SharePoint
Liên kết web
 
 

Văn hóa phải trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc

21/01/2018 14:40
(TTCNTT) - Văn hóa của mỗi quốc gia là cốt lõi của sức mạnh mềm (quyền lực mềm) và được coi là yếu tố có vai trò quyết định sức mạnh và vị thế quốc gia. Việc gia tăng sức mạnh này là chiến lược quan trọng để hoàn thành nhiều mục tiêu lớn, trong đó có nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

Đảng ta đã nêu lên định hướng về văn hóa với nội hàm toàn diện, sâu sắc: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ “Văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”…

Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, Việt Nam đã và đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi phải có những đối sách mang tính chiến lược và chủ động để phát huy hiệu quả sức mạnh văn hóa của dân tộc. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy về câu chuyện này.

+ Thưa Thứ trưởng, Đảng và Nhà nước ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển… Thứ trưởng có thể cho biết, sức mạnh mềm của Việt Nam là những yếu tố nào cũng như vai trò của sức mạnh mềm ấy trong đối ngoại?

- Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã đề ra nhiều đường lối, chủ trương, chính sách về văn hóa, được thể hiện thông qua các chỉ thị, nghị quyết, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” … góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách của con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Văn hóa biểu hiện sức sống, sức sáng tạo, sức mạnh tiềm tàng và vị thế, tầm vóc dân tộc. Thực tế đã chứng minh, một quốc gia muốn phát triển bền vững, ngoài dựa vào các “yếu tố cứng” như tài nguyên thiên nhiên, tiền vốn, cơ sở vật chất…thì cần phải biết tận dụng, khai thác “yếu tố mềm”, đó chính là nguồn nhân lực con người với vai trò là nhân cách văn hóa năng động, sáng tạo nhất, đóng góp quyết định nhất đến sự hùng mạnh, phồn vinh của xã hội. Hay nói cách khác, văn hóa là một “nguồn lực mềm” làm động lực và đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển và làm “hài hòa hóa” các mối quan hệ xã hội và “lành mạnh hóa” môi trường xã hội.

Văn hóa đang được Đảng, Nhà nước quan tâm đúng mức trong các chính sách kinh tế - xã hội. Ảnh: Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng hòa vào điệu nhảy truyền thống của dân tộc Tà Ôi (đến từ huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Tổ Quốc

Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn của đất nước trong thời kỳ mới hội nhập quốc tế, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 210/QĐ-TTg ngày 8 tháng 2 năm 2015 phê duyệt Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định văn hóa đối ngoại được thực hiện bởi mọi tầng lớp xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và xây dựng thông điệp, hình ảnh quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

Nền văn hóa Việt Nam được xác định là đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại. Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là sự kết tinh những giá trị độc đáo, tốt đẹp về ngôn ngữ, lịch sử, nền sản xuất, nếp sống, tính cách và những truyền thống đáng quý của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Đây là nền tảng, là cốt lõi của nền văn hóa dân tộc, khẳng định giá trị của dân tộc mình, tạo nên nét riêng trong toàn bộ văn hóa nhân loại, để ta “hòa nhập” mà không “hòa tan”. Bên cạnh đó, văn hóa dân tộc phải tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nhất là trong thời đại nền văn minh trí tuệ phát triển cao và sự giao lưu toàn cầu về mọi mặt diễn ra rất mạnh mẽ. Có tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, thì mới làm giàu thêm nền văn hóa của dân tộc mình, tạo điều kiện tốt để phát triển và hội nhập quốc tế. Đấy cũng là một quy luật để tồn tại và phát triển.

+ Theo Thứ trưởng, chúng ta đã đạt được những thành quả gì từ việc xác định văn hóa là mục tiêu, là động lực của phát triển?

- Văn hóa đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đúng mức trong các chính sách kinh tế - xã hội; quan hệ biện chứng giữa văn hóa với con người và những đặc trưng của văn hóa, đặc tính của con người Việt Nam được xác định đầy đủ hơn; vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và trách nhiệm của các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, đặc biệt của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa được đề cao.

Hệ thống thể chế, thiết chế văn hóa từng bước được tăng cường. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từng vùng, miền được kế thừa và có bước khởi sắc, nhất là trong điều kiện hội nhập, giao lưu văn hóa với thế giới. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, tôn tạo; xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng mở rộng. Văn học, nghệ thuật có bước phát triển mới; nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống được quan tâm đầu tư gìn giữ; nhiều tác phẩm về đề tài cách mạng và kháng chiến, về công cuộc đổi mới có chất lượng tốt. Truyền thông đại chúng phát triển nhanh cả về loại hình, quy mô, lực lượng, phương tiện và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống xã hội. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã khơi dậy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng; giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa có nhiều sắc thái mới…

Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, bước đầu hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên.

+ Mặc dù xác định văn hóa là mục tiêu, là động lực phát triển, nhưng trên thực tế, nhận thức về vai trò của văn hóa và đầu tư cho văn hóa vẫn chưa tương xứng. Thứ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?
- Ở một số địa phương, so với các lĩnh vực khác, việc đầu tư phát triển và thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải. Điều đó đã làm cho “đời sống văn hóa, tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Đáng chú ý là, “hệ thống thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ.

Những giá trị văn hóa truyền thống như tinh thần nhân ái nhân văn, sự tôn trọng gia đình, huyết thống… cũng đang có biểu hiện rạn vỡ, để lại nhiều "vết thương" trong lòng xã hội. Và không thể nói điều này không liên quan đến việc du nhập, tiếp thu một cách thiếu chọn lọc những quan điểm, lối sống từ nhiều nền văn hóa khác nhau trong quá trình hội nhập. Tiếp thu văn hóa nhân loại trên cơ sở những giá trị nền tảng của con người, của truyền thống văn hiến và luôn có sự linh hoạt, sáng tạo nên văn hóa Việt Nam không bị hòa tan bởi những cuộc xâm lăng văn hóa trong quá khứ. Và điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ văn hóa truyền thống Việt Nam, tinh thần nhân văn Việt Nam trước những cuộc "đụng độ" văn hóa ngày càng khốc liệt hiện nay.

+ Theo Thứ trưởng, chúng ta cần những giải pháp gì để giữ gìn được bản sắc văn hóa trong bối cảnh hội nhập?

- Phát triển xã hội luôn cần đến một hệ thống các nguồn lực khác nhau, như tài nguyên thiên nhiên, vốn, lao động... Trong đó, con người thể hiện như một nguồn tài nguyên quý giá nhất, con người trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất đối với sự phát triển bền vững. Bởi vậy, đầu tư cho giáo dục con người là một trong những giải pháp quan trọng để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Việt. Chỉ khi nào chúng ta có được con người Việt Nam toàn diện, khi ấy chúng ta mới đủ bản lĩnh để chủ động hội nhập.
Tôi nói chủ động hội nhập, bởi chỉ có chủ động ta mới không bị hòa tan trong tiến trình hội nhập quốc tế đồng thời rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới. Chủ động hội nhập - chủ động để khai thác nhiều nhất những giá trị lợi ích cho đất nước, cho dân tộc và hạn chế đến mức thấp nhất những thách thức, tiêu cực có thể nảy sinh.

+ Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn Bản tin Tham khảo VHTTDL Quốc tế số đặc biệt 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây