SharePoint
Liên kết web
 
 

Cần đoàn kết, thống nhất xây dựng nền điện ảnh Việt Nam

28/12/2017 09:44
(TTCNTT) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Vương Duy Biên tại Hội nghị tổng kết công tác điện ảnh năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Cục Điện ảnh tổ chức sáng 28/12/2017.

Đánh dấu những bước thay đổi 

Báo cáo khái quát tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2017, TS. Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: Năm 2017 đánh dấu những bước thay đổi của ngành điện ảnh khi một số cơ chế chính sách, văn bản được triển khai và tiếp tục thực hiện  như: Thông tư số 12/2015/TT-BVHTTDL sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim ban hành kèm theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BVHTTDL; công tác cổ phần hóa các daonh nghiệp Nhà nước; triển khai Quyết định số 586/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn”.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Gia Linh

Trong đó, việc vận hành, thực hiện Thông tư số 12/2015/TT-BVHTTDL (thông tư về phân loại phim theo độ tuổi) trơn chu đã tạo nên những hiệu quả tích cực, góp phần mở rộng cho những sáng tạo trong sáng tác các tác phẩm điện ảnh. Tính đến 22/12/2017, Cục Điện ảnh đã thẩm định và phân loại để cấp giấy phép phổ biến: 104 phim Việt Nam và 265 phim nước ngoài trong đó có khoảng 30 phim nước ngoài không được cấp phép phổ biến.

Năm 2017, cả nước có khoảng 740 phòng chiếu phim với số lượng hơn 111.000 ghế, ước tính doanh thu chiếu phim đạt 3.250 tỷ đồng thu hút hơn 45 triệu lượt khán giả đến rạp xem phim. Cả nước hiện có 6 cơ sở phát hành và phổ biến phim của Việt Nam và 03 cơ sở phát hành và phổ biến phim liên doanh với nước ngoài.

Tính đến 20/12/2017, Cục Điện ảnh đã giám định 40 kịch bản phim tài liệu và phim khoa học, 33 kịch bản phim hoạt hình. Cục đã nhận được 19 kịch bản phim truyện do các đơn vị sản xuất gửi tham dự tuyển chọn kịch bản sản xuất phim từ ngân sách nhà nước; giám định 21 kịch bản phim truyện có yếu tố nước ngoài.

Với những nỗ lực lớn, cùng với sự hỗ trợ của nhiều đơn vị trong ngành, Cục Điện ảnh đã giải quyết cơ bản một số vướng mắc trong quy trình thẩm định và cấp vốn sản xuất phim đặt hàng và hoàn thành tốt các nhiệm vụ quan trọng như:  tổ chức các đợt phim Kỷ niệm các ngày lễ lớn, phục vụ nhiệm vụ chính trị; tổ chức thành công các hoạt động quảng bá điện ảnh tại nước ngoài với nguồn kinh phí chủ yếu từ xã hội hóa, đặc biệt Cục Điện ảnh phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thành công Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XX và trao Giải thưởng Phim ASEAN lần thứ I tại thành phố Đà Nẵng.

Ngành điện ảnh đứng trước nhiều khó khăn

Thứ trưởng Vương Duy Biên kết luận Hội nghị. Ảnh: Gia Linh

Tuy nhiên, ngành Điện ảnh Việt Nam cũng đang đứng trước không ít khó khăn. Cụ thể như phim nước ngoài chiếm lĩnh phần lớn thị phần chiếu phim tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, phim do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất vừa ít về số lượng, vừa không đồng đều về chất lượng nội dung, nghệ thuật và kỹ thuật, phải đối đầu với cuộc canh tranh không cân sức (đến năm 2016 phim Việt Nam chỉ chiếm 25% thị phần). Bên cạnh đó, còn có sự cạnh tranh không lành mạnh bằng các đơn phương giảm giá vé xem phim của các doanh nghiệp nước ngoài nắm thị phần lớn về nhập khẩu phim và hệ thống rạp chiếu phim đối với các đơn vị trong nước. 

Công cuộc cổ phần hóa một số doanh nghiệp sản xuất phim và phát hành trực thuộc Bộ VHTTDL, mà cụ thể là việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đã tạo ra dư luận trái chiều. Vấn đề thiếu ngân sách hoạt động đối ngoại và quảng bá điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài cũng đặt ra những khó khăn lớn đối với Cục Điện ảnh.

Về phương hướng nhiệm vụ trong năm 2018, Cục trưởng Ngô Phương Lan cho biết sẽ tập trung vào việc xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) làm căn cứ pháp lý giải quyết nhiều vướng mắc hiện nay trong lĩnh vực này. Đồng thời tăng cường cải cách hành chính, thực hiện hiệu quả các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử; tăng cường xã hội hóa, phối hợp tổ chức tốt Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V và các Tuần phim Việt Nam ở nước ngoài; phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị… và các hoạt động hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập Ngành điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Vương Duy Biên đánh giá cao những kết quả ngành đạt được năm qua. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Muốn nâng tầm điện ảnh nước nhà, trước hết phải cải thiện nhận thức xã hội về văn hóa nghệ thuật nói chung, điên ảnh nói riêng. Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện được mục tiêu đó trước hết phải xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) thật chặt chẽ, tập hợp ý kiến của người trong ngành, các chuyên gia và lường trước được sự phát triển của 10 -15 năm sau.”

"Để khắc phục khó khăn hiện tại, phía các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với Cục Điện ảnh đồng thời cần năng động, sáng tạo tìm nguồn đầu tư; đa dạng hóa các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh từ đó đưa điện ảnh Việt Nam tiến gần hơn với điện ảnh thế giới. Tất cả cần đoàn kết, thống nhất vì bức tranh tươi sáng hơn của điện ảnh Việt Nam những năm tiếp theo"- Thứ trưởng khẳng định.

(Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây