hành rà soát, kiểm tra hồ sơ về nguồn gốc, quy trình tổ chức hội chọi trâu đảm bảo thực hành đúng nghi lễ truyền thống, quy mô tổ chức; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và lợi ích cá nhân.

Đặc biệt, Ban tổ chức (BTC) lễ hội phải có phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia hội; có hàng rào kiên cố ở khu vực chọi trâu và các phương tiện chuyên dụng để phòng ngừa, xử lý những tình huống phát sinh trong tổ chức lễ hội. Kiểm soát, ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời các hiện tượng cá cược xảy ra trong lễ hội; quy định chặt chẽ trách nhiệm đối với BTC, chủ trâu, người tham gia hội.

Tiếp sau công văn số 87/VHCS-QLHĐLH, ngày 20/2, Bộ VHTTDL đã có công văn hỏa tốc gửi Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ yêu cầu siết chặt công tác tổ chức đối với Hội Chọi trâu xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ). Tại công văn hỏa tốc, Bộ VHTTDL tiếp tục đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ tiến hành kiểm tra, rà soát công tác tổ chức hội chọi trâu xã Phù Ninh đảm bảo đúng theo hồ sơ đã được phục dựng và cấp phép, bao gồm các nội dung nghi lễ truyền thống, quy mô tổ chức, số lượng trâu chọi. Các hoạt động của hội chọi trâu phải do BTC trực tiếp chỉ đạo, tổ chức và thực hiện theo quy định tại Điều lệ (quy chế) tổ chức hội chọi trâu. Công văn cũng nêu rõ: “Không giao cho các doanh nghiệp, cá nhân tổ chức chọi trâu”.

Đặc biệt, tại công văn này, Bộ VHTTDL yêu cầu BTC hội không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội. Trong trường hợp có hiện tượng nêu trên phải kịp thời xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VHTTDL và quảng cáo. Trường hợp công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội không thực hiện đúng theo những nội dung nêu trên, Cục Văn hoá cơ sở đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ yêu cầu tạm dừng việc tổ chức Hội chọi trâu xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh năm 2018 theo thẩm quyền.

Lễ hội chọi trâu đang bị thương mại hóa làm mất bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp. Ảnh:dulichphutho.com.vn

 Phải đổi mới công tác tổ chức

Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ VHTTDL, có thể thấy, công tác quản lý và tổ chức lễ hội xuân Mậu Tuất năm 2018 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có sự chuyển biến tích cực, các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, thiết thực, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tham gia lễ hội của nhân dân và du khách. Tuy nhiên, công tác quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn một số hạn chế như hiện tượng chen lấn, xô đẩy, tranh phết tại Lễ hội Phết xã Hiền Quan, huyện Tam Nông; công tác an toàn cho người tham gia lễ hội, vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo tại Hội chọi trâu xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh; Lễ hội cầu trâu, xã Hương Nha và xã Xuân Quang, huyện Tam Nông còn tập tục đập đầu trâu trái với truyền thông yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam.

Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20 tháng 2 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong năm 2018 và những năm tiếp theo diễn ra an toan, đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, Bộ VHTTDL có công văn số 1893/BVHTTDL-VHCS gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện một số giải pháp về việc tổ chức Hội chọi trâu xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh.

Theo đó, Bộ VHTTDL đề nghị xây dựng Đề án đổi mới công tác tổ chức và quản lý phù hợp với nguồn gốc lịch sử văn hóa truyền thống của lễ hội; giảm số lượng trâu chọi, mỗi thôn, làng có một trâu tham gia chọi; không tổ chức vòng loại, chỉ tổ chức 01 vòng thi chọi trâu duy nhất vào ngày tổ chức Hội; không bán vé thu tiền vào lễ hội; quy định chặt chẽ trách nhiệm của BTC, chủ trâu và người tham gia lễ hội.

Đồng thời, có phương án đảm bảo an ninh, trật tự an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội; xây dựng hàng rào kiên cố khu vực chọi trâu và có phương tiện chuyên dụng để phòng ngừa, xử lý những tình huống phát sinh trong tổ chức lễ hội; kiểm soát và ngăn chặn tiêm chất kích thích cho trâu chọi; ngăn chặn các hiện tượng cá cược; đảm bảo vệ sinh môi trưòng trong lễ hội.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử và các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ hội; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, văn minh tiến bộ; vận động chủ trâu không giết mổ trâu chọi sau trận đấu.

Đặc biệt, trong trường hợp không đủ các tài liệu để chứng minh đây là Hội truyền thống và tổ chức Hội chưa mang lại những giá trị giáo dục truyền thống văn hóa cho cộng đồng, Bộ VHTTDL đề nghị tạm dừng tổ chức lễ hội chọi trâu trên.

Lễ hội chọi trâu là những nghi lễ truyền thống lâu đời, tốt đẹp gắn liền với đời sống tâm linh của người dân. Đây là hoạt động văn hóa tâm linh theo tục lệ hiến sinh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… Qua lễ hội, người dân nhằm tạ ơn thành hoàng làng đã che chở cho họ trước những khó khăn, vất vả; cầu cho một mùa cá mới bội thu... Tuy nhiên, không chỉ riêng có Hội chọi trâu xã Phù Ninh, mà ngay cả Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), Lễ hội chọi trâu Hàm Yên tại huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý và tổ chức, chưa đáp ứng với đặc điểm, tính chất lễ hội; việc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội chưa nghiêm; có biểu hiện của tình trạng thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi, cá cược…

Để các lễ hội trở về đúng giá trị truyền thống thực sự của nó, cần có sự chủ động vào cuộc hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Trong đó, quan trọng nhất là tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân tham gia lễ hội, khơi dậy giá trị nhân văn, hướng thiện, không chạy theo lợi ích vật chất ở lễ hội. Bên cạnh đó, làm tốt công tác phân công, phân cấp quản lý lễ hội, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng... thì mới có thể đảm bảo để lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh.

(Nguồn: cinet.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây