(TTCNTT) - Cùng xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đẩy mạnh việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và quá trình chuyển đổi số. Bởi vậy, phát triển năng lực quốc gia về an toàn, an ninh mạng (ATANM) là điều kiện tiên quyết để xây dựng chính phủ điện tử, kinh tế số, phục vụ hoạt động của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp viễn thông ngày càng khẳng định được vai trò đi đầu triển khai hiệu quả các công tác này.
Bảo đảm không gian mạng an toàn
Vấn đề bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) ngày càng trở nên quan trọng, nhất là khi công nghệ phát triển và thay đổi nhanh chóng, kéo theo sự bùng nổ về các cuộc tiến công mạng. Thực tế, các loại hình tội phạm công nghệ cao đang xuất hiện ngày càng nhiều, đa dạng và tinh vi hơn, gây thiệt hại to lớn về kinh tế, tài chính và xâm phạm chủ quyền quốc gia. Nguy hiểm hơn, mục tiêu nhắm đến của các cuộc tiến công ngày càng có xu hướng chính trị, đối tượng trực tiếp bị tiến công là các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp hàng đầu của nền kinh tế... Theo báo cáo của Công ty ATTT CyStack, trong chín tháng đầu năm 2019, Việt Nam đứng thứ 11 trong số các quốc gia bị tiến công mạng nhiều nhất thế giới và đứng thứ ba ở Ðông - Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a và Xin-ga-po) với tổng số trang điện tử bị xâm phạm là gần 8.500 trang.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam đang từng bước tham gia cuộc cách mạng số thì không gian mạng chính là tương lai thịnh vượng của đất nước. Bảo đảm an toàn, an ninh không gian mạng đồng nghĩa với xây đắp cho tương lai, giúp đất nước thịnh vượng hơn. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Theo đó, mọi dự án công nghệ thông tin (CNTT) đều phải có cấu phần ATANM như một phần bắt buộc. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về tỷ lệ chi cho ATANM ít nhất 10% tổng kinh phí chi cho CNTT. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ này đang ở dưới 5%. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải có một mạng lưới chuyên gia và đơn vị chuyên trách về ATANM dưới sự điều phối của cơ quan chức năng. Thông tin phải được chia sẻ kịp thời. Khi sự cố xảy ra với một đơn vị, các đơn vị phải cùng coi đây là trách nhiệm của mình, sẵn sàng tham gia ứng cứu theo sự điều phối chung.
Tuy nhiên, việc bảo đảm một không gian mạng an toàn, lành mạnh, rộng khắp cần rất nhiều nỗ lực. Các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia ATTT phải là những người tiên phong mở đường, chung vai gánh vác trách nhiệm này. Còn các hiệp hội như Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cần trở thành cầu nối, sợi dây liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Mặt khác, cũng cần tham gia tích cực, đóng góp thiết thực hơn cho các hoạt động ATANM quốc tế, nhất là đối với các hoạt động do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) khởi xướng. Từ đó, tạo ra một không gian mạng Việt Nam an toàn, chia sẻ thông tin, tổ chức các sự kiện khu vực và quốc tế, đóng góp cho thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp lớn mạnh, sản phẩm ATANM chất lượng cao là phương pháp tốt nhất để thực hiện mục tiêu này.
Nỗ lực của doanh nghiệp
Vừa qua, Hệ thống Chia sẻ và Giám sát ATTT phục vụ chính phủ điện tử đã chính thức khai trương. Hệ thống này được Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục ATTT (Bộ Thông tin và Truyền thông) sử dụng làm đầu mối kỹ thuật quốc gia trong công tác bảo đảm ATANM và giám sát xu hướng thông tin trên toàn bộ không gian mạng của Việt Nam. Ðáng chú ý là có sự phối hợp chặt chẽ cùng các doanh nghiệp viễn thông -
CNTT lớn trong nước, trong đó có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), thành viên tích cực và đi đầu trong Liên minh xử lý mã độc và phòng, chống tiến công mạng, nhằm hướng tới tăng cường khả năng phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời, chính xác về các sự kiện, sự cố, dấu hiệu, nguy cơ, lỗ hổng... có khả năng gây mất ATTT đối với các hệ thống thông tin, dịch vụ CNTT phục vụ chính phủ điện tử.
Theo bản Báo cáo đánh giá, xếp hạng ATTT cho Cổng/Trang thông tin điện tử cơ quan nhà nước năm 2019 - Portal Security Index (PSI) 2019 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, trong chín tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, VNPT đứng ở tốp đầu. Ðể có được những thành quả này, VNPT đã triển khai xây dựng hệ “miễn dịch” ATTT không chỉ phục vụ cho nội bộ doanh nghiệp mà còn tạo nên một hệ sinh thái phong phú với nhiều giải pháp ATTT cung cấp tới khách hàng. VNPT đã xây dựng trung tâm điều hành SOC (Security Operation Center) chuyên theo dõi, xử lý các sự cố về ATTT trực 24/7. Quan điểm hoạt động của trung tâm này là xây dựng một hệ sinh thái an ninh mạng tốt sẽ bảo đảm tất cả các thành phần hoạt động cùng nhau, tăng khả năng dự đoán và ngăn chặn các cuộc tiến công mạng, hạn chế sự lây lan, giảm thấp nhất hậu quả của các cuộc tiến công, đồng thời nhanh chóng khôi phục hệ thống về trạng thái ổn định và an toàn. Không dừng ở đó, VNPT cũng vừa quyết định thành lập hai phòng thí nghiệm về ATTT là Smart Security và Security Test Lab, đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm ATTT cho tập đoàn.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm, phối hợp cùng các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và nước ngoài như: Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Học viện Kỹ thuật mật mã,... để hợp tác nghiên cứu phát triển sản phẩm ATTT cũng luôn được VNPT chú trọng. Trong định hướng VNPT 4.0, tập đoàn sẵn sàng tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, trong đó có lĩnh vực ATTT.
(Nguồn: nhandan.com.vn)