SharePoint
Liên kết web
 
 

Chuyển dịch ngoạn mục nhất năm 2021: Từ ‘lựa chọn’ trở thành ‘sống còn’, đưa xã hội phát triển nhanh hơn cả chục năm

05/01/2022 10:04
CĐS - Trải qua bốn đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19, cụm từ “trực tuyến”, hay “online” đã trở nên phổ biến với hầu hết mọi người. Hình thực học trực tuyến, làm việc trực tuyến, mua sắm trực tuyến… đã trở nên quá quen thuộc, dần thay đổi thói quen sinh hoạt của mỗi cá nhân.

Một đứa trẻ vùng sâu, vùng xa vẫn có thể tiếp cận được bài giảng của giáo viên ở thành phố. Một doanh nhân đã không cần phải ngồi trên máy bay suốt 3 giờ đồng hồ để tham dự một cuộc họp 30 phút tại một thành phố lạ. Trong đại dịch này, tất cả đã chứng kiến những mô hình học tập, làm việc khác xa, nhem nhóm tính ưu việt hơn các mô hình truyền thống.

Không chỉ là những phương thức thay thế mang tính cấp bách, các hoạt động trực tuyến còn là xu hướng tương lai, khi quá trình chuyển đổi số trong hầu hết các ngành nghề của Việt Nam được đẩy mạnh, đi kèm với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là trong năm 2021.

Trên thực tế, COVID-19 được ví như chất xúc tác đưa công cuộc chuyển đổi số của cả đất nước nhanh hơn đến cả chục năm. Đặc biệt, khi năm 2020 nhiều doanh nghiệp vẫn coi chuyển đổi số là một "lựa chọn", thì sang năm 2021, đây đã là một yếu tố "sống còn".

Tại Diễn đàn Quốc gia doanh nghiệp công nghệ số diễn ra ngày 11/12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là yêu cầu khách quan của sự phát triển; chuyển đổi số là vấn đề toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu; chuyển đổi số phục vụ toàn dân nên cần có cách tiếp cận toàn dân.

"Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số. Theo đó, mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp; người dân doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số, trên tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", Thủ tướng phát biểu. Trước đó, 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình về Chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành đất nước có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng những cường quốc trên thế giới. "Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Theo báo cáo "Nền Kinh tế số Đông Nam Á – Tiếng Gầm Thập kỷ 20: Thập kỷ Kỹ thuật số Đông Nam Á" (e-Conomy SEA 2021), từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới, với hơn một nửa trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn.

Việt Nam vẫn là một trung tâm đổi mới hấp dẫn khi nguồn vốn toàn cầu tiếp tục đổ vào. Hoạt động thương vụ, đầu tư tăng vọt trong nửa đầu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục 1,37 tỷ USD, vượt qua các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây.

Đặc biệt, các khoản đầu tư này tập trung nhiều vào các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số trong lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce), tài chính (fintech), sức khỏe (healthtech) và giáo dục (edtech).

Rõ ràng nhất có lẽ là thương mại điện tử. Thời điểm hiện tại, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, Việt Nam cũng là thị trường thương mại lớn thứ 3 khu vực, chỉ sau Indonesia và Thái Lan.

Kể từ khi đại dịch xuất hiện, nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng lên chóng mặt. Hơn 70% dân số Việt Nam có quyền truy cập internet, 50% đã sử dụng phương thức mua sắm trực tuyến, và 53% đã sử dụng ví điện tử hoặc các công cụ thanh toán trực tuyến khác.

Tiếp theo là fintech (công nghệ tài chính). Trong 9 tháng năm 2021, nguồn vốn đầu tư fintech) tại Việt Nam đạt 388 triệu USD, chiếm 9% và đứng thứ 3 khu vực ASEAN. Trong đó, chỉ riêng 2 thương vụ lớn vòng gọi vốn lớn 250 triệu USD vào VNPay và 100 triệu USD vào vòng gọi vốn Series D của MoMo đã chiếm 350 triệu USD.

Thứ ba là edtech (áp dụng công nghệ vào giáo dục). Đến nay, việc dạy và học trực tuyến đã quá quen thuộc với học sinh, sinh viên và các giáo viên, điều mà 2 năm trước đây chưa từng ai nghĩ tới.

Theo ước tính, quy mô thị trường edtech Việt Nam hiện đang chạm mốc 3 tỷ USD, tăng mạnh từ mốc 2 tỷ USD ghi nhận vào năm 2019. Sự phát triển của đào tạo trực tuyến có thể giúp nguồn nhân lực của Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho thị trường lao động ngày càng số hoá và toàn cầu hoá.

Nhiều công ty nước ngoài cũng đang thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Tháng trước, Gakken Holdings (Nhật Bản) hợp tác với công ty KiddiHub Education Technology (Việt Nam), đơn vị vận hành nhiều website thông tin liên quan đến đào tạo bậc mẫu giáo.

Nền tảng giáo dục ứng dụng AI Clevai cũng nhận được 2,1 triệu USD từ một nhóm các quỹ đầu tư Mỹ và Singapore. Elsa, ứng dụng học tiếng Anh đã gọi được 15 triệu USD vốn đầu tư trong năm nay, bao gồm vốn từ các quỹ đầu tư của Google.

Trước đó, ngày 30/7, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1373 / QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển xã hội giáo dục giai đoạn 2021-2030 (Đề án xã hội giáo dục) nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sẵn sàng cho việc chuyển đổi số.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, 90% trường đại học sẽ áp dụng giáo dục kỹ thuật số và phát triển tài liệu học tập kỹ thuật số. Ngoài ra, 80% các trường trung học, cơ sở giáo dục và cơ sở dạy nghề sẽ thực hiện quản lý, dạy và học trong môi trường kỹ thuật số.

Đương nhiên, chuyển đổi số không thể chỉ ở một số ngành nghề, lĩnh vực mới như thương mại điện tử, hay tài chính, mà còn ở những góc cạnh "xưa cũ" trong nền kinh tế. Chia sẻ với Trí thức trẻ, ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam cho rằng, quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp là một "sân khấu", không phải của riêng "một nhân vật". "Ví dụ như có thể tạo ra một trung tâm cơ sở dữ liệu, cho tất cả các kỹ sư nông nghiệp và doanh nghiệp nông nghiệp lớn kết nối với nhau", ông lý giải.

Vị Đại sứ cũng chỉ ra một số cái tên tiêu biểu trong công cuộc chuyển đổi số ngành nông nghiệp, điển hình như TH True Milk đã tiếp quản công nghệ hiện đại nhất thế giới từ Israel, hay VinFast quyết định rót vốn đầu tư cho Autobrains trong việc phát triển công nghệ AI cho xe tự lái…

Vậy còn chuyển đổi số của hàng không – một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất thời gian qua sẽ ra sao?

Trong buổi trò chuyện với Trí thức trẻ mới đây, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, ông Lê Hồng Hà nhấn mạnh: "Chuyển đổi số trong Vietnam Airlines phải dùng trải nghiệm của khách hàng là yếu tố cốt lõi, tiên phong, để ‘lôi’ những yếu tố khác cùng đi lên".

"Quay lại cũng chỉ là vấn đề, mình làm nghề dịch vụ, nên mình phải phục vụ khách hàng", ông Hà giải thích. Trên thực tế, từ năm 2017, hầu hết các hãng hàng không Việt Nam đã bắt đầu sự chuyển đổi ở một mức độ nhất định.

Năm 2018, Vietnam Airlines đã bắt tay với Salesforce – công ty hàng đầu thế giới về điện toán đám mây và là nhà cung cấp giải pháp CRM (phần mềm quản lý quan hệ khách hàng), số 1 thế giới hiện nay trong việc ứng dụng công nghệ số. Về quá trình chuyển đổi số của hãng giai đoạn dịch bệnh vừa qua, vị CEO tiết lộ, chuyển đổi số là những thay đổi dần dần. "Cái gì nhanh, làm ngay được thì mình làm. Nếu lỡ hỏng thì mình bỏ, tốt thì mình làm tiếp. Còn nếu cứ chờ ‘tròn vo’ mới làm, thì làm không nổi".

"Chuyển đổi số là một quá trình. Nó không phải chuyển từ cực này sang cực khác, rồi tuyên bố mình thành công rồi. Chưa ai có thể nói mình thành công chuyển đổi số được", ông Lê Hồng Hà cho biết.

Cuối cùng, chuyển đổi số năm 2021 không thể không kể đến ngành y tế. Từ ứng dụng truy vết Covid-19 như Bluezone, khai báo y tế trực tuyến cho đến những hệ thống hội chẩn từ xa hiện đại giữa bệnh viện đầu ngành đến các địa phương đều được vận hành, góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh.

Năm 2021, 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; nhiều cơ sở đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. Đây được coi là bước phát triển đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin trong các bệnh viện tại Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Đến nay, đã có 99,5% cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Một thành tựu nữa của ngành Y tế khi thực hiện chuyển đổi số là xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế. Nhiều cơ sở y tế cũng triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng rô-bốt trong y tế; thí điểm đưa

ứng dụng "điện toán biết nhận thức" hỗ trợ điều trị ung thư tại một số bệnh viện.

Như vậy, với việc triển khai vaccine đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, những câu hỏi mới về việc sống chung với đại dịch đang cận kể, chuyển đổi số sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc vận hành ở từng lĩnh vực của nền kinh tế, cũng như đời sống của mỗi người dân.

Các doanh nghiệp muốn đi trước đón đầu, cũng như thích nghi nhanh với bối cảnh bình thường mới, cần chú ý đến những thay đổi hành vi của người dùng, và nhu cầu về dịch vụ, cũng như sản phẩm phù hợp với họ thông qua chuyển đổi số.

(Nguồn: Toquoc.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây