(TTCNTT) - Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã và đang ban hành các chính sách cần thiết để khuyến khích dạy và học trực tuyến, trực tuyến kết hợp với trực tiếp, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số ngành giáo dục.
Thông tin trên vừa được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ tại tọa đàm “Chính sách giáo dục trực tuyến và nâng cao số hóa trong giáo dục” được tổ chức ngày 4/9 giữa các chuyên gia giáo dục đại học của Việt Nam và Australia trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định, tọa đàm này là cơ hội tốt để các bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục thông qua hình thức đào tạo ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Người đứng đầu Bộ GD&ĐT Việt Nam cho biết, thời gian tới, bệnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều tiềm ẩn khó lường, hình thức dạy và học trực tuyến sẽ tiếp tục được áp dụng rộng rãi trong các cơ sở giáo dục Việt Nam. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nền giáo dục của Australia đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo trực tuyến, trực tuyến kết hợp trực tiếp, đạt chuẩn quốc tế. Bộ GD&ĐT mong muốn Australia và Đại học RMIT nói riêng sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, hỗ trợ về học liệu, kết nối những bên liên quan để phát triển hình thức đào tạo này ở các cơ sở giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng tại Việt Nam.
“Việc đẩy mạnh chuyển đổi số với sự đóng góp từ các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ khẳng định mục tiêu phù hợp của Việt Nam khi thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục, từ đó tiếp cận nhanh và bền vững với những tiến bộ, xu thế mới nhất trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam và thế giới”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Tại tọa đàm, lãnh đạo phụ trách đào tạo của Đại học RMIT, Đại học Mở Hà Nội và Đại học Anh Quốc Việt Nam đã chia sẻ chi tiết về kinh nghiệm của trường mình trong quá trình chuyển đổi sang học tập trực tuyến và học tập hỗn hợp - kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Lấy ví dụ từ Đại học RMIT, trường cung cấp các chương trình đào tạo trên nền tảng kỹ thuật số với chất lượng quốc tế, đồng thời hợp tác với các nhà lãnh đạo tư duy và chuyên gia đa ngành để đem đến trải nghiệm học tập linh hoạt nhất. Năm nay, trường đã chuyển đổi thành công hơn 5.000 môn học sang trực tuyến trên toàn cầu nhằm ứng phó với những hạn chế do Covid-19 gây ra.
Riêng tại RMIT Việt Nam, điều này đồng nghĩa với việc rà soát 190 môn học và ứng dụng phương pháp tốt nhất để dạy trực tuyến các môn học này, đồng thời tối ưu hóa trải nghiệm sinh viên bằng cách “trực tuyến hóa” các dịch vụ như hỗ trợ học tập, thư viện, chăm sóc sức khỏe và tâm lý.
Mặc dù các cơ sở của Đại học RMIT tại Việt Nam đã mở cửa đón sinh viên học trực tiếp từ tháng 6/2020, trường vẫn cung cấp lựa chọn học trực tuyến cho khoảng 30 môn học, bên cạnh phương thức trực tiếp.
Chủ tịch Đại học RMIT Việt Nam, Giáo sư Peter Coloe cho biết học tập kết hợp trực tiếp và trực tuyến là “trạng thái bình thường mới” tại RMIT. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp các lựa chọn học tập linh hoạt và dễ tiếp cận cho sinh viên.
“Trong thế giới ngày càng số hóa mạnh mẽ và kết nối rộng khắp, học tập trực tuyến sẽ đem đến cơ hội học tập cho thêm nhiều lãnh đạo tương lai của Việt Nam, dù họ có ở đâu đi chăng nữa”, Giáo sư Coloe nhận định.
Tọa đàm “Chính sách giáo dục trực tuyến và nâng cao số hóa trong giáo dục” đã khởi động chuỗi tọa đàm chính sách “Việt Nam dẫn đầu (Vietnam Leads)” được Đại học RMIT tổ chức trong năm 2020 và 2021 nhân dịp kỷ niệm 20 năm trường hoạt động tại Việt Nam. Chuỗi sự kiện này nhằm đóng góp vào thảo luận chính sách về các vấn đề trọng tâm đối với Việt Nam và khu vực, tập trung vào các cơ hội và thách thức nảy sinh trong bối cảnh Covid-19 toàn cầu.
Theo Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie, sáng kiến về chuỗi sự kiện này là “ví dụ điển hình” về hợp tác Australia - Việt Nam trong các ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội.
“Australia và Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với nhau nhằm mở rộng hợp tác song phương trong giáo dục, phát triển kỹ năng và việc làm. Bất chấp tác động của Covid-19 lên Australia và Việt Nam, chúng ta không thể bỏ qua những ưu tiên phát triển sẽ giúp nền kinh tế và xã hội của hai nước tiến lên phía trước. Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn như hiện nay, hợp tác và trao đổi kiến thức sẽ giúp chúng ta đưa ra các giải pháp sáng tạo vì lợi ích chung", Đại sứ Mudie nhấn mạnh.
Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6/2020, giáo dục được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực Việt Nam sẽ ưu tiên chuyển đổi số, bên cạnh 7 lĩnh vực khác gồm: y tế, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp.
Theo đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam sẽ chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp như: phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa…
|
(Nguồn: ictnews.vietnamnet.vn)