Chuyển dần tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa
Phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ đó chính hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển.
Quán triệt quan điểm đó, năm 2021, với phương châm hành động là "Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến", Bộ VHTTDL đã chọn chủ đề năm công tác là năm cơ chế chính sách. Theo đó, Bộ đã chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để xem xét các nội dung cần tổng kết, những vấn đề đang là điểm nghẽn để đề xuất sửa đổi, tạo ra động lực cho sự phát triển theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin, trong năm 2021, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến Luật Điện ảnh sửa đổi tại Kỳ họp thứ nhất theo hướng mới đó là không chỉ quản lý nhà nước trên lĩnh vực nghệ thuật mà còn là vấn đề về kinh tế. Đây là bộ Luật nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh của công nghiệp văn hóa.
Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước đã giao ngành Văn hóa xây dựng bộ tiêu chí xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc, ngăn chặn bạo lực gia đình. Nội dung này đang được Bộ nỗ lực để trình các Ủy ban Quốc hội xem xét để sớm trình Quốc hội thông qua Luật về chống bạo lực gia đình.
Ngoài hai bộ luật đã được Bộ nỗ lực thực hiện theo tiến độ, trong phạm vi của mình, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định liên quan đến 2 lĩnh vực đang khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động. Đồng thời, Bộ cũng đang ban hành 16 thông tư nhằm làm tốt hơn chức năng quản lý nhà nước.
Nhắc lại những việc đã và đang làm trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Bộ đang chuyển dần tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa bằng công cụ pháp luật.
Sửa đổi Luật Di sản Văn hóa trên hai góc độ
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trên tinh thần đó, Bộ xác định việc rà soát Luật Di sản Văn hóa là yêu cầu có tính chất tất yếu. Với mục tiêu trình Quốc hội xem xét Luật về Di sản Văn hóa trong năm 2022 hoặc 2023, Bộ trưởng cho rằng, trước hết phải nhận thức đúng, đủ, sâu về các quan điểm của Đảng liên quan đến lĩnh vực này.
Bộ trưởng mong muốn các đại biểu cần cập nhật những luận điểm mới mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định về lĩnh vực di sản văn hóa, các phát biểu của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong đó là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về văn hóa. Đồng thời, phải kế thừa cho được các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Bộ Chính trị về lĩnh vực Di sản.
Nhắc lại câu nói nổi tiếng của Nhà triết học Gớt "Lý luận màu xám, cây đời mãi mãi xanh tươi", Bộ trưởng cho rằng, thực tiễn bao giờ cũng vận hành và đi trước, pháp luật phải làm sao bắt kịp với thực tiễn của cuộc sống. Vì vậy, cần tiếp cận bộ luật này theo hai góc độ là làm sao để bảo vệ được di tích di sản và quan trọng hơn là phát huy giá trị của di tích và di sản.
"Bảo vệ không có nghĩa là bó buộc lại, còn phát huy thì phải làm sao để các hệ di tích, di sản này được tỏa sáng, đóng vai trò dẫn dắt, quảng bá và là thương hiệu của chúng ta đối với bạn bè quốc tế, là nơi khẳng định hồn cốt của dân tộc" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng đặt vấn đề các nhà làm luật cũng như các cơ quan quản lý của Bộ phải lý giải được vì sao quốc tế đến với Việt Nam. "Phải chăng đó là sức mạnh mềm của văn hóa như Tổng Bí thư đã nhiều lần phát biểu?", theo hướng tiếp cận này, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các đại biểu đưa ra những dự báo sát, khái quát phải lớn, tầm nhìn phải xa trên cơ sở phát hiện những bất cập.
Bốn điểm "nghẽn"
Đặt vấn đề phải chăng nguồn lực đang là lực cản đối với di sản văn hóa, Bộ trưởng bày tỏ trăn trở, chúng ta có di tích, di sản, có phân cấp nhưng nguồn lực để bảo vệ thì lại chờ đợi ngân sách nhà nước, điều này có còn đúng không và cách nào để tháo gỡ?.
Bên cạnh nguồn lực, Bộ trưởng cho rằng một trong những điểm nghẽn đó chính là phân cấp quản lý. "Liệu Bộ có cần phải quản lý hết các di sản hay không? Địa phương đã có cấp ủy Đảng, Chính quyền, chúng ta phải tin tưởng trao quyền và Bộ chỉ đóng vai trò kiểm tra theo chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là phân cấp cái gì, giữ lại cái gì để chúng ta dần chuyển hướng từ cơ quan đi làm văn hóa sang làm quản lý nhà nước về văn hóa?" - Bộ trưởng đặt vấn đề.
Điễm nghẽn thứ ba, theo Bộ trưởng đó là: "Có những việc thực tiễn đặt ra mà khi làm luật chúng ta chưa nghĩ đến. Vậy phải làm sao để quản lý vấn đề này, trong thực tiễn có những tư liệu đã trở thành di sản cần phải quản lý".
Vấn đề thứ tư mà Bộ trưởng lưu ý đó là, bất kỳ bộ luật nào ra đời cũng phải có sự tương thích với bộ luật khác và phải véc tơ cùng chiều chứ không ngược chiều. Vì vậy, phải đặt mối quan hệ giữa Luật Di sản Văn hóa với nhiều bộ luật khác.
Sửa Luật cần lấp những khoảng trống
Chia sẻ những kinh nghiệm, nêu rõ những bất cập và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý di sản văn hóa trong thời gian tới, các nhà khoa học, chuyển gia, các đại biểu địa phương cũng bày tỏ mong muốn Luật Di sản Văn hóa sẽ được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn tại.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, sửa đổi Luật Di sản Văn hóa cần lấp những khoảng trống đang có, đồng thời phải đánh thức trong mỗi con người một ý thức quan trọng về di sản, là niềm tự hào và tự nguyện tham gia bảo vệ, phát huy.
Trong khi đó, GS Nguyễn Anh Trí (ĐBQH Khóa XV, người sáng lập Trung tâm, công viên và bảo tàng di sản các nhà khoa học Việt Nam) lưu ý, cần chú trọng khía cạnh di sản phải tạo được những hiệu quả kinh tế. Điều quan trọng là làm cho các di sản phát huy và lan tỏa giá trị, mang hiệu quả kinh tế nhưng vẫn cần phải bảo tồn nguyên vẹn, không bị xâm phạm giá trị nguyên gốc.
Từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh cho rằng, hiện nay việc phân cấp quản lý di tích mới chỉ xác định từ Trung ương đến các tỉnh, nhưng từ cấp tỉnh xuống đến huyện, xã còn chưa thống nhất, chưa có quy định cụ thể, chi tiết. Vì vậy cần có quy định rõ ràng, thống nhất để làm căn cứ triển khai đồng bộ trên toàn quốc.
Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng đề nghị Bộ VHTTDL ban hành các quy định cụ thể về công tác quản lý, bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia, đặc biệt là công tác bảo quản bảo vật quốc gia đối với từng chất liệu cụ thể. Xây dựng mẫu Bằng công nhận Bảo vật quốc gia thống nhất và đồng bộ để tôn vinh giá trị Bảo vật quốc gia.
Cũng tại hội thảo, TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chia sẻ, mỗi Bảo tàng phải là cơ quan nghiên cứu khoa học trước khi là một thiết chế văn hóa, trước khi muốn đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số. Chức năng giáo dục phải được đặt lên hàng đầu. Từ đó, bà đề nghị sửa lại và bổ sung một số nội dung trong định nghĩa về Bảo tàng trong Luật Di sản Văn hóa sửa đổi tới đây.
Ghi nhận các ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết sẽ kiến nghị Bộ trưởng giao Cục Di sản Văn hóa phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan hoàn thiện báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Luật Di sản Văn hóa, tham mưu lãnh đạo Bộ có Tờ trình Chính phủ, Quốc hội cho phép xây dựng Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Cần thiết phải sửa đổi Luật Di sản Văn hóa
Luật Di sản Văn hóa có hiệu lực thi hành từ năm 2002 và được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009. Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được hết sức quan tâm, nhờ đó, đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.