Đại dịch COVID-19 tiếp tục càn quét toàn cầu và chưa có dấu hiệu dừng lại, gây ra tác động mạnh và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống xã hội ở tất cả các nước trên thế giới, qua đó ảnh hưởng xấu đến kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh như vậy, vẫn có một vài thay đổi tích cực trong xu hướng kinh doanh liên quan tới công nghệ.
Dự kiến trong tương lai, những xu hướng mới nổi này sẽ định hình lại cách thức kinh doanh và đóng một vai trò quan trọng giúp các doanh nghiệp mở rộng hoạt động trong thế giới cạnh tranh hậu COVID-19.
Thanh toán không dùng tiền mặt "lên ngôi"
Trong đại dịch, một lĩnh vực đã có thay đổi mạnh mẽ là cách thức khách hàng thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ khi mua sắm cả trực tiếp lẫn trực tuyến.
Đại dịch COVID-19 đã làm dấy lên những lo ngại chưa từng có về việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2 qua tiền mặt.
Theo một số thống kê của các ngân hàng trung ương ở một số quốc gia châu Á và châu Âu, số lượt tìm kiếm trên Internet liên quan đến vấn đề này ở mức cao kỷ lục, vượt cả giai đoạn cúm H1N1 hồi những năm 2009-2010.
Không mất quá nhiều thời gian để mọi người thay đổi thói quen chi tiêu. Một nghiên của của nhà vận hành cây ATM lớn nhất nước Anh Link cho thấy vào tháng Tư, việc sử dụng máy ATM ở nước này đã giảm khoảng 60% so với cùng kỳ một năm trước. Hoạt động rút tiền thông qua ATM ở Thụy Sĩ cũng giảm gần 50% từ giữa tháng Ba đến giữa tháng Tư.
Giữa bối cảnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ trên toàn thế giới đã tăng cường áp dụng các giao dịch không dùng tiền mặt để đảm bảo sức khỏe cũng như sự an toàn của cả khách hàng lẫn nhân viên của họ.
Hơn 11.000 nhà bán lẻ tại Thụy Sĩ đã tham gia hệ thống thanh toán không tiếp xúc để cho phép khách hàng thực hiện giao dịch thông qua NFC (kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn thông qua từ trường giữa các thiết bị) cũng như các thẻ tín dụng “chạm để thanh toán.”
Ở một số quốc gia, bao gồm Canada, Hy Lạp, Ireland, Malta, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, Mastercard và Visa đã tích cực làm việc với chính phủ để cung cấp trải nghiệm thanh toán không tiếp xúc cho khách hàng và giúp các thương nhân dễ dàng chấp nhận loại hình thanh toán này hơn.
Điều này đồng nghĩa là chủ thẻ có thể mua sắm nhiều hơn và chỉ cần chạm để thanh toán mà không cần phải sử dụng bảng bấm mã PIN, một phương tiện có thể lây lan virus.
Ngay cả Nhật Bản, một trong những nước sử dụng nhiều tiền mặt nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến, cũng đang cân nhắc một chiến lược tăng trưởng nhằm thúc đẩy văn hóa không sử dụng tiền mặt như là một phản ứng cho nhu cầu của thời kỳ hậu COVID-19.
Dịch vụ điện toán đám mây "nở rộ"
Trước đại dịch COVID-19, việc làm việc tại nhà chưa bao giờ là phương thức làm việc được ưa thích. Các chủ sử dụng lao động vẫn muốn nhân viên đến nơi làm việc và thực hiện nhiệm vụ dưới sự giám sát của các nhân viên cấp cao.
Nhưng COVID-19 đã thay đổi hoàn toàn điều này. Các công ty hiện khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà và gửi các văn bản hay dự án của họ thông qua dịch vụ đám mây.
Một số công ty như Twitter thậm chí còn tuyên bố rằng nhân viên có thể làm việc tại nhà vô thời hạn nếu họ muốn.
Trong thời gian gần đây, nhu cầu về các công cụ hội họp trực tuyến như Zoom và Slack đều tăng trưởng chưa từng có.
Các công cụ chuyên về công việc văn phòng truyền thống hơn như Microsoft 365 cũng ghi nhận nhu cầu tăng cao. Điểm chung là những công cụ này đều dựa trên nền tảng đám mây.
Khi mọi người bị buộc phải ở trong nhà, nhu cầu về các dịch vụ bán lẻ và dịch vụ giải trí trực tuyến cũng đã tăng lên rất nhiều. Giới quan sát cho biết phân khúc bán lẻ hàng tiêu dùng sẽ tiếp tục mở rộng việc sử dụng các dịch vụ đám mây, đẩy nhanh xu hướng dịch chuyển lên môi trường Internet vốn đã xảy ra từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Trong khi đó, các dịch vụ giải trí có sử dụng công nghệ điện toán đám mây như nền tảng xem phim trực tuyến Netflix, dịch vụ nghe nhạc Spotify cùng một số nền tảng chơi game như Steam đều ghi nhận số lượng đăng ký mới nở rộ trong mùa dịch.
Xu hướng dịch chuyển lên các nền tảng đám mây cũng diễn ra trong chính hoạt động của các Chính phủ. Nhằm hạn chế khả năng lây lan của dịch bệnh, nhiều quốc gia đã đẩy nhanh quá trình số hóa các hoạt động hành chính, xây dựng các cổng thông tin và hỗ trợ phát triển các nền tảng kỹ thuật số cấp quốc gia, chẳng hạn như ứng dụng thông tin sức khỏe và giáo dục trực tuyến để đảm bảo người dân vẫn có thể tiếp cận các dịch vụ công trong thời gian đại dịch.
Chuyển đổi chuỗi cung ứng theo hướng số hóa
Ngay cả trước khi COVID-19 bùng phát, một báo cáo của công ty tư vấn đầu tư McKinsey cho thấy 92% các công ty nhận định mô hình kinh doanh của họ sẽ cần phải thay đổi theo hướng số hóa trong bối cảnh công nghệ biến đổi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, dù đa số các công ty nhận ra điều này, khoản đầu tư và những nỗ lực cần thiết cho quá trình chuyển đổi vẫn phải xếp sau những nhu cầu kinh doanh khác.
Nhưng báo cáo công bố hồi tháng Sáu của McKinsey cho thấy đại dịch đã thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số phục vụ cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đạt được tiến độ tương đương 5 năm chỉ trong khoảng 8 tuần.
Tình hình cấp thiết đã thúc đẩy rất nhiều tiến bộ trong quá trình số hóa chuỗi cung ứng khi nhu cầu thương mại điện tử đã tăng vọt trong 6 tháng qua. Việc các nhà chế tạo nỗ lực sản xuất các thiết bị quan trọng cần thiết phục vụ hoạt động chống dịch cũng đã thúc đẩy tiến trình này.
Bên cạnh đó, các công ty cũng đối mặt với áp lực nội bộ trong việc đưa hoạt động trở nên hiệu quả, mang tính tích hợp và phản ứng nhanh hơn để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng về sản phẩm. Điều này dẫn sự thay đổi trong cách các công ty đánh giá các nhà cung cấp và nguồn gốc hàng hóa để đáp ứng những mong đợi đó.
Thông thường, các công ty sẽ ưu tiên nhập hàng từ một số nhà cung cấp dựa trên hiệu quả chi phí và tính minh bạch họ. Khi ngày càng nhiều dữ liệu về các nhà cung cấp và sản phẩm của họ được đưa ra, việc số hóa chúng giúp các công ty có cái nhìn sâu hơn để lựa chọn nhà cung cấp tốt và năng động hơn. Điều này cho phép các công ty dễ dàng tìm nguồn cung ứng theo yêu cầu và tạo điều kiện cho các nhà cung cấp mới tham gia thị trường.
Việc số hóa chuỗi cung ứng không chỉ giúp người tiêu dùng mà còn cả với phía các công ty. Chúng sẽ giúp người mua tìm hiểu kỹ càng chất lượng sản phẩm và phân biệt được hàng giả với các sản phẩm chính hãng.
Các chi phí giao dịch gián tiếp cũng sẽ giảm thông qua sự minh bạch giá cả. Bên cạnh đó, các chuỗi cung ứng ngày càng trở nên phức tạp và liên kết chặt chẽ với nhau, điều này khiến cho việc quản lý rủi ro trở nên khó khăn hơn.
Việc số hóa chuỗi cung ứng sẽ cho phép các công ty quản lý hiệu quả sự rủi ro này./.
(Nguồn: http://ictvietnam.vn)