SharePoint
Liên kết web
 
 

Ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa

16/04/2021 17:09
(TTCNTT) - Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia về ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, vừa qua, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã làm việc với Bảo tàng Lịch sử quốc gia về ứng dụng công nghệ số tại Bảo tàng.

Chủ trì buổi làm việc có GS.TS. Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia và ThS. Phạm Khánh Ngân, Chánh Văn phòng Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Về phía Bảo tàng Lịch sử quốc gia có TS. Nguyễn Văn Đoàn - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc; ThS. Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Giám đốc; ThS. Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc và quản lý một số phòng chuyên môn liên quan. Cùng tham dự có ThS. Hoàng Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Vietsoftpro, đơn vị đã đồng hành cùng Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động Bảo tàng gần chục năm qua.

Đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ThS. Nguyễn Thị Thu Hoan đã báo cáo khái quát tình hình thực hiện ứng dụng công nghệ số trong một số hoạt động của Bảo tàng, những kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, hạn chế; những bài học kinh nghiệm; kế hoạch, định hướng hoạt động trong năm 2021 và những năm tiếp theo. 

Theo đó, việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được thực hiện trong nhiều năm qua. Từ năm 2013, Bảo tàng đã thực hiện ứng dụng công nghệ 3D (tương tác thực tại ảo) trong giới thiệu 2 trưng bày chuyên đề: "Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam" và "Đèn cổ Việt Nam". Tiếp theo đó, năm 2013 - 2016 tiếp tục thực hiện giới thiệu một số phần trong hệ thống trưng bày thường trực: từ thời Tiền sử, đến thời Trần, và chuyên đề Văn hóa Óc Eo. Từ năm 2014 - 2019, thực hiện số hóa 11 Bảo vật quốc gia và Nhật ký Conali; số hóa 3D (cập nhật ứng dụng công nghệ mới) 20 Bảo vật quốc gia; thử nghiệm số hóa 3D với 34 hiện vật trên các loại hình, chất liệu khác nhau phục vụ chương trình số hóa "Tri thức Việt". 

Với những kết quả ban đầu mà Bảo tàng đã thực hiện, mặc dù chưa được nhiều nhưng Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã trở thành bảo tàng đầu tiên ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D trong giới thiệu trưng bày chuyên đề và trưng bày cố định nhằm phát huy trưng bày lâu dài và rộng rãi tới công chúng, đặc biệt là đối với công chúng chưa hoặc không có điều kiện thăm quan Bảo tàng, đồng thời cũng là một cách lưu trữ tư liệu sau trưng bày. Bên cạnh đó, Bảo tàng đã bước đầu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong việc triển khai hệ thống thuyết minh tự động (Audioguide); xây dựng một số hoạt động tương tác, trải nghiệm tại Phòng Khám phá; nghiên cứu, xây dựng và thực hiện Giờ học lịch sử online trong bối cảnh dịch CoVID-19 (tính đến nay đã dạy 88 buổi với 1.370 học sinh tham gia học, gồm các đối tượng lớp 3, 4, 5, trong đó có cả trẻ em sinh sống tại nước ngoài).

ThS. Nguyễn Thị Thu Hoan nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói riêng và tại các bảo tàng, di tích trong cả nước nói chung đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Những khó khăn, thách thức đáng kể đó là công nghệ số ngày càng phát triển, trong khi nền tảng mạng Internet, kinh phí đầu tư cho xây dựng nội dung, nguồn nhân lực vận hành… ở Việt Nam còn hạn chế. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ thì công nghệ rất nhanh bị lạc hậu, việc cập nhật ứng dụng công nghệ hiện đại lại cần đầu tư rất nhiều công sức, trí tuệ và kinh phí rất lớn. Vì vậy, việc đầu tư ứng dụng công nghệ số cần được tính toán kỹ lưỡng, lựa chọn hiện vật (đặc biệt là nhóm hiện vật cấp thiết, hiện vật có giá trị, quý hiếm) và lựa chọn kỹ thuật, công nghệ sao cho phù hợp là việc làm rất cần thiết và quan trọng.

Bảo tàng ảo 3D giới thiệu trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” (http://disanvanhoaphatgiaovietnam.egal.vn)

Tiếp theo đó, ThS. Hoàng Quốc Việt, đại diện cho Công ty Vietsoftpro, đơn vị trực tiếp đã phối hợp thực hiện việc ứng dụng công nghệ số tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong nhiều năm qua đã chia sẻ những thành tựu và xu hướng phát triển đa dạng của công nghệ số trong thời đại ngày nay và phương hướng, đề xuất giải pháp để thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trong thời gian tới.

Ghi nhận những kết quả của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong việc ứng dụng công nghệ số, GS.TS. Nguyễn Văn Kim thay mặt Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã đánh giá cao những nỗ lực của Bảo tàng và khẳng định, với những hoạt động cụ thể, thiết thực, Bảo tàng Lịch sử quốc gia xứng đáng là bảo tàng đầu hệ, đi đầu trong các lĩnh vực hoạt động. Qua báo cáo hoạt động đã cho thấy nhiều kinh nghiệm thực tiễn cần được quan tâm, làm bài học cho việc từng bước ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, nhất là về xây dựng nội dung, lựa chọn hiện vật và kỹ thuật, công nghệ số hóa sao cho phù hợp là rất quan trọng. Tất cả những thông tin trong buổi làm việc, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia sẽ quan tâm, trao đổi để báo cáo, đề xuất Phó Thủ tướng kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thời gian tới đảm bảo phù hợp, hiệu quả, khả thi.

GS.TS. Nguyễn Văn Kim cũng mong muốn Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục phát triển ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động Bảo tàng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm từ các bảo tàng trong nước và thế giới. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và lưu trữ tư liệu số đối với các hiện vật, sưu tập hiện vật tại Bảo tàng; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ số.

Đồng thời cũng đề xuất sẽ đưa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và thành phố Huế là đơn vị thí điểm trong cả nước thực hiện ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Trên cơ sở đó, cần có sự phối kết hợp, trao đổi, thông tin chặt chẽ hơn nữa giữa Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và Bảo tàng Lịch sử quốc gia để hoạt động này luôn được cập nhật, thông suốt, kết nối nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ.

Kết thúc buổi làm việc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia - TS. Nguyễn Văn Đoàn phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến. Bảo tàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ số trong trưng bày, giới thiệu trưng bày, một số hoạt động trải nghiệm cho công chúng đồng thời cũng sẽ ứng dụng trong các lĩnh vực hoạt động khác của Bảo tàng, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hiện vật, bảo quản và liên kết phát huy nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của công chúng trong bối cảnh hiện nay.

Theo BTLSQG

 (Nguồn: bvhttdl.gov.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây