SharePoint
Liên kết web
 
 

Cần có chiến lược quốc gia về dữ liệu, đảm bảo công bằng cho xã hội số

17/07/2020 10:51
(TTCNTT) - Một trong những tiêu chí quan trọng, không thể thiếu khi đánh giá sự phát triển của một xã hội số, đó chính là sự công bằng trong chia sẻ và bảo vệ dữ liệu. Để có được tiêu chí này, nhất thiết phải có chiến lược quốc gia về dữ liệu, đây được coi là nền tảng cho việc thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số.

Với mục tiêu cung cấp thêm các góc nhìn, phân tích, giải pháp góp phần thúc đẩy hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường thực thi về bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư ở Việt Nam, ngày 15/7, Hội truyền thông số Việt Nam, Viện Nghiên cứu Chính sách & Phát triển truyền thông (IPS), Tổ chức Oxfam Việt Nam cùng phối hợp tổ chức hội thảo "Bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số: Thảo luận và khuyến nghị chính sách".

Dự hội thảo có sự góp mặt của đông đảo các đồng chí lãnh đạo đến từ Cục, Vụ, Viện nghiên cứu thuộc Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ, cùng các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực CNTT.

Dữ liệu số là tài sản, tài nguyên cho chuyển đổi số

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Lâm Thanh, Hội truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh: Hội thảo lần này góp phần khẳng định việc chúng ta chấp hành, thực hiện tốt Nghị quyết 747/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 03/06/2020 về việc Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", đề xuất chiến lược phát triển toàn diện bao gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Quyết định này khẳng định tầm quan trọng của dữ liệu số, là "tài sản, tài nguyên, điều kiện tiên quyết cho chuyển đổi số", Bộ Công an được giao xây dựng "Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân".

Có thể nói, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia coi trọng việc bảo vệ thông tin và quyền riêng tư như một nguyên tắc trụ cột. Điều này thể hiện tầm nhìn xa, quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thúc đẩy một nền kinh tế số phát triển bền vững.

Trên quan điểm kế thừa, phát huy những nhận thức đúng đắn đó, các đại biểu, chuyên gia dự hội thảo đã thảo luận, trình bày 06 các nội dung quan trọng qua các bài tham luận: Bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân, quyền riêng tư trong chuyển đổi số Quốc gia và phát triển kinh tế số - các khuyến nghị chính sách; Thực trạng giải pháp luật bảo vệ thông tin cá nhân ở Việt Nam hiện nay và đề xuất hướng hoàn thiện; Vấn đề thông tin cá nhân trong dữ liệu của khu vực công; Bảo vệ dữ liệu và thông tin công dân trong tiến trình xây dựng đô thị thông minh - kinh nghiệm và khuyến nghị của tỉnh Thừa Thiên Huế; Bảo vệ dữ liệu người dùng trong thời đại dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo – góc nhìn của Google; Thực hành bảo vệ dữ liệu và quyền riêng của nhóm đối tượng nhạy cảm cao.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xây dựng dữ liệu số, ông Nguyễn Trọng Khánh, Trưởng phòng Hạ tầng & Dữ liệu số, Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) khẳng định: "Bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân là vấn đề quan trọng được Chính phủ quan tâm trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử và đô thị thông minh. Chính phủ đã ban hành Nghị định 174 và kết nối chia sẻ dữ liệu số trong các cơ quan Nhà nước. Các nguyên tắc và yêu cầu bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân đã được nhấn mạnh trong Nghị định.

"Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc thành các hướng dẫn, quy định thực hiện cụ thể nhằm đảm bảo tiến trình chuyển đổi số trong các cơ quan công quyền luôn gắn với việc bảo vệ tốt nhất dữ liệu công dân", đại diện Cục Tin học hóa nhấn mạnh.

Các quy định còn nằm "tản mát" trong nhiều văn bản

Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, Chuyên gia Viện nghiên cứu của IPS cho rằng: Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư là một vấn đề quan trọng, tuy nhiên, hiện nay nó chưa là thế mạnh, vẫn còn những điểm yếu. Đó là tình trạng vừa thiếu hụt quy định, đồng thời các quy định nằm tản mát trong nhiều văn bản.

"Hiện có 17 luật, Nghị định điều chỉnh vấn đề này, nhưng hầu hết dừng lại ở mức nguyên tắc, đặt yêu cầu chứ chưa có định nghĩa, quy định cụ thể và cơ chế thực thi hiệu quả. Do đó, trên thực tế, quyền và nghĩa vụ của chủ thể thu thập, xử lý, khai thác dữ liệu chưa được quy định rõ ràng", luật sư Lập khẳng định.

Đồng tình với quan điểm của luật sư Lập về vấn đề pháp luật bảo vệ thông tin cá nhân, ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), nêu quan điểm với tư cách là một chuyên gia nghiên pháp luật: Vấn đề luật bảo vệ thông tin cá nhân chúng ta đã làm từ sớm, mặc dù chưa có luật riêng, cụ thể về bảo vệ thông tin cá nhân, nhưng chúng ta có các quy định được thể hiện trong Luật dân sự 2015, Luật An toàn Thông tin mạng 2015… và đây sẽ là những cơ sở bước đầu để hình thành trật tự pháp lý, cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số mới.

"Các văn bản chúng ta hiện nay vẫn còn những hạn chế, đơn cử như chúng ta chưa cân bằng khi tập trung một vế cho việc bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng, mà quên rằng cuộc sống chúng ta không phải chỉ có trên môi trường mạng, chúng ta đang sống trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, tồn tại sự trộn lẫn giữa giá trị truyền thống và không gian mạng, do vậy khi xây dựng luật cần phải có sự gắn kết, bao phủ, bao quát hơn", ông Cường cho hay.

Những đề xuất, khuyến nghị chính sách

Theo đó, để thực hiện tốt vấn đề về xây dựng khung hành lang, pháp lý cho việc đảm bảo, an toàn thông tin cá nhân, luật sư Lập đưa ra các khuyến nghị, đề xuất: Chính phủ cần nghiên cứu; xây dựng một đạo luật về bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân và bảo vệ quyền riêng tư, coi đây là lĩnh vực nhạy cảm nhất, cần sự điều chỉnh bằng pháp luật bên cạnh bảo đảm an ninh mạng.

Bên cạnh đó, Chính phủ sớm quan tâm xây dựng Chiến lược dữ liệu quốc gia song hành với Chương trình chuyển đổi số quốc gia, luật sư Lập chia sẻ.

Cũng trên quan điểm xây dựng, sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho vấn đề bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân, đại diện tổ chức Oxfam cho rằng: đây là một nội dung quan trọng cần thiết, góp phần đảm bảo cho nền kinh tế số được vận hành trong cơ sở dữ liệu trong thời đại ngày nay.

Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật và chương trình của nhà nước cần xây dựng các giải pháp bảo vệ quyền riêng tư cho người dân cũng như doanh nghiệp. Dữ liệu do doanh nghiệp và nhà nước thu thập của công dân cần phải được quản trị đúng đắn, theo các chuẩn mực về quyền con người và tôn trọng quyền riêng tư.

"Nhà nước cần xây dựng khung chế tài cho phép người dùng lên tiếng khiếu kiện tập thể khi có vi phạm quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân là điều cần thiết. Các tổ chức xã hội, các tổ chức phi lợi luận nên có vai trò tích cực đại diện cho người dân tham gia quá trình đó. Thực hiện được điều đó sẽ giúp người dân tin tưởng tham gia hiệu quả, bình đẳng vào đời sống kinh tế nói riêng, đời sống xã hội nói chung", theo đại diện Oxfam.

Cũng trên quan điểm đóng góp, bổ sung các quy định về luật bảo vệ, tôn trọng quyền riêng tư, đại diện IPS đưa ra các khuyến nghị với hai giải pháp: Nhà nước cần xây dựng Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhằm giải quyết những thiếu hụt các quy định pháp lý cụ thể về bảo vệ dữ liệu – đồng thời khắc phục tình trạng quy định trùng lặp, phân tán trong nhiều văn bản chuyên ngành; Cần có một chiến lực quốc gia về dữ liệu nhằm xác lập, thống nhất hành động ở cấp độ quốc gia.

Như vậy, với những ý kiến trình bày, những đề xuất, khuyến nghị của các nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nghiên cứu, xây dựng pháp luật đóng góp tại hội thảo, chúng ta luôn có cơ sở, niềm tin để cán đích hoàn thiện được khung pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số.

 (Nguồn: http://ictvietnam.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây