Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, năm 2017, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra.
Trong Nghiên cứu, sưu tầm, Bảo tàng đã khảo sát các di tích văn hóa Óc Eo, Cát Tiên, Sa Huỳnh, Chăm pa và tàu đắm ở Quảng Ngãi; mộ thuyền, mộ gạch Hải Phòng… Bảo tàng sẽ tiếp tục khảo sát và chuẩn bị các thủ tục khai quật khảo cổ học di tích Hải Vân Quan (Thừa Thiên Huế), di tích Luy Lâu (Bắc Ninh)… Sưu tầm hơn 200 ảnh, tài liệu hiện vật; 337 ảnh, tài liệu hiện vật do tổ chức cá nhân hiến tặng.
Tổ chức thành công 9 trưng bày chuyên đề, trong đó có 02 trưng bày chuyên đề được tổ chức ở nước ngoài (Đức, Hàn Quốc); Hoàn thành việc chỉnh lý về nội dung, thiết kế mỹ thuật, thiết kế phần mềm tra cứu, lập danh mục 36 danh nhân Việt Nam…
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại Hội nghị
Năm 2017, Bảo tàng đã đón gần 270 ngàn lượt khách tham quan, tăng 8% so với năm 2016. Công tác hướng dẫn khách tham quan luôn được quan tâm, thực hiện tốt; đội ngũ hướng dẫn viên không ngừng được kiện toàn, nâng cao chất lượng. Tổng số khách được hướng dẫn tham quan Bảo tàng năm 2017 là 882 đoàn, tăng 185 đoàn so với năm 2016.
Bảo tàng cũng đã thực hiện số hóa 1485 hiện vật, 10.433 ảnh phục vụ công tác chuyên môn, hoàn thiện danh mục hồ sơ hiện vật, giá trị bảo hiểm hiện vật; lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đợt 6. Năm 2017, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Ấn Ngọc tỷ Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh (niên đại 1847) là Bảo vật quốc gia, nâng tổng số Bảo vật quốc gia của Bảo tàng lên 19 hiện vật.
Bên cạnh đó, các công tác: Chính trị, tư tưởng; quản lý, điều hành; Nghiên cứu khoa học; Hành chính, tổ chức, kỹ thuật công nghệ và an ninh bảo vệ; công tác kế hoạch tài chính... cũng được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thực hiện tốt.
Thứ trưởng trao tặng Bằng khen Chiến sĩ Thi đua cấp Bộ
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được của tập thể Lãnh đạo, đội ngũ nhân viên, người lao động Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong năm qua. Thứ trưởng cho rằng, năm 2017, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã hoàn thành đề án vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ sau Nghị định 76 của Chính phủ, bổ sung điều chỉnh quy chế làm việc; thành lập được Trung tâm khảo cổ; Công tác bảo quản hiệt vật, Công tác marketing được chú trọng; Công tác truyền thông, đặc biệt là hợp tác quốc tế để tổ chức các triển lãm đã đạt được nhiều thành công.
Thứ trưởng cho rằng, những thành tích của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam có đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm qua.
Thứ trưởng yêu cầu, trong năm 2018, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cần tập trung hưởng ứng phong trào đi đua của ngành, trong đó, nội dung thi đua phải sát với thực tế, có chỉ tiêu, áp dụng cho từng vị trí, bộ phận rõ ràng để tạo hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, đội ngũ lãnh đạo, nhân viên, người lao động của Bảo tàng cần tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả đề án vị trí việc làm. Làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí việc làm, gắn với đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Toàn cảnh Hội nghị
Thứ trưởng lưu ý việc hoàn thành hệ thống thông tin điện tử phục vụ khách tham qua, số hóa các hình ảnh hiện vật; áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào công tác bảo quản hiện vật. Đặc biệt, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho rằng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cần đẩy mạnh hơn nữa công tác hợp tác quốc tế, trong đó tích cực trao lưu, trao đổi, học tập nâng cao trình độ đội ngũ nhân viên Bảo tàng, tổ chức các triển lãm về di sản văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Thứ trưởng cho rằng, đó là cách thiết thực nhất để giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam, đem lại giá trị kinh tế từ văn hóa./.
(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)