Tác nhân quan trọng của nền kinh tế số
Xây dựng và phát triển các nền tảng số đang trở nên phổ biến tại các nước trên thế giới và ở Việt Nam. Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ trong Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là “Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả”.
Thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp ra mắt nhiều nền tảng số cho phép chia sẻ dữ liệu; kết nối cộng đồng; hướng đến hiện thực hóa nguyên tắc “Lấy người dân làm trung tâm”; cùng chung tay triển khai các hoạt động vì lợi ích của toàn xã hội; góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam.
Tính đến thời điểm này, nhiều nền tảng số của Việt Nam đang được người dân lựa chọn, trong đó, Zalo nổi lên như một điểm sáng. Hiện tại zalo có 73,4 triệu người sử dụng thường xuyên và đang là nền tảng có nhiều người sử dụng nhất tại Việt Nam..
Trong lĩnh vực công nghệ số, Cốc Cốc là nền tảng “Make in Việt Nam” đang có 28 triệu người sử dụng. Thống kê về thị phần trình duyệt ở Việt Nam của StatCounter cho thấy, Cốc Cốc đang nằm trong top 3 trình duyệt phổ biến nhất với 8,9% thị phần, chỉ sau Chrome và Safari. Trong đó, phiên bản máy tính của Cốc Cốc hiện chiếm 14,12% thị phần. Đại diện Cốc Cốc cho rằng, muốn phát triển bền vững, cần phải tự chủ công nghệ, đặc biệt là trong thời đại số. Sự tự chủ về công nghệ, hay có thể gọi là “chủ quyền số”, “tự do số”, có thể hiểu là việc sở hữu những nền tảng, sản phẩm công nghệ có chất lượng, năng lực ngang bằng, thậm chí vượt trội khi so với các sản phẩm nước ngoài.
Nền tảng thương mại điện tử Voso.vn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số cho người dân
và doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài các nền tảng trên thì hai nền tảng thương mại điện tử “Make in Vietnam” là Postmart.vn và Voso.vn cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chia sẻ về các nền tảng số Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho hay, điểm cốt lõi, độc đáo và khác biệt của Việt Nam trong phát triển kinh tế số và xã hội số là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam.
Đòn bẩy cho chuyển đổi số
Tại cuộc họp mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định: “Bộ sẽ xây dựng nền tảng, kho học liệu số quốc gia cho tất cả các cấp học. Năm 2023 sẽ xây dựng một phần hệ thống bài giảng, bài học, tài liệu tham khảo, trước hết phục vụ học sinh tự học, thầy cô giáo tham khảo; sau đó từng bước mở rộng và hoàn thiện”. Có thể thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá rất cao vai trò của nền tảng số trong việc dạy và học.
Trong một bài nói về chuyển đổi số giáo dục, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: Lời giải chính cho chuyển đổi số giáo dục là các nền tảng số dùng chung. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều chủ trương đổi mới nhưng thiếu một công cụ thực thi hiệu quả. Cuộc cách mạng số đã mang đến cho ngành một công cụ có tính cách mạng, đó là các platform (nền tảng) dùng chung toàn quốc. Và không chỉ là thực thi hiệu quả, nó còn cho phép ngành có những cải cách mạnh mẽ và triệt để hơn nữa. Mỗi một nhu cầu sẽ được giải quyết bởi một nền tảng số. Và nếu nhìn theo góc này, thì nhà trường, nhất là ở bậc đại học, ngày càng giống một doanh nghiệp công nghệ hơn là một trường học truyền thống. Và thực sự, nhà trường sẽ phải phát triển công nghệ và nội dung để dạy học. Nhà trường sẽ làm việc này bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ để đưa tri thức và phương pháp dạy học của mình lên các nền tảng số.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đến vai trò của nền tảng số để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Trong nhiều bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đề cập tới nền tảng số ở các góc độ khác nhau.
Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 4/11/2022, trả lời câu hỏi của đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) về việc "làm thế nào để đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia?", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Nền tảng số là giải pháp đột phá xây dựng chuyển đổi số quốc gia. Nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trên thế giới thực, nếu không làm chủ nền tảng số, người dân Việt Nam làm ăn, vui chơi giải trí trên nền tảng số nước ngoài thì dữ liệu bị thu thập. Nền tảng số là tài nguyên của Việt Nam, nên Bộ Thông tin và Truyền thông đặt trọng tâm phát triển nền tảng số.
Bộ trưởng cho hay, năm 2022, Bộ đã công bố nền tảng số dùng chung quốc gia, trong đó, trên 52 nền tảng số đã cơ bản xây dựng xong và đưa vào khai thác, vận hành. Bộ trưởng cũng thông tin về tín hiệu đáng mừng khi năm nay đã có 50 triệu người Việt Nam cài đặt các nền tảng số do Việt Nam phát triển, chiếm 30% tổng số lượt cài đặt ứng dụng nền tảng của người Việt, và con số này đang tăng lên.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số. Chuyển đổi số đã trở thành toàn dân và toàn diện với việc tất cả các bộ, ngành và địa phương ban hành nghị quyết và chương trình về chuyển đổi số. 500 triệu tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam là con số chưa từng có. Các giao dịch về kết nối và chia sẻ dữ liệu tăng gần 5 lần”.
Nhấn mạnh năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ ra một số nhiệm vụ mà Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện, gồm: Bảo vệ dữ liệu cá nhân; công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; đảm bảo an toàn dữ liệu.
(Nguồn: vietnamnet.vn)