Chào mừng ngày truyền thống của ngành Xuất bản Việt Nam (10/10), sáng nay 9/10, tại Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam chủ trì phối hợp với Vụ Báo chí Xuất bản, Cục Xuất bản, In và Phát hành, nhà xuất bản (NXB) Chính trị Quốc gia Sự thật và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo khoa học “Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, phát hành nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghệ 4.0”.
Thách thức và cơ hội của xuất bản trong thời đại 4.0
Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản đã đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó chỉ rõ: Rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động xuất bản. Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Xuất bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Xây dựng chế độ, chính sách cho các NXB có ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, doanh nghiệp xuất bản có nhiệm vụ kinh doanh đặc thù và hoạt động của hệ thống nhà sách tư nhân và tập thể.
Trong những năm qua, việc xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, các cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản cũng từng bước đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, xây dựng được nhiều mô hình mới, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào cải cách thủ tục hành chính (TTHC) để giảm tối đa thời gian, chi phí của các NXB, doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm và các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản.
Mặc dù vậy, trước những yêu cầu, đòi hỏi của cuộc CMCN lần thứ tư cùng quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất bản, phát hành tiếp tục cần được cải cách, chuyển đổi sâu sắc hơn nữa.
Ông Nguyễn An Tiêm, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam phát biểu
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn An Tiêm, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nhấn mạnh: Hội thảo nhằm cung cấp những luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn của hoạt động xuất bản, phát hành cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý Nhà nước xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách phù hợp với tính đặc thù của ngành và yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn trong cuộc CMCN 4.0 để giúp ngành xuất bản không ngừng phát triển mạnh mẽ theo kịp sự phát triển của khu vực và thế giới.
Các tham luận tập trung bàn vào những nội dung chủ yếu: Yêu cầu cấp thiết của cải cách TTHC trong lĩnh vực xuất bản, phát hành trong bối cảnh CMCN lần thứ tư; Bàn cách ứng dụng CNTT vào giải quyết những TTHC trong xuất bản; Phản ánh, đề xuất bãi bỏ những TTHC rườm rà, không cần thiết.
Tham luận tại Hội thảo, ông Phạm Chí Thành, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự thật cho biết: Xuất bản là một trong những ngành chịu tác động sâu sắc của CMCN 4.0. Nó mở ra những cơ hội và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức. Về cơ hội, cuộc cách mạng 4.0 giúp NXB tiếp nhận phong phú nguồn bản thảo, đa dạng về đầu vào. Biên tập viên thuận tiện trong tra cứu, kiểm chứng thông tin, bộ phận in ấn nhanh hơn. Từ đó giúp NXB giảm thiểu nhân lực, tăng hiệu quả. Về thách thức, thời nay, các tác giả chủ động tiếp cận độc giả qua Internet, tác động trực diện tới hoạt động các NXB.
Còn bà Đinh Thanh Thủy, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh - đưa ra một số kiến nghị tháo gỡ TTHC trong xuất bản trước yêu cầu CMCN 4.0. Hiện nay việc chờ đợi giấy xác nhận đăng ký xuất bản khá lâu, làm chậm quá trình xuất bản sách. Bà kiến nghị xem xét việc cho phép các NXB trên Quyết định xuất bản không cần ghi rõ số và ngày tháng công văn mà chỉ cần ghi số xác nhận đăng ký.
Nhiều kiến nghị, đề xuất để ngành phát triển
Trong khi đó, đại diện NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh trao đổi về sản xuất ebook hiện nay. NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh tham gia xuất bản và phát hành sách điện tử từ tháng 10/2012. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được chính thức cấp phép hoạt động. NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh kiến nghị cơ quan quản lý hoàn thiện bộ thủ tục hướng dẫn theo quy định để các NXB có thể đưa ebook tới bạn đọc.
Đại diện NXB Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam, ông Kim Quang Minh, Chủ tịch kiêm Tổng biên tập cho biết: với sách, bản thảo của xuất bản phẩm được biên tập viên trực tiếp biên tập, duyệt bản thảo trên hệ thống và cấp số để phát hành. Với bản đồ, các lớp bản đồ nền được đặt tại hệ thống xuất bản điện tử của NXB, bản đồ nền do các biên tập viên NXB biên tập và phát hành ra bên ngoài dưới dạng dịch vụ.
Theo đó, các khách hàng sử dụng dịch vụ này chồng xếp các lớp bản đồ của đối tác vào trong các ứng dụng của họ như GIS Chính phủ, atlas Bình Dương, Lào Cai... và phát hành ra Internet. Điều này giúp NXB kiểm soát tốt được toàn bộ nội dung của xuất bản phẩm, nhanh chóng gỡ bỏ (nếu phát hiện sai sót) hoặc khôi phục phát hành lại được xuất bản phẩm.
Ông Kim Quang Minh đề xuất ngành xuất bản, in và phát hành nên xây dựng một cổng thông tin điện tử của ngành (Cổng thông tin điện tử Xuất bản, In và Phát hành). Cổng này cho phép tác giả, các biên tập viên, các NXB, Cục Xuất bản, In và Phát hành, chuyên viên Bộ TTTT truy cập, sử dụng để thực hiện điều hành tác nghiệp (thực hiện các TTHC và dịch vụ hỗ trợ xuất bản, in và phát hành). Các cửa hàng, nhà sách, độc giả truy cập cổng để tìm kiếm, tra cứu thông tin về quá trình xuất bản (tác giả, NXB, công ty in ấn, mã xuất bản...) của các xuất bản phẩm.
Ông Nguyễn Nhật Anh - Giám đốc công ty sách Nhã Nam - nêu thực trạng hiện nay mỗi lần xin giấy phép xuất bản, mỗi cuốn sách một lần được cấp mã ISBN (mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách). Nếu cuốn sách làm một lần không sao, nhưng tái bản thì lại thêm mã ISBN. Ví dụ chỉ một cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã có mười mấy mã ISBN khác nhau. Giống một người có nhiều chứng minh thư, điều này khiến sách bị loạn. "Tôi kiến nghị xem xét mã ISBN được cấp một lần đối với một tác phẩm", ông Nhật Anh nói.
Đại diện công ty Nhã Nam cũng đề nghị xóa bỏ giấy phép đối với sách nối bản. Vì sách nối bản đã qua đọc, duyệt ở lần in đầu, lần in sau nên bỏ để giảm thiểu thủ tục hành chính. Đồng thời, ông cũng đề nghị cấp một mã ISBN cho một đầu sách.
Ông Trần Chí Đạt - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Thông tin và Truyền thông - đề xuất một số nội dung cải cách trong TTHC. Đầu tiên, việc báo cáo định kỳ nên bổ sung hình thức gửi báo cáo bằng văn bản điện tử. Hiện nay báo cáo bằng văn bản giấy, có chữ ký cá nhân lãnh đạo và con dấu. Cách thức ký duyệt bản thảo hoàn chỉnh của giám đốc, tổng biên tập, đề nghị sử dụng chữ ký số điện tử của đơn vị.
“Tôi đề nghị chỉ thực hiện đăng ký xuất bản và gửi xác nhận đăng ký xuất bản bằng phương thức điện tử để tiết kiệm thời gian và chi phí văn phòng phẩm”. Hiện nay đăng ký xuất bản phẩm điện tử chỉ có một định dạng, nhưng thực tế mỗi cuốn sách điện tử có nhiều phiên bản, ví dụ pdf, epub… Ông Đạt cho rằng nên có mã ISBN riêng cho sách điện tử.
Khó khăn trong việc xuất bản sách điện tử xuất phát từ nhiều khúc mắc. Hiện nay một NXB muốn làm sách điện tử phải đầu tư rất nhiều trang thiết bị, tốn kém, trong khi tiềm lực của nhiều NXB không đủ đáp ứng. Đầu tư nhân lực CNTT cũng đòi hỏi cao, trong khi nhân lực của NXB về công nghệ còn yếu.
“Vì thế tôi đề nghị có thể cho các NXB thuê hạ tầng, thuê dịch vụ làm sách điện tử từ công ty công nghệ. Như vậy các NXB mới có thể tháo gỡ làm sách điện tử thuận lợi”, ông Trần Chí Đạt đề xuất.
Đại diện Thái Hà Books đưa ra một số kiến nghị, quan trọng nhất là kiến nghị bỏ giấy phép phát hành, kiến nghị bỏ hợp đồng ba bên giữa nhà in - NXB - đơn vị liên kết.
Thái Hà Books cũng gửi gắm mong muốn kiến tạo hệ sinh thái cho ngành Xuất bản Việt Nam, trong đó cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước đơn giản hóa các TTHC, xây dựng quỹ hỗ trợ dịch thuật, phía các nhà Xuất bản In và Phát hành, Hội In, Hội Xuất bản đưa ra những quy chế hoạt động cho các đơn vị thành viên, bảo vệ các hoạt động kinh doanh lành mạnh của các thành viên trong hội và phía các kênh truyền thông thì tiếp cận thông tin một cách đa chiều.
Ông Hoàng Duy Thịnh - Giám đốc Fahasa tại Hà Nội - cho biết công ty đang đầu tư công nghệ cho hệ thống nhà sách của mình. Theo đó, bạn đọc đến mua có thể tra cứu thông tin, vị trí của cuốn sách trong nhà sách. Với công tác phát hành, ông Thịnh nói hiện nay có nhiều đầu sách không được lưu hành mà các nhà sách chưa được rõ. "Vì thế tôi kiến nghị công khai trên website những xuất bản phẩm vi phạm để những người phát hành biết và loại bỏ khỏi hệ thống nhà sách”.
Tiếp tục cải cách TTHC
Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhấn mạnh: TTHC thời gian qua đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn cần cải cách thêm nữa. Về cắt giảm TTHC, cơ quan quản lý nhà nước đã giảm nhiều thủ tục. Hoạt động in giảm 17 thủ tục, hoạt động xuất bản, phát hành sửa đổi 4 thủ tục kinh doanh, đơn giản 6 thủ tục kinh doanh, cắt giảm 1 và đơn giản 6 TTHC".
Trao đổi lại ý kiến xóa bỏ quyết định phát hành, ông Nguyễn Nguyên nói điều này khó. Quyết định phát hành để biết sau thời gian lưu chiểu có thể đảm bảo nội dung xuất bản phẩm. “Nếu không thực hiện khâu này, chúng ta thả nổi chất lượng sách. Riêng thực hiện cấp quyết định phát hành là yêu cầu cần thiết. Việc cần làm của chúng ta là cải thiện thủ tục để rút ngắn thời gian cấp quyết định này”.
Liên quan đến vấn đề ISBN, thời gian tới cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, đã đến lúc cần nghiêm túc đánh giá, tránh lãng phí, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này. Về căn cứ pháp lý cho xuất bản, sang năm 2020 sẽ sơ kết đánh giá quá trình làm luật Xuất bản mới.
“Rõ ràng Luật Xuất bản 2012 là căn cứ tốt để chúng ta triển khai, là động lực xuất bản phát triển. Xuất bản điện tử là vấn đề chúng ta cần tập trung trong thời gian tới. Phải tạo sân chơi, tạo điều kiện để NXB tham gia sân chơi này. Hiện nay với sự phát triển của smartphone, máy tính bảng… thì chúng ta phải triển khai thế nào để chỉ cần mỗi smartphone có một cuốn sách, thì chúng ta đã có 60 triệu sách", ông Nguyễn Nguyên cho hay.
Về đầu tư hỗ trợ xuất bản, theo ông Nguyễn Nguyên nên xem xét theo phương pháp Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ông cho biết đã có tập đoàn trích 2% doanh thu một năm của họ để hỗ trợ xuất bản. Nhiều dự án xuất bản khác cũng đang xem xét triển khai.
Ông Nguyễn Nguyên chia sẻ khát vọng muốn đưa sách Việt Nam đến với thế giới bằng nhiều cách. Thông qua những hội chợ sách quốc tế như Frankfurt, Cục Xuất bản đang nỗ lực với nhiều hoạt động để biến khát vọng vươn tầm thế giới của sách Việt trở thành hiện thực.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông và các công tác để thúc đẩy văn hóa đọc. Đồng thời, cần đưa những ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động xuất bản, để làm sao mỗi người dân sẽ dành quyền được kiểm soát chất lượng xuất bản phẩm, ông Nguyễn Nguyên nhấn mạnh.
(Nguồn: http://ictvietnam.vn)