Môi trường của một số di tích đang bị đe dọa bởi sự biến đổi của khí hậu và nhận thức của người dân khi tham gia, xin Cục trưởng cho biết về thực trạng nêu trên, cũng như chủ trương, biện pháp của Ngành văn hóa trong việc bảo vệ môi trường các di tích?
Trong xu thế toàn cầu chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (như nước biển dâng, biên độ giao động nhiệt bất thường…) thì mọi không gian, cảnh quan, vật kiến trúc… do những yếu tố khách quan đều bị tác động hoặc bị đe dọa ở những mức độ khác nhau, trong đó có một số các di tích tọa lạc ở khu vực như ven sông, ven biển.
Ảnh minh họa. Ảnh Nam Nguyễn
Cũng phải thừa nhận rằng, ở một số di tích khi diễn ra lễ hội còn để xảy ra những hiện tượng gây ảnh hưởng đến môi trường như bỏ rác không đúng nơi quy định, đốt nhiều vàng mã gây khói bụi, du khách đến di tích với trang phục phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục..., những điều đó chủ yếu xuất phát từ nhận thức về lễ hội hay ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của một số cá nhân khi tham gia lễ hội hoặc do công tác tổ chức. Trên thực tế, hầu hết các ban/tiểu ban quản lý di tích ở các địa phương đều có kế hoạch tổ chức, chủ động tuyên truyền và có trang bị các thiết bị kỹ thuật phục vụ việc bảo vệ môi trường (thường xuyên và trong những ngày diễn ra lễ hội) theo quy định và yêu cầu của ngành, của địa phương . Có thể nêu một số ví dụ, cũng là giải pháp mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp thực hiện trong thời gian qua:
Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT ngày 30/12/2013về hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ phát huy giá trị di tích.
Ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2015 quy định về tổ chức lễ hội, trong đó có Điều 8 (Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội) và Điều 12 (Đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông trong lễ hội).
Ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường (Quyết định số 4666/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2015) và hoàn thiện đề tài khoa học Xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều có văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ đối với các di tích, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán và thời gian có hoạt động lễ hội… và một số các văn bản chỉ đạo theo tình hình thực tế.
Đánh giá về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống năm 2017, theo Cục trưởng còn những tồn tại và hạn chế gì ?
Năm 2017, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống đã đạt được những kết quả nhất định. Riêng năm 2017 và đầu năm 2018, đã có thêm 28 di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình lễ hội truyền thống được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nâng số di sản văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống lên con số 96 trong tổng số 248 di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình trong Danh mục. Các tỉnh, thành phố có di sản được ghi danh đã xây dựng và triển khai các kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị với sự tham gia chủ động của cộng đồng, chính quyền địa phương các cấp. Lễ hội truyền thống đang ngày càng góp phần quan trọng vào việc xây dựng đời sống văn hóa và đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng chủ thể di sản và khách thập phương,...
Tuy nhiên, vẫn còn những hiện tượng bất cập, hạn chế tại một số lễ hội truyền thống, do:
Một bộ phận du khách chưa nhận thức đầy đủ nội dung, ý nghĩa và giá trị của lễ hội nói chung và từng lễ hội nói riêng, nên còn có một số biểu hiện phản cảm.
Năng lực quản lý và tổ chức lễ hội ở một số địa phương còn hạn chế, công tác truyền thông về giá trị lễ hội chưa tốt nên còn một bộ phận khách tham quan chưa có thái độ trân trọng và trang nghiêm khi tham dự lễ hội, dẫn đến những hành động trái với thuần phong mỹ tục và với quy định của ban tổ chức lễ hội, vi phạm quy chế bảo vệ di tích.
Nhận thức của chủ thể về lễ hội chưa đầy đủ làm sai lệch giá trị lễ hội truyền thống để một số cá nhân, nhóm người lợi dụng lễ hội truyền thống thực hiện những hành vi mang tính thương mại hóa, mê tín dị đoan vì mục đích tư lợi.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đó, với tư cách là cơ quan quản lý, Cục Di sản văn hóa đã có những kế hoạch và những biện pháp gì thưa Cục trưởng?
Ảnh minh họa. Ảnh Nam Nguyễn
Thứ nhất là, đã tăng cường hoạt động tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân nhận thức đầy đủ hơn nội dung, ý nghĩa và giá trị của lễ hội.
Việc này đã được Cục Di sản văn hóa thường xuyên thực hiện trong những năm qua, thông qua các hội nghị hội thảo tập huấn của ngành hàng năm dành cho đối tượng là các Trưởng ban quản lý di tích, Giám đốc bảo tàng; đồng thời, cử cán bộ Cục tham gia giảng bài, trao đổi tại các khóa tập huấn ngắn hạn về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa do các địa phương tổ chức.
Thứ hai là, đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản yêu cầu các địa phương kiện toàn bộ máy quản lý di tích, qua đó có thể tổ chức tốt hơn hoạt động lễ hội để hướng đến mục đích tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Thứ ba là, đã phối hợp với Thanh tra Bộ và Cục Văn hóa cơ sở kiểm tra các lễ hội, nhất là các lễ hội được xác định là "điểm nóng" trong nhiều năm qua.
Và như đề cập trên đây (Câu 1), Cục Di sản văn hóa và các cơ quan tham mưu của Bộ, đặc biệt là Cục Văn hóa cơ sở, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường… đã tham mưu Bộ ban hành các văn bản để điều chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong di tích, về thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội và những hành vi làm sai lệch giá trị lễ hội truyền thống, thương mại hóa, mê tín dị đoan vì mục đích tư lợi./.
Từ năm 2016, Hội Báo Xuân toàn quốc 5 năm một lần được thay thế bằng Hội Báo toàn quốc hàng năm. Năm nay là năm thứ ba, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ VHTTDL, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội Báo toàn quốc 2018.
(Nguồn: cinet.vn)