Khi ngày càng có nhiều người học tập và làm việc tại nhà, thì các nền tảng giáo dục trực tuyến, giảng dạy cùng các cuộc họp, hội thảo trực tuyến trở thành thói quen bình thường. Một hình thức tương tác xã hội mới đã hình thành, ở đó kết nối Internet băng thông rộng cho phép nhiều hoạt động giải trí trong nhà cũng như các cuộc gặp gỡ trực tuyến với bạn bè và người thân để vẫn bảo đảm an toàn trong ngôi nhà của chúng ta.
Bùng nổ nhu cầu kết nối
COVID-19 đã gây sốc cho thế giới của chúng ta. Một lượng lớn dân số toàn cầu đang sống dưới một số hạn chế và bắt buộc giãn cách xã hội. Chúng ta đang học cách sống khác biệt - học hỏi, giao tiếp, mua sắm, tôn thờ thần tượng và cộng tác hoàn toàn khác, và tất cả những việc này đang được thực hiện trực tuyến.
Trên thực tế, vai trò của kết nối kỹ thuật số trong cuộc sống đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng chưa bao giờ chúng ta nhận thức sâu sắc về việc chúng ta phụ thuộc vào nó như thế nào; Từ nhận thông tin mới nhất và các chỉ dẫn về sức khỏe, đến hỗ trợ các dịch vụ y tế, điều chỉnh chuỗi cung ứng và thiết bị, tìm nguồn cung ứng trên toàn cầu - chúng ta phụ thuộc vào khả năng kết nối do khoảng cách. COVID-19 đã giúp con người nhận thức rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của kết nối trong thời đại kỹ thuật số.
Theo dự báo của Ericsson, trong giai đoạn từ 2019 - 2025, thông thường, lưu lượng di động được dự báo tăng 27% mỗi năm, hầu hết sẽ là lưu lượng video. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 dẫn tới sự bùng nổ dữ liệu, khi người dùng trên thế giới dành nhiều thời gian hơn cho việc học và làm việc tại nhà. Thông tin và truyền thông trở nên rất quan trọng, các mạng di động là một phần thiết yếu, là nền tảng xương sống truyền thông, cho phép nhân viên y tế, cán bộ trong tuyến đầu chống dịch và các doanh nghiệp trọng yếu luôn được kết nối.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF (World Economic Forum) cho biết, nhu cầu kết nối Internet gia tăng trên toàn cầu. Việc sử dụng cả dịch vụ gọi video và giải trí phát trực tuyến đã tăng mạnh - Số người truy cập Zoom mỗi ngày tăng gấp 20 lần. Các cuộc gọi thoại ở một số quốc gia đã tăng gấp ba và việc sử dụng các ứng dụng liên lạc đã tăng gấp đôi.
Các nghiên cứu của Ericsson cũng chỉ ra rằng, lưu lượng thoại tăng trung bình từ 20% đến 70% trên các hệ thống mạng với số lượng và thời lượng cuộc gọi gia tăng do có nhiều người sử dụng trong giai đoạn COVID-19. Hầu hết các nhà mạng đang chứng kiến sự gia tăng từ 10 - 20% lưu lượng dữ liệu (cả tải lên và tải xuống) trên mạng di động, trong đó các dịch vụ truyền phát video đóng góp phần không nhỏ trong sự gia tăng này.
Những thách thức trong kết nối
Sự thay đổi đột ngột trong cuộc sống trực tuyến của mọi người đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và áp lực căng thẳng chưa từng thấy đối với cơ sở hạ tầng CNTT quan trọng. Do đó, xuất hiện những thách thức về quyền truy cập và khả năng chi trả cho những kết nối ở nhiều quốc gia. Đồng thời qua nhu cầu kết nối Internet tăng trong dịch COVID-19, cũng cho thấy những kết nối Internet hiện chưa thực sự đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, mới chỉ có khoảng 53% dân số toàn cầu được kết nối Internet. Đây là những thách thức hàng đầu đòi hỏi phải có hành động ngay lập tức để đảm bảo tính kết nối liên tục và khả năng sẵn sàng cho những người cần kết nối khi làn sóng COVID-19 đang tiếp tục lan rộng trên toàn cầu.
Ngoài vấn đề cần phản ứng COVID-19 ngay lập tức, việc xử lý vấn đề bất bình đẳng Internet toàn cầu còn có ý nghĩa là một bài học sâu sắc và lâu dài hơn. Mặc dù sự thật là nhiều người nhận ra mức độ chúng ta phụ thuộc vào kết nối kỹ thuật số, nhưng lại chỉ đúng với những người được kết nối với Internet, mà tỉ lệ này đang là 53% dân số thế giới. Nhiều quốc gia hiện đang bắt đầu phải đối mặt với làn sóng COVID-19 mà không có sẵn các hệ thống thông tin được kết nối. Mỹ là một ví dụ bộc lộ rõ những điểm yếu Internet thời COVID-19.
Cụ thể, lỗ hổng trong hệ thống phủ sóng Internet tốc độ cao tại các vùng nông thôn đang trở thành vấn đề nghiêm trọng mà nước Mỹ phải đối mặt giữa đại dịch COVID-19. Đại dịch COVID-19 đã đặt ra bài toán cấp bách: Các tòa nhà công cộng đóng cửa và mọi người buộc phải ở nhà; Trẻ em ở các vùng không có Internet ổn định sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tụt lại về kiến thức so với đồng trang lứa nơi thành phố; bệnh nhân không thể liên lạc với bác sỹ, doanh nghiệp gặp khó trong kết nối với khách hàng; Nhiều nông dân còn không thể sử dụng máy móc, bởi nhiều hệ thống tưới tiêu hiện đại sử dụng dữ liệu thời gian thực về thời tiết đểtính toán lượng nước cần bơm. Giám đốc điều hành Jonatan Spalter của tập đoàn US Telecom nhận định: "Đây không còn đơn thuần là vấn đề về thương mại. Đây là vấn đề sống còn."
Chưa bao giờ, khoảng cách giữa những người được kết nối và những người không kết nối lại lớn, và để lại cảm giác bi thảm như trong giai đoạn khủng hoảng dịch COVID-19. Thảm kịch này có thể trở nên khó khăn hơn vì trên thực tế có tới 47% dân số thế giới không được kết nối và không có quyền truy cập vào thông tin và cơ hội cơ bản.
Một số biện pháp gia tăng kết nối Internet
Thực tế đang đặt ra vấn đề hợp tác khẩn trương giữa lĩnh vực công và tư nhằm đảm bảo rằng những người cần được kết nối sẽ được phục vụ. Để hỗ trợ điều này, Ngân hàng Thế giới, ITU, GSMA và Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã tăng cường hợp tác để xác định các ưu tiên trước mắt cho sự hợp tác công – tư, qua đó các chính phủ có thể hợp tác ngay với khu vực tư nhân.
Năm ưu tiên dưới đây đang được chia sẻ trên toàn cầu, sẽ là cơ sở của cuộc họp chung giữa các bộ trưởng, các bộ trưởng tài chính và CNTT của các quốc gia và sẽ xúc tác cho sự hợp tác bền vững giữa khu vực công và tư nhân để tăng truy cập Internet nhằm vượt qua khủng hoảng hiện nay.
1. Thúc đẩy khả năng phục hồi mạng
Chính phủ các nước cần đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng công nghiệp kỹ thuật số bằng cách hợp lý hóa các thói quen, qui trình hậu cần và phân loại thiết bị mạng là cơ sở hạ tầng thiết yếu. Ngoài ra, chính phủ cũng nên tạo điều kiện truy cập khẩn cấp vào các tài nguyên phổ bổ sung khi cần thiết trong cuộc khủng hoảng, xúc tiến phê duyệt các trang web và cài đặt mới và cho phép chia sẻ cơ sở hạ tầng tự nguyện.
Ví dụ, các quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Ireland, Jordan, Ả Rập Saudi, Tunisia, Panama, Brazil và Nam Phi đã cung cấp cứu trợ phổ tần cho các nhà khai thác để cung cấp thêm phạm vi và khả năng bao phủ mạng.
2. Đảm bảo quyền truy cập và khả năng chi trả các dịch vụ số
Các chính phủ phải thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên mạng thông minh và có trách nhiệm của công chúng trong thời kỳ khủng hoảng mà không tạo ra các biến dạng hệ thống. Họ có thể làm điều này bằng cách cho phép cơ sở kinh doanh thiết yếu phân phối và mua các dịch vụ di động trả trước cho 5,7 tỷ khách hàng thiếu quyền truy cập vào các mạng kết nối đó.
Ví dụ, Chile thực hiện một "kế hoạch đoàn kết" để truy cập Internet giá cả phải chăng trong quan hệ đối tác với khu vực tư nhân. Ai Cập cung cấp thẻ SIM miễn phí cho sinh viên và đã cam kết giảm cước 20% cho người sử dụng mạng. Thái Lan cũng thiết kế một chương trình hỗ trợ công cộng cho người dùng di động để họ có thể đăng ký 10 GB sử dụng dữ liệu miễn phí.
3. Hỗ trợ tuân thủ các nguyên tắc giãn cách xã hội trong khi cung cấp kết nối quan trọng
Chìa khóa để ngăn chặn sự lây lan của virus corona là hỗ trợ trả trước cước truy cập Internet băng thông rộng cho các đối tượng là những người làm việc trong các cơ quan chính phủ và các nhóm mục tiêu khác để họ làm việc tại nhà mà vẫn đảm bảo hoạt động liên tục của các dịch vụ chính phủ cũng như hỗ trợ tài chính của nhà mạng tại thời điểm khủng hoảng. Ví dụ, nhiều quốc gia đã hỗ trợ làm việc từ xa cho công chức, bao gồm cả Nigeria.
4. Sử dụng y tế điện tử, từ xa và dữ liệu lớn để giải quyết khủng hoảng sức khỏe
Các chính phủ có thể giúp thúc đẩy các dịch vụ kỹ thuật số từ xa và ứng dụng để khuyến khích y tế điện tử và ủng hộ các hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trong các lĩnh vực cần chăm sóc y tế từ xa. Họ có thể đảm bảo trao đổi chặt chẽ giữa chính quyền quốc gia và nhà khai thác trong việc sử dụng dữ liệu di động để theo dõi ổ dịch trong khi tuân thủ các nguyên tắc bảo mật nghiêm ngặt, có liên quan.
Ví dụ, Pakistan đã làm việc với các nhà khai thác di động để gửi SMS về thông tin sức khỏe liên quan đến COVID-19 đến các thuê bao; Cộng hòa Cốt-đi-voa đã làm việc với các nhà khai thác di động để phát triển tài nguyên thông tin y tế công cộng được cung cấp qua các trang web và ứng dụng.
Tại Mỹ, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đã thành lập Chương trình kết nối từ xa trong khủng hoảng COVID-19 (COVID-19 Telehealth Program) trị giá 200 triệu đô la nhằm mục đích giúp các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe mua kết nối băng thông rộng và các thiết bị cần thiết để cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh từ xa. FCC cũng xây dựng Chương trình thí điểm chăm sóc được kết nối mạng để cung cấp 100 triệu đô la hỗ trợ từ Quỹ dịch vụ toàn cầu (USF) giúp giảm bớt gánh nặng chi phí kết nối các dịch vụ chăm sóc cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và để giúp đánh giá cách sử dụng quỹ trong lâu dài trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe từ xa.
Các chính phủ cũng phải hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (CNTT-TT) và các bộ trưởng viễn thông để phát triển các kế hoạch hành động khẩn cấp và giải quyết các nút thắt liên quan ngăn chặn đầu tư của khu vực tư nhân và tiếp cận phổ cập.
5. Đảm bảo khung thể chế phù hợp với mục đích
Các chính phủ cũng phải hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (CNTT-TT) và các Bộ trưởng viễn thông để phát triển các kế hoạch hành động khẩn cấp và giải quyết các nút thắt liên quan ngăn chặn đầu tư của khu vực tư nhân và cung cấp truy cập Internet mọi nơi.
Internet cho tất cả mọi người trong thế giới hậu COVID-19
Ngoài việc đối phó với đại dịch, hầu hết mọi người hiện nay đã tin rằng chúng ta sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 này với những kỳ vọng, hành vi và chuẩn mực đã thay đổi. Chúng ta sẽ trở lại làm việc, xây dựng lại và tạo ra các kinh doanh mới và vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn như biến đổi khí hậu và các vấn đề bền vững liên quan. Hiểu rõ được nếu xảy ra gián đoạn kết nối toàn cầu sẽ như thế nào, chúng ta sẽ vượt qua những thách thức về tính bền vững với sự nhiệt thành mới – cùng với dữ liệu lớn và phân tích đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực dựa trên khoa học và nền tảng kỹ thuật số có vai trò quan trọng trong hợp tác phân phối và đổi mới.
Trong toàn bộ các mục tiêu của chúng ta - với tư cách cá nhân và cộng đồng - chúng ta sẽ dựa vào kỹ thuật số nhiều hơn trong cuộc sống. Chúng ta sẽ không thể xây dựng được mọi thứ kể cả kinh tế; không thể mang toàn bộ nguồn lực để giải quyết các đại dịch hoặc biến đổi khí hậu trong tương lai, cũng như không thể cung cấp cho những người trẻ tuổi trên toàn cầu quyền truy cập vào kho kiến thức nhân loại phong phú để họ có thể học hỏi, đổi mới và làm chủ trong tương lai. Nhưng tất cả những điều này sẽ được thực hiện khi chúng ta nhanh chóng giải quyết thách thức để mang lại quyền truy cập Internet phổ quát chất lượng cao cho tất cả mọi người. Do đó, song song với việc phải hành động khẩn cấp để đảm bảo duy trì dòng thông tin kết nối toàn cầu, để giải quyết cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 hiện nay, thì chúng ta cũng phải đảm bảo duy trì sự cấp bách đó để mở rộng quyền truy cập cho tất cả mọi người trên toàn cầu trong tương lai.
(Nguồn: http://ictvietnam.vn)