Những ngày cuối năm, lòng người thường tĩnh lại. Những lo âu, suy nghĩ thường nhật bỗng nhường chỗ cho những suy nghĩ lớn lao hơn.
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên số, khi không gian mạng trở thành không gian chiến lược thứ 5 của loài người. Nếu như không gian truyền thống con người đã làm quen từ hàng nghìn năm nay, thì không gian mạng lại hết sức mới mẻ, chỉ chưa đầy 3 thập niên trở lại đây.
Công cuộc chuyển đổi từ không gian truyền thống lên không gian mạng, hay công cuộc chuyển đổi số, vì thế, là thời cơ mà nếu không nắm bắt thì quốc gia, dân tộc sẽ bị bỏ lại phía sau.
Suy ngẫm từ Chiếu dời đô
Cách đây hơn 1000 năm, dân tộc Việt Nam đã thực hiện một cuộc chuyển đổi vĩ đại. Công cuộc chuyển đổi này được dẫn dắt bởi người đứng đầu quốc gia khi đó là Vua Lý Thái Tổ. Chương trình chuyển đổi quốc gia, Chiếu dời đô, chỉ có vẻn vẹn 214 chữ, nhưng để lại bài học vô giá.
Đầu tiên là việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Nhà vua đã chỉ ra: “Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô”.
Đi liền với đó, là việc đánh giá, chỉ ra những tồn tại, hạn chế của đất nước, đánh giá thời nhà Đinh, Tiền Lê là cạn nghĩ, không thức thời, không chịu học hỏi.
Điều cốt yếu rút ra là tinh thần đổi mới. Ngay lúc ấy, kinh nghiệm quốc tế lớn nhất đã là không được đi theo những lối mòn, mà phải luôn luôn đổi mới.
Thế đâu là chỗ dựa để đánh giá một sự thay đổi là đúng hay là sai? Câu trả lời của Chiếu dời đô: phải mang lại cho xứ sở sự thịnh vượng. Thuật lại việc Lý Thái Tổ đưa Chiếu dời đô ra để hỏi ý kiến các quan, Đại Việt sử ký toàn thư viết rằng: "Bầy tôi đều tâu: Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế dài lâu, để trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có, điều lợi như thế ai dám không theo".
Nhưng điều quan trọng nhất trong chương trình chuyển đổi quốc gia cách đây hơn 1000 năm là sự chuyển đổi về mặt nhận thức. Việc dời đô từ Hoa Lư hiểm yếu nhưng chật hẹp sang Thăng Long trống trải giữa vùng đồng bằng là một sự chuyển đổi về tư duy quản lý đất nước, tư duy cầm quyền; từ quan điểm phòng thủ đất nước dựa vào sự hiểm yếu sang dựa trên sự phát triển, coi phát triển là cách tốt nhất để bảo vệ một quốc gia.
Chương trình chuyển đổi quốc gia khi ấy do Vua Lý Thái Tổ dẫn dắt thành công, mở ra một giai đoạn phát triển rực rỡ trong lịch sử dân tộc, tạo ra tiềm lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho cả giai đoạn 1000 năm về sau.
Đến công cuộc chuyển đổi số lên không gian mạng
Không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược thứ 5 của loài người. Việc chuyển đổi mọi mặt đời sống từ không gian truyền thống lên không gian mạng được gọi là chuyển đổi số.
Nhiều nước đã xây dựng và triển khai các chiến lược, chương trình quốc gia về chuyển đổi số. Những quốc gia tiên phong trong chuyển đổi số đã cùng nhau thành lập mạng lưới hợp tác quốc gia số, gọi tắt là D10 (Digital 10).
Một số quốc gia châu Á khác như Ấn Độ và các nước Ả Rập, cũng sớm xác định được xu hướng tất yếu và coi đây là nhiệm vụ chiến lược quốc gia. Đặc biệt, Chính phủ các nước Ả Rập chỉ riêng năm 2018 đã chi tiêu 15 tỷ đô la cho các công nghệ nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số.
Trong khu vực Đông Nam Á, tháng 11/2014, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố chương trình chuyển đổi số, đưa Singapore trở thành một quốc gia thông minh. Indonesia đặt mục tiêu chuyển đổi số giúp tạo ra giá trị mới ước tính vào khoảng 150 tỷ đô la, tương đương với 10% GDP vào năm 2025. Mới đây nhất, tháng 10/2019, trở lại lãnh đạo đất nước Malaysia sau 16 năm, Thủ tướng Mahathir Mohamad tuyên bố chương trình chuyển đổi số, với trọng tâm là đưa Malaysia trở thành trung tâm về công nghệ tài chính (fintech), chuỗi khối (blockchain) và thiết bị bay thông minh (dronetech).
Những cách chuyển đổi số thất bại
Chuyển đổi số của một quốc gia thường thất bại theo nhiều cách khác nhau, nhưng điểm lại, có 5 vấn đề chính phổ biến dẫn đến việc chuyển đổi số thất bại.
Quá tập trung hoặc quá phân tán sẽ thất bại. Kinh nghiệm thành công cho thấy để chuyển đổi số thành công, cần có sự truyền cảm hứng từ lãnh đạo cấp cao nhất, có một nhạc trưởng điều phối, có một cơ quan điều phối và có sự tham gia vào cuộc của toàn xã hội.
Thay đổi, phá vỡ quá nhiều thứ một lúc sẽ thất bại. Thay vào đó, cần đi nhanh, đi trước ở một số lĩnh vực ưu tiên. Phát triển các nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số một dễ dàng.
Chuyển đổi số nửa vời sẽ thất bại. Người dân sẽ trung thành sử dụng những dịch vụ số hoàn chỉnh, từ đầu đến cuối, không giấy tờ, thay vì những dịch vụ điện tử một phần trực tuyến, một phần lại phải “offline” để làm theo cách truyền thống. Song song với việc cung cấp dịch vụ số hoàn chỉnh, Chính phủ cũng cần ban hành chính sách khuyến khích người dân sử dụng. Chẳng hạn, dịch vụ công trực tuyến có thời gian xử lý nhanh hơn, phí, lệ phí thấp hơn dịch vụ công làm theo cách truyền thống.
Không hình thành được văn hoá số sẽ thất bại. Cần hình thành văn hoá chấp nhận và thử nghiệm cái mới, tiến tới khuyến khích cái mới, cho phép làm nhanh, thử nghiệm trong phạm vi hẹp, thất bại nhanh để rút kinh nghiệm, thành công thì xem xét nhân rộng.
Một chiến lược hay chương trình quốc gia cứng nhắc sẽ thất bại. Thay vào đó, chương trình quốc gia cần có tính khung, động, mở, tạo nền móng. Các cơ quan, tổ chức căn cứ vào đó để tuyên bố chương trình chuyển đổi số của mình.
Thời cơ và vận hội dân tộc
Chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức như khi thay đổi, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, mô hình kinh doanh cũ bị thay thế, những mối quan hệ mới chưa có tiền lệ phát sinh, nguy cơ thiếu hụt nhân lực trình độ cao, mất an toàn, an ninh mạng và thông tin riêng tư, thông tin cá nhân.
Nhưng chuyển đổi số mang lại cơ hội mới cho nền kinh tế, giúp tăng năng suất lao động, thoát bẫy thu nhập trung bình, thông minh hoá các ngành truyền thống như giao thông, y tế, nông nghiệp, điện lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số còn là cơ hội để Chính phủ hoạt động minh bạch hơn, giảm tham nhũng, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng về thu nhập, đào tạo và tiếp cận dịch vụ.
Việt Nam có hơn 3.000 km đường bờ biển. Truyền thuyết khai sinh dân tộc có cha Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển, nhưng Việt Nam đã chậm bước trong việc trở thành một quốc gia biển.
Việt Nam hiện nay hội tụ nhiều yếu tố để chuyển đổi số thành công, với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước mang tính kiến tạo của Chính phủ, dân số trẻ, kinh tế phát triển năng động.
Cơ hội cho Việt Nam chuyển đối số thành công sẽ nằm ở những hành động cụ thể như hiện thực hoá ước mơ mỗi người dân một chiếc smartphone, mỗi hộ, gia đình một đường cáp quang; hình thành lực lượng doanh nghiệp công nghệ số đông đảo, trong đó có các doanh nghiệp lớn làm chủ công nghệ, đi ra toàn cầu; phát triển Chính phủ số.
Thế hệ chúng ta không thể bỏ lỡ thời cơ và vận hội ấy của dân tộc để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số thịnh vượng, ổn định, nhân văn và rộng khắp.
Thời gian qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đưa ra nhiều nghị quyết, chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nêu rõ những mục tiêu rất cụ thể như: Đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Đề án Chuyển đổi số Quốc gia do Bộ TT&TT xây dựng cũng nhận định: Chuyển đổi số tại Việt Nam trong thời gian tới là tất yếu nếu chúng ta muốn có những bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, không bị bỏ lại trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để chuyển đổi số thành công, cần phải có sự đầu tư nguồn lực, quyết tâm thực hiện của tất cả các thành phần trong xã hội, đặc biệt phải khắc phục ngay được những hạn chế hiện nay. Chuyển đổi số là cơ hội để Việt Nam vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số quốc gia bao gồm chuyển đổi số chính phủ, chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số xã hội. Trong tiến trình chuyển đổi số, Việt Nam đặt mục tiêu lĩnh vực kinh tế số sẽ chiếm 30% GDP vào năm 2030. Thời gian tới, cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư công của giai đoạn 2021-2025 cho các đề án, dự án đầu tư phát triển hạ tầng số, các nền tảng (platform) để tạo tiền đề và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về chuyển đổi số quốc gia trong quý I/2020, các địa phương sẽ xây dựng chương trình chuyển đổi số của địa phương mình và hoàn thành trong quý II/2020.
Xu thế không thể đảo ngược
Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, là phương thức quan trọng giúp các t ổ chức, doanh nghiệp đạt được những thành công mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo. Còn theo công ty nghiên cứu McKensey, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%. Theo khảo sát của IDG, 90% doanh nghiệp toàn cầu đã có kế hoạch chuyển đổi số và đa số khẳng định chuyển đổi số nằm trong Top 3 mục tiêu quan trọng nhất cần thực hiện.
Tại Việt Nam, Khảo sát của Hiệp hội Dịch vụ Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA) tháng 8/2019 cho thấy, trên 70% doanh nghiệp, tổ chức đã sẵn sàng chuyển đổi số. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều những băn khoăn được các tổ chức, doanh nghiệp đặt ra. Trong đó, ba vấn đề được họ quan tâm hàng đầu là: nguồn lực để triển khai (55,7%); tin học hoá khác với chuyển đổi số như thế nào (39,2%); và chuyển đổi số nên bắt đầu như thế nào (38,4%).
Còn theo khảo sát của Bộ Công Thương, 61% doanh nghiệp đứng ngoài cuộc chơi, chỉ 21% doanh nghiệp đã có các hoạt động chuẩn bị ban đầu cho ứng dụng công nghệ 4.0. Tính chung, 16/17 ngành chưa sẵn sàng với chuyển đổi số.
(Nguồn: ictnews.vietnamnet.vn)