Theo đó, từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2019, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng thực hiện kết nối, liên thông, thí điểm và chính thức gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Về tình hình gửi nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia, theo ghi nhận của Văn phòng Chính phủ, 100% bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 02 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia. Trong đó 60 đơn vị kết nối thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp bộ, cấp tỉnh (LGSP), 35 đơn vị kết nối trực tiếp phần mềm QLVB&ĐH với Trục liên thông văn bản quốc gia.
Đồng thời, Văn phòng Chính phủ đang triển khai kết nối tới Văn phòng Quốc hội phục vụ gửi, nhận tài liệu, thông tin phục vụ các cuộc họp Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; triển khai thử nghiệm kết nối tới các doanh nghiệp đã đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Quyết định 28.
64 bộ, ngành, địa phương đã phát sinh gửi, nhận văn bản điện tử ở cả 3 cấp chính quyền (cấp Vụ, Cục, sở, ngành, quận huyện), trong đó 1.200 sở, ngành, quận huyện đã kết nối thông qua LGSP gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Bộ TT&TT và tỉnh Lào Cai đã phát sinh gửi, nhận văn bản điện tử cấp 4 chính quyền trên Trục liên thông văn bản quốc gia, sử dụng phần mềm QLVB&ĐH dùng chung kết nối đến cấp phường, xã.
Từ ngày 12/3/2019 đến ngày 30/9/2019, có tổng số 163.107 văn bản gửi và 488.165 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Trong đó có 116.630 văn bản gửi, 343.547 văn bản nhận của cấp bộ, ngành, tỉnh, thành phố; 44.889 văn bản gửi, 143.697 văn bản nhận của cấp Cục, Vụ, sở, ngành, quận huyện; 1588 văn bản gửi, 921 văn bản nhận của cấp phường xã.
Về nâng cấp phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, 63/95 cơ quan đã nâng cấp phần mềm QLVB&ĐH, đang chạy chính thức; 28 cơ quan đang triển khai nâng cấp, 4 cơ quan chưa có kế hoạch cụ thể nâng cấp phần mềm (Thanh tra Chính phủ, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam).
Liên quan đến phản hồi trạng thái xử lý văn bản theo Quyết định 28, đã có 84/95 đơn vị phản hồi từ 05 trạng thái trở lên; 10/95 cơ quan đã phản hồi từ 03 đến 5 trạng thái, Văn phòng Trung ương Đảng phản hồi 01 trạng thái.
Về bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai 87 máy chủ bảo mật dùng chung và dùng riêng có tích hợp chứng thư số chuyên dùng Chính phủ phục vụ mã hóa, xác thực các gói tin liên thông văn bản giữa các hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương với Trục liên thông văn bản quốc gia. Công tác giám sát an toàn thông tin mạng cho Trục liên thông văn bản quốc gia được đặc biệt quan tâm.
Đến nay, Bộ TT&TT đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 28/2018/QĐ-TTg. Hiện tại, Hệ thống quản lý văn bản điều hành của Bộ TT&TT đã đáp ứng việc tích hợp giải pháp dịch vụ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ. Toàn bộ 36 đơn vị trực thuộc Bộ đã được cấp chứng thư số cho đơn vị và Lãnh đạo đơn vị ký số trực tiếp trên Hệ thống (đã cấp 471 chứng thư số USB và 176 sim PKI). Hệ thống thường xuyên được giám sát bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định và an toàn thông tin.
Đối với việc phát hành văn bản trong và ngoài Bộ, cũng theo báo cáo đến thời điểm hiện tại, 100% văn bản của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ được gửi điện tử và ký số trước khi phát hành (trường hợp gửi cho đơn vị nhận bản giấy thì vẫn có một bản điện tử có ký số được lưu trên hệ thống). Lãnh đạo Bộ đã trực tiếp phê duyệt và ký số trên một số văn bản điện tử. Số văn bản có chữ ký số trực tiếp của lãnh đạo chiếm đa số trong tổng số văn bản điện tử.
Trong tháng 10/2019, tỷ lệ văn bản ban hành được ký số của các đơn vị là: 99,8%; 36/36 đơn vị có tỷ lệ văn bản ký số trên 90% (trong đó có 32 đơn vị có tỷ lệ ký số 100%). Bộ TT&TT đã thực hiện ký số 548/548 văn bản điện tử gửi các Bộ/ Ngành, đạt tỷ lệ 100%; 663/663 văn bản điện tử gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đạt tỷ lệ 100% (so với tháng 9 đạt 99,9%).
Bộ TT&TT đã thực hiện việc ký số các văn bản gửi lên trục liên thông văn bản quốc gia (trừ văn bản mật). Cụ thể là, từ ngày 01/5/2019, Bộ TT&TT phát hành văn bản điện tử có ký số tới các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Bộ TT&TT đã khai báo mã định danh 4 cấp lên Trục liên thông văn bản quốc gia. Đã kết nối, gửi, nhận văn bản thông suốt tới Văn phòng Chính phủ và tất cả các các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các đơn vị thuộc Bộ có thể gửi văn bản trực tiếp tới bất cứ đơn vị nào đã khai báo mã định danh và liên thông trên Trục.
Từ ngày 01/6/2019, Bộ TT&TT phát hành văn bản điện tử có ký số tới Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện nay, có 56 Sở TT&TT đã kết nối liên thông gửi nhận văn bản thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, còn lại 07 Sở TT&TT chưa thực hiện kỹ thuật kết nối liên thông lên Trục và được Bộ TT&TT tiếp tục phối hợp gửi nhận văn bản qua đầu mối cấp 1 của UBND tỉnh.
Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng bao gồm Cục Bưu điện Trung ương bảo đảm hạ tầng Mạng Truyền số liệu chuyên dùng phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các đơn vị; Cục An toàn thông tin bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia.
Đánh giá chung về tình hình thực hiện Quyết định 28 trong một năm qua, Văn phòng Chính phủ nhận định, “việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước góp phần giảm đáng kể chi phí gửi, nhận văn bản giấy và thời gian gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước, thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử, giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; giúp lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ, công việc để có chỉ đạo kịp thời. Ngoài ra, việc liên thông văn bản điện tử thông suốt từ Trung ương đến các cấp địa phương là cơ sở, nền tảng để triển khai kết nối, liên thông các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp, hình thành hệ thống Chính phủ điện tử kết nối thông suốt từ Trung ương đến địa phương”.
(Nguồn: ictnews.vn)