Cùng dự cuộc làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình.
Thay mặt Ban cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Lê Khánh Hải, Bí thư Đảng ủy đã báo cáo đoàn công tác về kết quả thực hiện: Nghị quyết: Số 23-NQ/TW ngày 19/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Toàn cảnh buổi làm việc
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá Nghị quyết 23-NQ/TW được ban hành đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với văn học nghệ thuật nước nhà, tạo tâm lý phấn khởi, có sức động viên to lớn với đội ngũ văn nghệ sỹ. Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các cấp ủy, đơn vị tích cực thực hiện kế hoạch tuyên truyền phổ biến Nghị quyết trong hệ thống chính trị. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành từng bước được hoàn thiện, tác động sâu rộng đến đời sống nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật được thực hiện có hiệu lực, hiệu quả, tạo môi trường hoạt động văn hóa nghệ thuật lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân. Nhưng cho đến nay, hệ thống văn bản và chính sách quản lý, hỗ trợ của nhà nước đã bộc lộ nhiều hạn chế, cần được sửa đổi. Một số chính sách về đầu tư kinh phí cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật còn chưa đúng tầm, bất cập về tiến độ ở nhiều ngành, cấp. Mặt khác, hoạt động văn hóa nghệ thuật tuy có chuyển biến nhưng chưa đồng bộ giữa các khâu sáng tác, phổ biến, lưu giữ tác phẩm. Loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là sân khấu truyền thống đang bị khủng hoảng lực lượng sáng tạo (biên kịch, đạo diễn). Việc huy động nguồn lực phục vụ hoạt động văn hóa nghệ thuật ở nhiều địa phương khó khăn, chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa nghệ thuật giữa đô thị với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn cách biệt…
Về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014. Trên cơ sở đó Bộ ban hành kế hoạch, chương trình hành động của ngành, trong đó có 29 đề án, nhiệm vụ cụ thể, đến nay đã hoàn thành 10 nhiệm vụ, đang thực hiện 15 nhiệm vụ. Việc bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa được quan tâm, triển khai sâu rộng ở cơ sở, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ổn định. Bộ cũng triển khai đặt hàng nghiên cứu khoa học “Xây dựng hệ giá trị con người, đạo đức lối sống, các chuẩn mực về ứng xử văn hóa góp phần ngăn chặn xuống cấp đạo đức, khắc phục những mặt còn hạn chế của con người Việt Nam”. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính của Bộ được quan tâm và triển khai tích cực. Kết quả cải cách hành chính của Bộ đạt 80,57 điểm, xếp thứ 7/19 Bộ, cơ quan ngang bộ…
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ưỡng Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Ban cán sự đảng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn coi trọng và triển khai nghiêm túc công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 gắn với Chỉ thị 05-CT/TW. Hầu hết cấp ủy viên các cấp thuộc Đảng bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết TW 4. Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Đảng ủy Bộ thực hiện tốt 3 nhóm giải pháp về: Tăng cường công tác giáo dục chính trị; tổ chức xây dựng Đảng, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tăng cường công tác kiểm tra giám sát và thi hành kỷ luật đảng…
Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng báo cáo đoàn công tác về một số vấn đề dư luận xã hội quan tâm như: Phong tặng danh hiệu Nghệ nhân, Nghệ sỹ, xét trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật; quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn; quản lý hoạt động quảng cáo; quản lý sách và thư viện; quản lý và tổ chức lễ hội, Mỹ thuật nhiếp ảnh, triển lãm; Điện ảnh…
Các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Vương Duy Biên, Trịnh Thị Thủy, Đặng Thị Bích Liên cũng đã nêu một số vấn đề còn khó khăn, cần sự quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ như vấn đề quản lý hoạt động thi người đẹp, hoa hậu; đầu tư bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số; không mở rộng, nâng cấp quy mô lễ hội…
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình khẳng định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả nhất định. Gần đây là các thành tựu về du lịch, thể thao, trong quản lý lễ hội và trong nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước đang chuyển đổi, đặt ra nhiều vấn đề như giữ gìn bản sắc văn hóa trong hội nhập quốc tế mạnh mẽ, phát triển du lịch nhưng gắn với bảo tồn văn hóa, quản lý lễ hội để tránh các hiện tượng mê tín, thương mại hóa… đòi hỏi những người làm công tác quản lý văn hóa phải nghiên cứu, sâu sát với thực tiễn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với chức năng quản lý một lĩnh vực rộng, đa ngành, khối lượng công việc vô cùng nhiều và nhạy cảm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc
Phó Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, công tác quản lý nhà nước về văn hóa cần được quan tâm nhiều hơn. Hiện nay, vẫn còn không ít bất cập, những vấn đề cần sự tháo gỡ ở tầm vĩ mô và có tính đột phá. Thực trạng đạo đức xã hội đang có những biểu hiện rất đang lo ngại. Đồng tiền và lợi ích vật chất đang chi phối nhiều trong xã hội, hoàn toàn trái ngược với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đây là trách nhiệm chung của xã hội nhưng cũng có trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phó Thủ tướng cho rằng, Đảng xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, là động lực của phát triển... nhưng trong xã hội, nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa còn chưa tương xứng với vị trí, vai trò. Từ đó, những bất cập ngày càng gia tăng nếu không có hành động mạnh mẽ, quyết liệt.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đánh giá cao kết qủa mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện được trong triển khai chủ trương, nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết 23, Nghị quyết 33.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, lĩnh vực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý rất đa dạng, rộng lớn, ảnh hưởng tới đời sống tinh thần xã hội. Bởi vậy, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cán bộ, nhân viên cần nỗ lực hơn nữa để thực hiện tốt nhiệm vụ đã nêu trong các Nghị quyết.
Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng yêu cầu Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm chỉ đạo, xây dựng nguồn nhân lực từng bước đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc
Thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm tốt một số nhiệm vụ: Lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Nghị quyết 33, Chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó, chú ý những vấn đề trọng tâm để thực hiện chống xuống cấp đạo đức xã hội.
Trưởng Ban Võ Văn Thưởng cho rằng, thực hiện tinh thần của Nghị quyết 23, Bộ VHTTDL nghiên cứu đề xuất những giải pháp để tiếp tục phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà trong đó, cần thông thoáng trong quản lý, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Nghiên cứu để thu hút, khuyến khích xã hội đầu tư vào văn học nghệ thuật. Bên cạnh đó, cần đặt hàng những tác phẩm truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. “Vai trò của nghệ sĩ là rất quan trọng, vì văn học nghệ thuật là phương tiện chuyển tải tư tưởng, tinh thần. Cần có cơ chế cổ vũ những tác phẩm đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực trong bối cảnh hiện nay”- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhận định.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại buổi làm việc
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng yêu cầu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu tình hình mới; Phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, đầu tư mở rộng trong phạm vi cho phép; Tăng cường cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế gắn với đổi mới, nâng cao năng lực, phương pháp công tác của cán bộ.
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Ủy Ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, Lãnh đạo Bộ VHTTDL sẽ đưa những ý kiến chỉ đạo vào quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của ngành.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng mong muốn Chính phủ, Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tiếp tục quan tâm, ủng hộ Bộ VHTTDL trong công tác quản lý của ngành trong thời gian tới. “Bộ VHTTDL sẽ tham mưu để từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, báo cáo đề xuất những vấn đề phát sinh, chỉ đạo điều hành các hoạt động của ngành tuân thủ pháp luật nhưng không xa rời thực tiễn. Trong quá trình quản lý nhà nước ở lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Lãnh đạo Bộ luôn nhận thức quản lý nhưng phải tạo điều kiện cho xã hội phát triển”- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)