Những nội dung mới
Cụ thể, Thông tư 23/2020/TT-BTTTT mới được Bộ TT&TT ban hành quy định các nội dung đặc thù của hợp đồng thuê dịch vụ CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (Thông tư 23); còn Thông tư 24/2020/TT-BTTTT quy định về công tác triển khai, giám sát và nghiệm thu dự án đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (Thông tư 24).
Thông tin với ICTnews về nội dung của Thông tư 23, Cục Tin học hóa cho biết, được nâng cấp từ văn bản 2455A/BTTTT-THH ngày 29/7/2019 của Bộ TT&TT hướng dẫn mẫu hợp đồng thuê dịch vụ CNTT, Thông tư này hướng dẫn các nội dung đặc thù của hợp đồng thuê dịch vụ CNTT không sẵn có trên thị trường sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Cụ thể, Thông tư 23 quy định phạm vi cung cấp trong hợp đồng thuê dịch vụ CNTT, bao gồm yêu cầu kỹ thuật dựa trên chất lượng đầu ra của dịch vụ CNTT tại giai đoạn chuẩn bị cung cấp dịch vụ và giai đoạn thuê dịch vụ (hay còn gọi là yêu cầu chất lượng của dịch vụ CNTT).
Đồng thời, quy định việc kiểm tra, đánh giá chất lượng của dịch vụ CNTT tương ứng với yêu cầu kỹ thuật của từng giai đoạn nêu trên; hướng dẫn một số nội dung đặc thù khác như thời gian và kế hoạch thực hiện hợp đồng, thanh toán hợp đồng thuê dịch vụ CNTT.
Với Thông tư 24, theo Cục Tin học hóa, đây là văn bản thay thế cho Thông tư 28 ngày 13/12/2010 của Bộ TT&TT quy định nội dung giám sát thi công, quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác giám sát thi công dự án ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
So với Thông tư 28, Thông tư 24 mới được Bộ TT&TT ban hành, được bổ sung các quy định về triển khai dự án (triển khai với phần cứng, hạ tầng thiết bị, phần mềm thương mại và triển khai đối với xây dựng, phát triển, mở rộng, nâng cấp phần mềm nội bộ); bổ sung quy định về giám sát của đơn vị lập thiết kế chi tiết (gọi chung là giám sát tác giả) trong quá trình triển khai dự án.
Cùng với đó, Thông tư 24 còn được bổ sung những quy định về kiểm thử, vận hành thử sản phẩm của dự án trước khi nghiệm thu, bàn giao (vận hành thử với hạ tầng kỹ thuật, phần mềm thương mại và kiểm thử hoặc vận hành thử với phần mềm nội bộ); bổ sung quy định nội dung chủ yếu của công tác quản trị, vận hành, bảo trì sản phẩm của dự án sau đầu tư; bổ sung quy định danh mục hồ sơ hoàn thành của dự án.
Hoàn thành 5/6 thông tư hướng dẫn Nghị định 73
Với việc hai Thông tư 23 và 24 được ban hành, tính đến nay, Cục Tin học hóa đã chủ trì xây dựng trình Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành 5/6 Thông tư hướng dẫn chi tiết Nghị định 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dung nguồn vốn ngân sách nhà nước (Nghị định 73).
Trước đó, vào các ngày 24/2 và 29/5, Bộ TT&TT đã lần lượt ban hành 3 Thông tư: 03, 04 và 12 hướng dẫn về lập đề cương và dự toán chi tiết đối với hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; lập, quản lý chi phí dự án đầu tư ứng dụng CNTT; xác định chi phí thuê dịch vụ CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo phương pháp tính chi phí.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư ứng dụng CNTT - một Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 73 nữa, đang được Bộ TT&TT lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và người dân để hoàn thiện.
Ngày 5/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, Nghị định này thay thế cho Nghị định 102 ngày 6/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Quyết định 80 ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước.
Để phổ biến, hướng dẫn triển khai Nghị định 73 cùng các Thông tư quy định chi tiết Nghị định này, Bộ TT&TT dự kiến trong quý IV/2020 sẽ tổ chức 4 hội nghị tập huấn cho các Sở, ngành, doanh nghiệp.
Nghị định 73 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vướng mắc cho hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT, thuê dịch vụ CNTT; đảm bảo phù hợp và đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan; đồng thời bãi bỏ, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đầu tư ứng dụng CNTT, thuê dịch vụ CNTT, từ đó thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử.
(Nguồn: ictnews.vietnamnet.vn)