Ngày 27/7, Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị vừa phối hợp triển khai xây dựng phần mềm quản lý tại Nghĩa trang Liệt sỹ Hương Điền. Đây là hoạt động thiết thực nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các Anh hùng Liệt sỹ nhân dịp Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024).
Nghĩa trang Liệt sỹ Hương Điền (xã Phong An, huyện Phong Điền) là nghĩa trang liệt sỹ lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là nơi yên nghỉ của 3.623 liệt sỹ, trong đó mới chỉ có khoảng 1.000 phần mộ đã được xác định danh tính.
Trong nhiều năm qua, Nghĩa trang Liệt sỹ Hương Điền là "địa chỉ đỏ" được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân trên địa bàn, khách hành hương, thân nhân các liệt sỹ trong cả nước thường xuyên thăm viếng. Tuy nhiên, từ trước đến nay việc quản lý thông tin tại nghĩa trang vẫn đang thực hiện thủ công, chưa có sự đồng bộ.
Ra mắt công trình số hóa dữ liệu Nghĩa trang Liệt sĩ Hương Điền nhân Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ.
Tiếp nhận yêu cầu từ Hội đồng Đội tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian 3 tháng qua, với sự phối hợp triển khai thu thập thông tin thực địa tại nghĩa trang của lực lượng đoàn viên tại chỗ, kết hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Phong Điền, Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện số hóa dữ liệu và sử dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ bản đồ số ArcGIS của Esri để đưa thông tin, hình ảnh và tọa độ các ngôi mộ liệt sỹ lên hệ thống phần mềm. Đồng thời, tiến hành xây dựng và thiết kế giao diện phần mềm để đáp ứng đầy đủ nhu cầu quản lý và quảng bá thông tin, hình ảnh đối với các hoạt động tại nghĩa trang.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế để cấp tên miền Phần mềm Quản lý nghĩa trang Liệt sỹ Hương Điền tại địa chỉ: http://ntlshuongdien.thuathienhue.gov.vn/. Tên miền này đã chính thức đưa vào hoạt động đúng vào dịp Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ.
Theo Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, thông qua ứng dụng công nghệ GIS, thân nhân và khách thăm viếng sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm thông tin của các liệt sỹ. Đồng thời, giúp cho các cấp quản lý, các phòng nghiệp vụ dễ dàng theo dõi, cập nhật các dữ liệu, cung cấp thông tin và xây dựng các báo cáo chuyên môn kịp thời.
Người dân có thể truy cập thông tin số hóa Nghĩa trang Liệt sỹ Hương Điền từ mã QR code.
Phần mềm Quản lý nghĩa trang Liệt sỹ còn hỗ trợ chức năng tin tức, hình ảnh, video, qua đó cho phép người quản trị dễ dàng cập nhật, bổ sung thông tin các hoạt động của nghĩa trang, giúp người dùng dễ dàng theo dõi, tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất trên môi trường Internet, tương thích trên tất cả các thiết bị.
Trước đó, Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thực hiện xây dựng thành công Phần mềm Quản lý nghĩa trang Liệt sỹ đối với Nghĩa trang Liệt sỹ Bình Chánh - Bình Tân và Nghĩa trang Liệt sỹ Nhà Bè tại TPHCM.
Việc nhân rộng Phần mềm Quản lý nghĩa trang Liệt sỹ đã hỗ trợ thiết thực cho công tác quản lý của chính quyền địa phương, lại thuận tiện trong quá trình thăm, viếng mộ liệt sỹ của các thân nhân khi đến với các nghĩa trang. Đây đồng thời cũng là dấu ấn chuyển đổi số trong công tác quản lý và chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ.
Lê Chung